Thứ sáu, 29/03/2024 19:35 (GMT+7)

Hà Nội ngập lụt: Lo xài đất nhanh hơn lo thoát nước?

MTĐT -  Thứ ba, 27/08/2019 09:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chục nghìn hecta đất nông nghiệp màu mỡ ven đô, hàng nghìn hecta đất CN, đất công cộng…nội đô của HN đã bị đưa vào thị trường BĐS với tốc độ nhanh. Trong khi nhiều DA thoát nước cho TP chưa hoàn thành

Mưa thu, phố đón…lũ về

Sau cơn mưa lớn vào trưa ngày 22.8, nhiều tuyến phố của Hà Nội, như: Bùi Xương Trạch, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Trọng Phụng… lại ngập. Thậm chí, có những địa điểm nước ngập sâu tới nửa bánh xe ở phố Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ… (quận Thanh Xuân).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, một người dân ở quận Thanh Xuân, than: “Cứ mưa là nhiều khu phố của Hà Nội lại ngập, nhiều tuyến đường tắc, đi lại quá khốn khổ. Nhìn người già trẻ nhỏ dầm mình trong mênh mông nước, xót ruột lắm. Nước chậm rút, có khi phải vài ba tiếng mới nhìn thấy mặt đường…”.

Cùng hoàn cảnh nhưng anh Mạnh (trú tại quận Đống Đa) đã nhanh chóng đúc kết thành kinh nghiệm: “Mỗi lần đi qua đường Trường Chinh, Vương Thừa Vũ lúc  mưa lớn, xác định luôn  phải dắt xe máy lên vỉa hè, hay dừng trú mưa thôi, chứ cố đi là xe chết máy đấy”.

Một người đàn ông đi xe máy đã bị ngã do nước ngập sâu, không thể phát hiện chướng ngại vật. Ảnh: Tri Thức Trẻ

Nếu những năm trước Hà Nội thường chỉ ngập lụt ở những khu đô thị mới, hay các khu vực ngoại thành, giờ thì đến phố cổ, phố cũ, cũng hóa sông mỗi khi trời mưa to. Trước đó, trận mưa chiều ngày 25.7 không chỉ làm các tuyến đường Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Chính Kinh (quận Thanh Xuân), Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai)… bị  ngập úng, ùn tắc giao thông mà nhiều tuyến đường ngay khu vực trung tâm như phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Hàng Bún, Nguyễn Trường Tộ, Tông Đản (quận Hoàn Kiếm)… cũng lâm vào tình trạng “thủy hóa đường bộ”.

Không chỉ chị Hoài, anh Mạnh mà phần lớn người dân thủ đô đã như mất hy vọng vào hệ thống thoát nước của thành phố. Mặc dù chính quyền luôn cho họ biết là “đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, lên phương án thoát nước cho từng khu vực…” , vì cứ đến mùa mưa, tình  trạng ngập úng vẫn tiếp diễn và chưa biết bao giờ kết thúc.

Ngập lụt chủ yếu tại “ông trời hại con người”? Ảnh: Zing

Lý giải về tình trạng ngập úng cục bộ của Hà Nội thời gian gần đây, trả lời báo chí, vị đại diện Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội, cho biết: “Do những trận mưa lớn xảy ra gần đây lớn, dồn dập, vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống thoát nước. Hiện hệ thống thoát nước của thành phố chỉ có khả năng chịu tải khoảng 50mm/2 giờ, trong khi  trận mưa chiều ngày 30.7 vừa qua có cường độ mưa lên tới 49mm ở khu vực quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai lên tới 72mm.”

Nghĩa là ngập lụt chủ yếu tại “ông trời hại con người”?!

Dự án thoát nước chậm tiến độ, kém hiệu quả

PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thoát nước Việt Nam, phân tích: “Hiện nay, việc triển khai quy hoạch thoát nước chậm và không có các dự án mới để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, các dự án đang triển khai đều chậm tiến độ, thi công dang dở. Dự án xử lý nước thải Yên Xá bị chậm hai năm nay, xây dựng các tuyến cống thu gom triển khai chậm. Trong khi đó các dự án đầu tư các khu chung cư, khu ở mới làm nhanh quá”.

Phố Vương Thừa Vũ- Hoàng Văn Thái ngập sau trận mưa lớn ngày 22.8

Điển hình là Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (quận Hà Đông) có công suất 120m3/s bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho khu vực các quận Hà Đông, Thanh Xuân, theo dự kiến sẽ vận hành hai tổ máy vào mùa mưa năm 2018-2019,  tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được bàn giao cho bên công ty thoát nước.

Tương tự, dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) công suất 170 m3/s… bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực các quận Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm và phụ cận, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng hiện còn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng.

Giải thích tình trạng ngập úng  khu vực phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) ông Nguyễn Ngọc Cương – Giám đốc xí nghiệp thoát nước số 3, cho biết: “Đoạn đường thường bị ngập úng là do cốt nền đường thấp hơn khu vực ngõ 76 Vĩnh Hưng và UBND phường Vĩnh Hưng từ 30-50 cm, mỗi khi mưa lớn, nước thường dồn về khu vực này”.

Ông Cương phân trần: “Các tuyến thoát nước ở khu vực đó mặc dù thường xuyên được nạo vét, nhưng do là hệ thống cũ, chưa được nâng cấp, mở rộng. Trong khi hiện tại dự án thoát nước của quận Hoàng Mai đang triển khai bị chậm tiến độ do bị trùng với dự án mở đường Tam Trinh, nên đã  thêm một nguyên nhân ảnh hưởng tới tốc độ thoát nước của khu vực này

Một số ý kiến còn cho rằng không chỉ chậm, mà các Dự án Thoát nước số 1 và  số 2 còn kém hiệu quả.

80% đất bán ngập bị bê tông hóa

Từ góc nhìn khác, một số chuyên gia môi trường cho rằng, gạt bỏ yếu tố về thời tiết, khí hậu, cần nhìn nhận tình trạng ngập úng đô thị là hậu quả của quá trình đô thị hóa và phát triển thiếu bền vững.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng: “Hà Nội  chỉ loay hoay lên phương án chống ngập cho từng khu vực, từng mùa mưa mà thiếu một chiến lược thoát nước dài hạn. Họ chỉ quan tâm đến mở mang thị trường bất động sản, lo bán đất, cho thuê đất… kể cả việc san lấp bừa bãi các khu vực bán ngập. Từ năm 60 trở lại đây có tới 80% đất bán ngập bị san lấp làm đô thị hóa”.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường của Hà Nội chìm trong nước, nhiều điểm ngập sâu. Ảnh: Zing

Ông Ánh nêu ví dụ: “Trước đây, diện tích bán ngập ở ven đô rất lớn, các làng Đồng Tâm, làng Kim Liên hay bên lưu vực Láng ven sông Tô Lịch; hay những cánh đồng Xuân La, Xuân Đỉnh ở phía Tây Hồ Tây chẳng hạn. Các khu vực bán ngập nhìn chung đều có tác dụng điều tiết  nước. Khi mưa lớn, nước sẽ được thẩm thấu qua thảm thực vật, giữ nước mưa trong vòng vài tiếng, đến 1-2 ngày sau đó nước xuống đến các tầng ngầm  để trôi theo chiều từ Bắc – Nam, hoặc Đông – Tây Hà Nội, và dẫn hướng về các con mương thoát nước. Vào mùa khô hạn, nước lại giúp trung hòa độ ẩm và  cung cấp cho nông nghiệp” .

Ông Trần Huy Ánh nêu khái quát: “Quá trình đô thị hóa của Hà Nội (cũng như TP.HCM và nhiều đô thị) đã làm biến mất những diện tích đất bán ngập, thay nó bằng những nhà cao tầng với rất ít diện tích dành cho cây xanh, thảm thực vật, các cống thoát nước và sông đã bị bê tông hóa, không còn diện tích để thẩm thấu mỗi khi có mưa lớn nên chỉ cần mưa nhỏ, nhiều khu vực đã bị ngập úng cục bộ.  Họ san nền bán đất rất nhanh, nhưng tìm kiếm những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ngập úng đô thị lại  rất chậm. Đấy là quan điểm về phát triển kinh tế lệch lạc.”

Để giải quyết bài toán úng ngập cho thành phố, các chuyên gia cho rằng phải ưu tiên hơn nữa cho các dự án trạm bơm thoát nước và nghiêm túc xử lý các dự án bị chậm tiến độ. Đối với các khu đô thị mới, khu dân cư mới, cần yêu cầu hoàn thiện hệ thống thoát nước nội bộ và đấu nối với hệ thống thoát nước của thành phố.

Đồng thời chính quyền thành phố cần tiếp nhận nhanh những quan điểm phát triển kinh tế bền vững và thích ứng với sự thay đổi của biển đổi khí hậu bằng những giải pháp thực tế, thay vì lập lại các khẩu hiệu rát ít tác dụng.

Một số chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm giải quyết úng ngập đô thị:

  • Các dữ liệu liên quan đến khí tượng thủy văn cần phải tích lũy và theo dõi, với lượng mưa đối với từng khu phố, từng khu vực và tình hình ngập nước mỗi khi có mưa lớn, để tìm ra những vấn đề của chung và riêng.
  • Việc giải quyết ngập không chỉ dựa trên dữ liệu về dự báo thời tiết mà chúng ta cũng cần xem xét ở các khu vực có những công trình xây dựng như thế nào. Khi chúng ta phân tích về quy mô của những công trình xây dựng đó, chúng ta sẽ thấy trong từng khu vực sẽ có khu vực chịu ảnh hưởng mưa nhiều hơn và có khu vực chịu ảnh mưa ít hơn, để tìm ra các giải pháp giải quyết.

Minh Hân/Người Đô thị

Theo kientrucvietnam.org.vn




Bạn đang đọc bài viết Hà Nội ngập lụt: Lo xài đất nhanh hơn lo thoát nước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MT

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới