Thứ sáu, 29/03/2024 14:26 (GMT+7)

Hiện trạng thu gom và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam

MTĐT -  Thứ hai, 25/03/2019 14:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là một đất nước đang phát triển, có nhiều trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch và công nghiệp lớn với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao.

Nhưng dù máy móc hiện đại kết hợp nhiều khâu tự động hóa, việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ cũng như sàng lọc những vật dụng có thể sử dụng lại vẫn không thể không có bàn tay trực tiếp của con người.Phân loại rác ở Công ty CP nước và Môi trường Bình Dương. Ảnh: Trần Hưng

Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm. Chất thải rắn sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 - 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8 - 18%. Chất thải nguy hại còn bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt mang đến bãi chôn lấp là 0,02 ÷ 0,82%. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày với mức độ gia tăng khoảng 7,6% mỗi năm.

Theo Cục Bảo vệ Môi trường, lượng chất thải rắn phát sinh hằng ngày tính trên người là:

+ Đô thị (toàn quốc): 0,7 kg/người/ngày.

+ Nông thôn (toàn quốc): 0,3 kg/người/ngày.

+ Thành phố Hồ Chí Minh: 1,3 kg/người/ngày.

+ Thành phố Hà Nội: 1,0 kg/người/ngày.

+ Thành phố Đà Nẵng: 0,9 kg/người/ngày.

Theo kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các khu công nghiệp vào khoảng 7 triệu tấn/năm.

Theo báo cáo của Sở TNMT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800 ngàn tấn/năm. Hiện nay, đa phần các chủ nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn hàng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải này đều đã được thu gom và vận chuyển đến các cơ sở xử lý theo quy định.

  • Nguồn phát sinh: hộ gia đình; chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ cơ quan, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp; công trình xây dựng,…

Từ việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

  1. Về hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải
    • Hoạt động thu gom, vận chuyển

Tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do Công ty Môi trường đô thị hoặc Công ty Công trình đô thị thực hiện. Bên cạnh đó, trong thời gian qua với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường của Nhà nước, đã có các đơn vị tư nhân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị. 

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh.

Dọn rác trên kênh rạch tại TP.HCM. Ảnh: Thân Tình

Phần lớn chất thải công nghiệp phát sinh được thu gom từ các khu công nghiệp nhưng với tỷ lệ còn hạn chế; một số cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý dẫn đến việc đổ chất thải bừa bãi, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

Công tác thu gom quản lý đối với chất thải rắn y tế, trên 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và có thực hiện phân loại chất thải từ nguồn. Năm 2015, tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom đạt trên 75%. Tuy nhiên, phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đạt tiêu chuẩn, không có các trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn.

Khối lượng chất thải xây dựng, công nghiệp nguy hại chưa được thu gom triệt để do công tác quản lý chưa chặt chẽ, một số chủ nguồn thải còn hạn chế kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường. Mặt khác để tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất một số chủ nguồn thải không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý.

Hiện nay, thực hiện đấu thầu dịch vụ công tác thu gom, vận chuyển rác đã nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính minh bạch, cạnh tranh của công tác cung ứng sản phẩm, dịch vụ tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, mục tiêu cuối cùng là tiết kiệm ngân sách, cung cấp dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, thời hạn gói thầu hiện nay không dài (thường là 3 năm) không đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, khi áp dụng công nghệ hiện đại tiên tiến trong thực hiện các gói thầu về môi trường; cho nên nó đã không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ để đưa vào hoạt động vận hành nhằm tăng suất tạo ra nhiều giá trị, giảm chi phí tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của xã hội về công tác vệ sinh môi trường, đơn giá thực hiện gói thầu thấp để thực hiện được các đơn vị cắt giảm nhiều chi phí, đặc biệtlà đơn giá tiền lương làmthu nhập người lao động giảm, không đảm bảo ổn định bằng với mức thu nhập bình quân chung của xã hội.

Công tác thu gom vận chuyển chất thải rắn hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị thu gom vận chuyển chưa đồng bộ, hiện đại cùng với việc thu gom chưa triệt để phần nào ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường.

  • Hoạt động xử lý
  • Hiện nay, công tác xử lý rác trên địa bàn các địa phương thuộc Khu vực Miền Nam đều có các khu xử lý rác công suất trung bình của các cơ sở xử lý phổ biến ở mức dưới 200 tấn/ngày. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công suất thiết kế rất lớn như: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước 3.000-5.000 tấn/ngày; Công trường xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.Hồ Chí Minh, công suất hơn 2.000 tấn/ ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm compost do Công ty  Vietstar – Lemna của Hoa Kỳ làm chủ đầu tư xử lý 1.800 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm compost do Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa làm chủ đầu tư xử lý 1.300 tấn/ngày;nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Nam Bình Dương (tỉnh Bình Dương) 420 tấn/ngày; nhà máy xử lý chất thải rắn Đồng Xanh (tỉnh Đồng Nai) 300 tấn/ngày;… Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến hiện nay là chôn lấp hợp vệ sinh, làm compost và đốt. Trong đó, việc các đơn vị xử lý áp dụng công nghệ đốtcòn rất hạn chế và phần lớn là sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh.
  • Hiện nay, nước ta đang rất thiếu các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, xây dựng;đặc biệt là khu xử lý chất thải tập trung với quy mô lớn. Việc xử lý chất thải rắn công nghiệp, xây dựng mới chỉ thực hiện ở các đơn vị có quy mô nhỏ. Việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp diễn ra chủ yếu là tự phát tại các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các chất thải có thể tái chế được các cơ sở thu hồi để quay vòng sản xuất hoặc được bán cho các đơn vị khác để tái chế.
  • Công tác xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại hiện nay là các đơn vị tư nhândo Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động với công nghệ chủ yếu là đốt xử lý cho nhiều loại chất thải khác nhau và thường ở quy mô nhỏ nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý chất thải nguy hại hiện nay.

Có thể thấy, công tác xử lý chất thải rắn chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đếnkhối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.Bên cạnh đó, công tác đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải còn chưa tương xứng và đáp ứng nhu cầu thực tế; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng,vận hành, nhưng cơ sở vật chấtcũ, công nghệ lạc hậu, năng lực và hiệu suất xử lý chưa đạt yêu cầu.

  1. Về công tác quản lý

Việc tổ chức triển khai quy hoạch, quản lý chất thải rắn tại các địa phương còn chậm, chưa có địa phương nào xây dựng được mô hình xử lý chất thải rắn hoàn thiện, đạt các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, môi trường, xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Mặt khác, nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp gắn với nhu cầu thực tế và sự phát triển hiện nay.

Các văn bản vi phạm pháp luật trong hoạt động thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn đã được ban hành. Tuy nhiên việc ban hành thông tư, nghị định, hướng dẫn còn chậm, một số nội dung mang tính chung chung nên gây khó khăn cho việc triển khai và tổ chức thực hiện. Mặt khác, các quy định, quy trình, định mức do Chính phủ, các Bộ, Sở ban hành chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của từng địa phương làm ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh

Quản lý còn chồng chéo, chưa thống nhất và chưa khoa học; một số cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường, còn hạn chế trong việc kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực vệ sinh môi trường; hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng.

Việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn một giải pháp cần thiết mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động tái sinh, tái chế, tái sử dụng giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn về giải pháp xử lý chất thải rắn tối ưu đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Việc quản lý các đơn vị tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý để chế tài hoặc xử phạt khi cần thiết.

  1. Kiến nghị

3.1.Chính phủ cần phải chỉ đạo thí điểm mô hình xử lý chất thải rắn hiện đại, tập trung đạt các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, môi trường, xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới; xây dựng và ban hành các tiêu chí về thiết bị, công nghệ gắn với nhu cầu phát triển của nước ta hiện nay và trong tương lai.

3.2.Các văn bản luật, dưới luật khi sau khi ban hành cần sớm có thông tư, nghị định, hướng dẫn để các đơn vị dễ dàng triển khai và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó các quy định, quy trình, định mức do Chính phủ, các Bộ, Sở ban hành cần phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của từng địa phương;cụ thể nhưQuyết định 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị khi áp dụng vào thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh phát sinh một số bất cập như: đơn giá định mức thấp, một số phương tiện vận chuyển không quy định trong định mức,… gây khó khăn cho các đơn vị thu gom vận chuyển.

3.3.Cần cụ thể trong phân công, phân cấp quản lý, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường việc kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực vệ sinh môi trường; chú trọng vào hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo vệ môi trường.

3.4.Có cơ chế quản lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và có giải pháp thực hiện đồng bộ việc triển khai, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn nhằm nâng cao ý thức người dân trong thực hiện phân loại rác tại nguồn; Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý đổi mới, đầu tư đồng bộ phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.

3.5.Xây dựng và ban hành các quy chế, quy định để quản lý các đơn vị tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường.

3.6.Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý các chủ nguồn thải đảm bảo chất thải rắn phát sinh trong quá trình hoạt động phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

3.7.Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn: nguồn ngân sách nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình đầu tư, dự án tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí.

3.8.Chính phủ cần có chính sách, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tự do cạnh tranh góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, chống độc quyền góp phần giảm chi ngân sách.

  

Huỳnh Minh Nhựt

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV MTĐT TP.Hồ Chí Minh

Bạn đang đọc bài viết Hiện trạng thu gom và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.