Thứ tư, 24/04/2024 15:40 (GMT+7)

Dự án sân golf QT Thuận Thành: Ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước?

Cẩm Anh -  Thứ năm, 19/03/2020 09:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Đừng để sự đã rồi, hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước rồi mới tìm công nghệ, tìm phương pháp xử lý nguồn nước là rất bất đắc dĩ mà chưa chắc đã xử lý được”, ông Dương cho biết.

Dự án xả nước thải có hóa chất đi đâu?

Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải bài viết Bắc Ninh: Giáp sông Đuống, sân golf Thuận Thành cần lưu ý điều gì? thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – Bà Nguyễn Hương Giang vừa ký Công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án Sân golf quốc tế Thuận Thành quy mô 98ha, với thiết kế 27 lỗ tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư là 797 tỷ đồng do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản HUDLAND và Công ty Cổ phần tư vấn và thương mại Thăng làm chủ đầu tư.

Đáng chú ý, dự án có phía Bắc giáp sông Đuống, phía Nam giáp đê sông Đuống, trong khi dự án sân golf thông thường sử dụng một số lượng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho cỏ.

Những ngày qua, sau khi tiếp nhận thông tin thì dư luận đặt ra câu hỏi về sự ảnh hưởng của các loại hóa chất này đối với chất lượng nước ngầm và nguồn nước sông Đuống?

Sân golf quốc tế Thuận Thành quy mô 98ha, với thiết kế 27 lỗ, dự kiến xây dựng tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

Tại mục 10 – Đánh giá tác động môi trường trong bản “Đề xuất dự án đầu tư” của Liên danh HUDLAND – Thăng Long, chủ đầu tư cho rằng “việc sử dụng một số lượng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho cỏ của bề mặt sân golf cũng ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên với số lượng thuốc sử dụng có điều tiết và nằm trong danh mục thuốc được sử dụng nên tác động đến môi trường không đáng kể”.

Chất lượng của sân golf phụ thuộc nhiều vào chất lượng cỏ được trồng trên mặt sân, chăm sóc cỏ sân golf không thể thiếu việc sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.

Một phần thuốc sẽ được cây trồng hấp thụ, phần còn lại sẽ ngấm xuống đất và nước ngầm, một phần rất nhỏ sẽ bay hơi, để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến môi trường, dự án chỉ sử dụng những loại thuốc được cho phép trong danh mục quy định…”, trích bản Đề xuất dự án đầu tư.

Đối với lượng nước thải thải ra, sẽ sử dụng hệ thống bể lắng, bể lọc và các thiết bị cần thiết để xử lý nước thải trước khi thải ra hệ thống nước thải công cộng.

Nhà đầu tư còn cho biết, nước sau khi xử lý đảm bảo đạt mức A-QCVN 40:2011/BTNMT sẽ được xả vào môi trường tiếp nhận… 

Dự án sân golf thông thường sử dụng một số lượng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho cỏ. Ảnh minh họa. 

Như vậy, tại đề xuất dự án đầu tư, nhà đầu tư mới đưa ra các biện pháp để xử lý nước thải sinh hoạt, còn lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, một phần “sẽ được cây trồng hấp thụ, phần còn lại sẽ ngấm xuống đất và nước ngầm, một phần rất nhỏ sẽ bay hơi”, với vị trí giáp sông Đuống, lượng hóa chất này sẽ có tác động như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng, dự án sân golf quốc tế Thuận Thành cần phải làm rõ lượng nước tưới cho sân golf, lượng hóa chất bảo vệ thực vật, để từ đó tính toán mức thấm xuống đất, rồi tác động vào nguồn nước.

Trong đó, ông Dương đặc biệt nhấn mạnh đến việc dự án sân golf nằm trước hay sau vị trí thu nước vào nhà máy xử lý nước sạch.

Ông Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (bên trái). 

Phải đánh giá tác động môi trường một cách rõ ràng, nếu sân golf ở trước nhà máy xử lý nước thì là cả một vấn đề, nhưng nếu sau công trình thu nước thì đỡ lo ngại vì nó đã được hòa loãng, chảy ra phía hạ lưu”, ông Dương nói.

Được biết, Sông Đuống là chi lưu của sông Hồng tách ở vùng phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, chảy về phía Đông qua tỉnh Bắc Ninh, đổ vào sông Thái Bình ở Lục Đầu.

Tuy nhiên, cách Đình Tổ 5 km về phía hạ lưu sông Đuống là cửa lấy nước của nhà máy nước sạch phục vụ cho cả huyện Quế Võ và TP. Bắc Ninh.

Sông Đuống là chi lưu của sông Hồng tách ở vùng phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, chảy về phía Đông qua tỉnh Bắc Ninh, đổ vào sông Thái Bình ở Lục Đầu.

Theo đó, ông Dương khẳng định vấn đề bảo vệ nguồn nước hiện nay rất quan trọng, an ninh nguồn nước có liên quan đến an sinh xã hội và môi trường. Dù ở đâu, việc bảo vệ nguồn nước là vô cùng cần thiết. “Trong trường hợp cụ thể xả nước có hóa chất bảo vệ thực vật xuống dưới dòng sông thì rõ ràng có tác hại”.

Cần lưu ý, “một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp).

Trong đó, có các chất như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”, trích báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường. 

Đừng để sự đã rồi – Bài học nhìn từ sự cố nước sông Đà!

Như đã biết, sự cố nước sông Đà nhiễm dầu diễn ra vào đầu tháng 10/2019 đã khiến sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội đảo lộn, chật vật vì thiếu nước, hoang mang, bức xúc do sử dụng nước bẩn, có mùi khó chịu.

Sự cố nước sông Đà nhiễm dầu diễn ra vào đầu tháng 10/2019. 

Sự việc trên khiến các cơ quan chức năng, các đơn vị xử lý nước sạch phải quan tâm chú trọng vấn đề bảo vệ nguồn nước ngay từ nguồn, thắt chặt công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn nước.

 Bởi lẽ, khi sự cố xảy ra, các nhà máy rất khó xử lý. Thực tế cho thấy, khi dầu được đối tượng xấu đổ từ con suối Trầm tại tỉnh Hòa Bình chảy vào cửa nguồn thu của nhà máy nước sạch sông Đà, dù đi qua bể lắng, bể lọc, chảy qua các hệ thống về đến trạm bơm của các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân vẫn còn có váng dầu, có mùi khó chịu. Điều đó chứng tỏ “nhà máy xử lý nước sạch không xử lý được các loại hóa chất đặc biệt”.

Người dân Hà Nội chật vật vì thiếu nước dùng trong những ngày nước sông Đà xảy ra sự cố. 

Theo ông Nguyễn Trọng Dương, Viện phó Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và một số các hóa chất khác như dầu mỡ không tan được thuộc vào hóa chất đặc biệt mà quy trình xử lý phải khác với quy trình xử lý thông thường.

Nó không giống với xử lý hiện nay của các nhà máy nước, kể cả các nhà máy nước có công nghệ tương đối hiện đại cũng chỉ có lắng, lọc, khử các độ đục và một số chất hữu cơ sau đó khử trùng, với một số hóa chất đặc biệt thì quy trình công nghệ nó khác hẳn.

Ngay ở trên thế giới người ta cũng không chọn nguồn nước toàn độc hại rồi cố gắng để xử lý nó mà chọn nguồn nước sạch hơn, ít chất độc hại hơn để chi phí xử lý không quá tốn kém, trừ khi bắt buộc.

Chẳng hạn như ở Trung Đông, có những vùng thiếu nước trầm trọng, người ta phải lọc nước biển, nhưng nước biển chủ yếu có muối, độ mặn vì thế công nghệ nó dắt tiền hơn so với bình thường nhưng rẻ hơn công nghệ xử lý hóa chất đặc biệt”, ông Dương chia sẻ.

Việc các loại hóa chất đặc biệt như thuốc bảo vệ thực vật, dầu mỡ… sẽ phải sử dụng những công nghệ xử lý tiến tiến, chi phí cao dẫn đến giá nước sạch bị đẩy lên cao. Đó là những hệ lụy từ việc ô nhiễm nguồn nước bởi các loại hóa chất đặc biệt.

Quay trở lại dự án sân golf quốc tế Thuận Thành, ông Dương cho rằng tỉnh Bắc Ninh cần cân nhắc kỹ lưỡng, rút bài học từ sự cố nước sông Đà nhiễm dầu để xem xét đánh giá tác động môi trường của dự án, nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước.

Đừng để sự đã rồi, hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước rồi mới tìm công nghệ, tìm phương pháp xử lý nguồn nước là rất bất đắc dĩ mà chưa chắc đã xử lý được”, ông Dương cho biết.

Cần lưu ý, “một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp).

Trong đó, có các chất như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư), Acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người – đương nhiên, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm…”, trích báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 của ngành Tài nguyên và Môi trường. 

 Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Bạn đang đọc bài viết Dự án sân golf QT Thuận Thành: Ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.