Thứ bảy, 20/04/2024 03:41 (GMT+7)

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật: Chuyên gia vẫn hoài nghi

MTĐT -  Thứ sáu, 17/05/2019 17:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù bày tỏ vui mừng về công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản, thế nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, chỉ là giải pháp tạm thời và không khỏi hoài nghi về hiệu quả của công nghệ này.

Sáng 16/5, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đã tổ chức lễ khởi động “Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor".

Dự án được khởi công với kỳ vọng sẽ giúp làm sạch sông Tô Lịch như chuyên gia Nhật Bản nói. Trước đó, ngày 11/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về do tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường dẫn đầu.

Tại buổi làm việc, ông Tadashi Yamamura đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

Theo TS Tadashi Yamamura, với công nghệ bio-nano hiện đại nhất hiện nay, chỉ sau 3 ngày, mùi hôi thối của nước sông sẽ giảm đi nhiều. Phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm mới đưa ra đề nghị này.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã cho phép để đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện “Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor” bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Hà Nội bắt đầu làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về tính khả thi của công nghệ này. Theo thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông vẫn phải tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông ngày càng thêm trầm trọng. Đặc biệt vào mùa hè, khi nắng nóng, dù Công ty Thoát nước Hà Nội đã thường xuyên nạo vét, vớt rác nhưng nước sông vẫn thường bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Với lượng nước thải này thì công nghệ Nano-Bioreactor cũng khó mà làm sạch được sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm từ lâu.

Theo Vnexpress, trao ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, công nghệ Nano-Bioreactor đã được sử dụng thành công tại một hồ ở TP Hải Phòng. Việc áp dụng công nghệ này để thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của thủ đô và có thể lan tỏa ra địa phương khác.

"Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải bảo bối giúp môi trường sạch sẽ mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể về xử lý rác thải và nước thải từ nguồn", ông Khải nhấn mạnh.

Theo Zing, đánh giá về công nghệ này, PGS.TS Phạm Hoàng Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững cho rằng, dự án này là một điểm rất tích cực. Nó cho thấy TP Hà Nội đã quyết liệt hơn trong giải quyết thực trạng ô nhiễm tại con sông này suốt nhiều năm qua.

"Chắc chắn công nghệ của họ phải rất tốt, rất hiệu quả thì họ mới dám tự tin như vậy. Từ trước đến nay, chưa ai dám hứa hẹn những điều như vậy khi bắt tay vào xử lý sông Tô Lịch cả", ông Hải đánh giá về dự án.

Tuy nhiên, khi nói về tính bền vững và lâu dài của giải pháp này, ông Hoàng Hải cho biết vẫn rất hoài nghi.

"Quan điểm của giới khoa học chúng tôi trước hết là mừng, nếu công nghệ này thành công thì quá tốt. Tuy nhiên, trao đổi với nhiều giáo sư, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này, chúng tôi đều thống nhất là phải tách nước thải thì mới giải quyết được cốt lõi vấn đề", ông nêu ý kiến.

Theo Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững, công nghệ mà phía Nhật đem đến có thể thành công trong xử lý được mùi hôi của sông Tô Lịch, nhưng để khẳng định được công nghệ này có thành công hay không sẽ cần nhiều thời gian.

"Để biết được có thành công hay không, phải lấy mẫu phân tích trước, sau rồi từng giai đoạn của dự án để kiểm nghiệm, đánh giá. Kết quả không thể nhìn thấy bằng mắt, nói miệng là hiệu quả được mà phải bằng con số, bằng chỉ số rồi mới kết luận có hiệu quả hay không", ông Hải cho biết.

Ông nói thêm, người dân thủ đô trước hết có thể trông đợi công nghệ này sẽ xử lý được mùi hôi thối của sông Tô Lịch, nhất là những ngày nắng nóng sắp tới. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ khả thi, Hà Nội sẽ cần nhiều thời gian.

GS - TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường (VUSTA) đánh giá cao công nghệ nano-bioreactor nhưng cũng cho rằng, đây chỉ tạm thời xử lý tình huống khi thành phố chưa thu gom được nước thải dọc sông Tô Lịch và chờ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động.

Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng vào công nghệ Nano Bioreactor, nhưng đi cùng với nó là việc phải có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt 2 bên sông Tô Lịch và có nhà máy xử lý.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật: Chuyên gia vẫn hoài nghi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...