Thứ sáu, 29/03/2024 03:43 (GMT+7)

Hiểm họa khôn lường từ rác thải nhựa

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2019 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại 28 tỉnh, thành ven biển ở Việt Nam đang trở thành vấn đề môi trường bức xúc.

 Rác thải nhựa hiểm họa khôn lường

Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon đang trở thành những vật dụng phổ biến và trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Không những thế rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến vùng biển và sinh vật biển. Hiện có tới 75% lượng nhựa sản xuất ra trở thành rác và 80% nhựa trong đại dương xuất phát từ đất liền. Tính ra mỗi năm lượng rác thải nhựa có thể phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất. Việt Nam có lượng rác thải nhựa nhiều thứ 4 ở châu Á với 13 tấn nhựa thải ra biển mỗi năm. Trôi nổi khắp đại dương, rác thải nhựa trở thành thức ăn không mong đợi của nhiều loài động vật biển, sau đó chúng lại là thức ăn của con người. Điều này không khác nào con người "nuốt các hạt nhựa" vào trong cơ thể, từ đó nguy cơ cao dẫn đến khả năng mắc bệnh hiểm nghèo.

Hiểm họa khôn lường từ rác thải nhựa với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Vấn đề trên cho thấy, hiểm họa đại dương vì rác thải nhựa là không thể tránh khỏi. Tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ đã có báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.

Đáng lo ngại hơn là phần lớn do khách du lịch chưa có ý thức trong hành trình đi du lịch của mình và người dân sinh sống ven biển chưa có nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tác động tới vùng biển như thế nào.

Vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các điểm địa du lịch nổi tiếng về sự ô nhiễm môi trường tăng lên ở mức báo động. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh khoảng 761 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có một khối lượng lớn là rác thải nhựa và túi nilon. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác khá cao tới 90% nhưng tình trạng rác thải bừa bãi vẫn xảy ra khắp nơi, nhất là khu vực ven biển.

Theo một công bố tại 4 khu bảo tồn: Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo và Phú Quốc cho thấy trên 90% lượng rác thải là nhựa.

Bên cạnh đó, nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Giải pháp hạn chế rác thải nhựa

Rác thải nhựa không phải là cảnh báo xa xôi mà nay là hiện thực con người đang phải đối diện. "Nói không với rác thải nhựa" - đây không chỉ là phong trào trong cộng đồng mà đã trở thành chiến dịch mang tầm quốc gia. Cùng với phong trào "Làm sạch biển", hàng loạt phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và bao bì nhựa được phát động rộng rãi.

Để hạn chế rác thải nhựa, cần thực hiện những hành động rất đơn giản như từ chối dùng ống hút nhựa và túi nilon, mang làn đi chợ, mang cốc đi mua đồ uống, mang hộp đi mua đồ ăn để hạn chế hộp xốp, túi nilon thải ra môi trường... đến việc cùng nhau nhặt rác mỗi tuần, để riêng pin, đồ điện tử, gom dầu ăn đã sử dụng đưa đi tái chế.

Thay thế chai nhựa bằng chai inox và các loại cốc thủy tinh tại các cuộc họp.

Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, khác với những năm trước, vật dụng, đồ uống trong cuộc họp đã được thay thế bằng chai inox và các loại cốc thủy tinh. Phong trào này được Bộ phát động và nhận được sự hưởng ứng của tất cả các đơn vị. Với cách làm này, mỗi năm đơn vị tiết kiệm và hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa ra môi trường.

Còn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc không dùng rác nhựa và các sản phẩm từ nhựa đã dần trở thành một thói quen. Các cán bộ nhân viên tại đây đã được trang bị cho những chai đựng nước bằng inox để thay thế các chai nhựa. Cốc, chén cũng được thay thế bằng cốc sứ có thể dùng nhiều lần.

Bắt đầu từ một hành động nhỏ, thay thế chai nước hàng ngày dùng một lần bằng việc sử dụng cốc thủy tinh trong các cuộc họp, mỗi ngày Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiết giảm một lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường.

Để thay đổi được hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần việc cần làm ngay chính là giảm dần việc tiêu thụ các sản phẩm nhựa, nilon khó phân hủy. Tại đơn vị sản xuất nước khoáng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc gia tăng sản phẩm nước khoáng đóng chai thủy tinh, thay thế dần loại bỏ sản xuất chai nước nhựa dùng một lần và đầu tư dây chuyền sản xuất lon được đặt ra nhằm tăng trưởng 15-20% sản lượng các sản phẩm tái sử dụng bao bì.

Phong trào nói không với rác thải nhựa đang được nhiều Bộ ngành, đặc biệt là khối các cơ quan, trường học và nhiều doanh nghiệp trong cả nước tích cực triển khai bằng hàng loạt các giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về chống rác thải nhựa như Ngày Chủ nhật xanh, công sở xanh, sạch, đẹp, thu gom rác thải, túi nilon… góp phần bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Hiểm họa khôn lường từ rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.