Thứ sáu, 29/03/2024 13:29 (GMT+7)

Đừng quá tự tin khi xác định nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 05/06/2020 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay các số liệu, thống kê về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí vẫn chưa chính xác, chính vì vậy chưa thể đưa ra giải pháp tổng thể cho vấn đề bảo vệ môi trường.

Cần làm rõ nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề môi trường

Tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm không khí trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. HCM.

Trong một số ngày, 2 thành phố lớn nhất cả nước đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, sức khỏe của người dân.

Tình hình ô nhiễm không khí trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian.

Tổng cục Môi trường nhận định, một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các địa phương thời gian qua là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường;

Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt…

Tuy nhiên, trao đổi tại Hội thảo tham vấn về chương trình môi trường “Từ bài học không khí sạch đến chương trình môi trường tương lai” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tổ chức, các chuyên gia cho rằng đến nay các số liệu, chỉ số về ô nhiễm môi trường vẫn chưa thống nhất, các thiết bị đo đưa ra những số liệu khác nhau, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí vẫn chưa được làm rõ, chính vì vậy chưa thể đưa ra giải pháp tổng thể cho vấn đề bảo vệ môi trường, cải thiện ô nhiễm tại Việt Nam.

Chuyên gia trao đổi tại Hội thảo tham vấn về chương trình môi trường “từ bài học không khí sạch đến chương trình môi trường tương lai'.  

Từ đó, các chuyên gia hàng đầu về môi trường kiến nghị các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục viện trợ để cho việc ngiên cứu, xác định nguyên nhân và đưa ra các nhóm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Thiếu giải pháp bảo vệ môi trường?

Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng Live & Learn, rất nhiều hạn chế, khó khăn đặt ra cho vấn đề xây dựng chiến lược cho môi trường.

Thông qua dự án “Không khí sạch, thành phố xanh”, một số những tồn tại được nếu ra như thiếu giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ sức khỏe và môi trường; thiếu sự phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan; nhận thức của người dân còn hạn chế về vấn đề môi trường, nguyên nhân và giải pháp; rất ít tổ chức doanh nghiệp làm về lĩnh vực môi trường, không khí.

Đề xuất những giải pháp, ông Vũ Trọng Ninh, cố vấn độc lập của dự án “Không khí sạch, thành phố xanh” cho rằng, cần kết nối các cá nhân với mạng lưới địa phương trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng không khí và bảo vệ môi trường bằng việc xây dựng cấu trúc của mạng lưới về không khí sạch trong thời gian tới, có cơ chế chính thống hơn hoặc được cấu trúc chặt chẽ hơn, thành lập các nhóm cố vấn chuyên môn cho mạng lưới, chọn và đề cử các đối tác/thành viên nòng cốt đóng vai trò luân phiên điều phối;

Ông Vũ Trọng Ninh, cố vấn độc lập của dự án "Không khí sạch, thành phố xanh". 

Tổ chức các nhóm nhỏ có chung mối quan tâm và tập trung vào các thảo luận sâu, giải pháp, hành động chung; chia sẻ cơ sở dữ liệu về các đối tác để các bên truy cập và tham khảo; kêu gọi sự tham gia của các bộ, ngành khác nhau vào mạng lưới; chương trình làm việc của mạng lưới cần liên quan đến các chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực huy động từ các tổ chức tư nhân và dân sự, để doanh nghiệp hiểu biết thêm và tăng cường trách nhiệm về các vấn đề môi trường và chất lượng không khí.

Ngoài ra, cần phối hợp với các tổ chức chuyên môn liên quan trong vấn đề nâng cao nhận thức. Trong đó chú trọng việc nghiên cứu đưa ra các nội dung và phương pháp truyền thông hành động về các chủ đề liên quan đến vấn đề chất lượng không khí, đặc biệt nhấn mạnh về nguyên nhân và các giải pháp. 

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí là vấn đề mang tính quốc gia, cần sự phối kết hợp của nhiều bộ, ban ngành, các địa phương bằng các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài.

Trong đó, việc phát triển kinh tế xanh, bất động sản xanh, sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng sạch như năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, sử dụng các sản phẩm thân thiện mới môi trường, dễ phân hủy… là các yếu tố, giải pháp thúc đẩy chương trình hành động vì môi trường có hiệu quả. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần giải pháp cho chương trình môi trường mà thôi.

Bạn đang đọc bài viết Đừng quá tự tin khi xác định nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới