Thứ sáu, 29/03/2024 22:56 (GMT+7)

Di sản Tràng An bị xâm phạm: UBND T.Ninh Bình phải chịu trách nhiệm

Lam Vy -  Thứ tư, 18/12/2019 22:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy, trước hết phải xử lý những người, các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp. Đầu tiên là UBND tỉnh Ninh Bình phải chịu trách nhiệm..."

Tràng An là khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014 nhưng trong thời gian vừa qua tại đây xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan các homestay, các khu nghỉ dưỡng, khu lưu trú mọc lên đã khiến cho Di sản Tràng An (tỉnh Ninh Bình) trở nên nham nhở, mất đi vẻ đẹp vốn có của nơi này khiến dư luận  trong thời gian vô cùng bức xúc.

Trước đó UNESCO đã có những khuyến cáo và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định về việc nghiêm cấm xây dựng tại vùng lõi của di sản Tràng An, thế nhưng không biết vì lý do nào đó mà UBND tỉnh Ninh Bình đang phớt lờ tất cả, các công trình sai phép vẫn ngang nhiên xây dựng, còn chính quyền thì bất lực trong việc quản lý, bảo tồn khu danh thắng mang tầm vóc thế giới này.

Mới đây nhất là vụ việc Công ty CP Dịch vụ thương mại và Du lịch Doanh Sinh (Công ty Doanh Sinh) đang xây dựng hàng loạt công trình xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An tại khu vực Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Đáng chú ý, những công trình này cứ ngang nhiên xây dựng, xâm hại di sản Tràng An trong suốt một thời gian dài; và cho đến khi hàng loạt công trình đã xây xong móng, đổ tầng..., báo chí vào cuộc thì các lực lượng chức năng mới bắt đầu vào cuộc kiểm tra xử lý.

Công trình xây dựng tại di sản Tràng An đã vi phạm luật nghiêm trọng

Nếu trực tiếp chứng kiến cả một vệt sườn núi dài hơn trăm mét thuộc xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Nình Bình) – vùng lõi được bảo vệ đặc biệt của di sản Tràng An đã bị ‘băm nát’ bởi máy xúc, máy ủi và những khối bê tông là các công trình của khu nghỉ dưỡng đang chuẩn bị mọc lên thì bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy đau xót, bàng hoàng nhận ra sự tàn phá vô lương tâm của một bộ phận không nhỏ những con người vì đồng tiền mà phá nát những di sản văn hóa Việt Nam một cách không thương tiếc.

"Theo quy định về Luật Bảo tồn di sản văn hóa thì vùng lõi của di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia sẽ tuyệt đối cấm xâm phạm..." GS Hà Đình Đức cho hay.

Để tìm hiểu rõ hơn về các công trình xây dựng trái phép trong vùng lõi của di sản Tràng An và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng địa phương khi để xảy ra những vi phạm xây dựng tại Tràng An trong thời gian vừa qua khiến dư luận vô cùng bức xúc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hà Đình Đức.

Giáo sư Đức cho biết: Theo quy định về Luật Bảo tồn di sản văn hóa thì vùng lõi của di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia sẽ tuyệt đối cấm xâm phạm. Nếu như có tiến hành xây dựng, tu sửa thì phải trình duyệt lên các cơ quan chức năng để xem xét chứ không phải làm một cách tùy tiện, bừa bãi. Những công trình xây dựng trong phạm vi vùng lõi di sản Tràng An đã vi phạm luật nghiêm trọng.

"Hiện nay việc xây dựng trái phép các công trình trên diện tích hoặc vùng di sản, di tích lịch sử là rất phổ biến ở bất cứ một địa phương nào. Các công trình trái phép khi xây dựng đã phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới môi trường, mặc dù khi bị phát hiện, tiến hành xử lý, tháo rỡ và khắc phục thì cũng không thể nào trả lại nguyên bản cảnh quan và di sản được", Giáo sư Đức cho biết thêm.

 Xử lý từ cấp trên xuống cấp dưới khi xảy ra sai phạm

Được biết, sự việc xảy ra tại dự án của Công ty Doanh Sinh vốn không phải lần đầu tiên mà di sản Tràng An bị xâm phạm. Trước đây, đã có rất nhiều công trình mọc lên tại khu di sản được UNESCO công nhận này, nhưng phía chính quyền tỉnh Ninh Bình thì vẫn luôn tiến hành xử lý theo kiểu “việc đã rồi” nên sẽ tiến hành xử phạt sau đó buộc tháo dỡ.

Khi bàn tới câu chuyện trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền địa phương khi để sự việc tái diễn nhiều lần mà chính quyền vẫn “ngó lơ”, ông Đức rất bức xúc và bày tỏ quan điểm của mình: “Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy, trước hết phải xử lý những người quản lý, các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp. Đầu tiên chính UBND tỉnh Ninh Bình phải chịu trách nhiệm trong việc này.

Tại sao một di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, di sản thế giới  đang bị xâm hại nghiêm trọng như vậy mà UBND tỉnh lại không hề hay biết, sau đó UBND huyện Hoa Lư và UBND xã  Ninh Hải phải nghiêm túc xem xét lại công tác quản lý tại địa phương mình. Phải xử lý từ cấp trên xuống cấp dưới, chính quyền không thể vô can trong sự việc nghiêm trọng như vậy được”.

Công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An.

Trong báo cáo về vụ việc này, UBND huyện Hoa Lư khẳng định: Toàn bộ công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt); vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An và quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.

Vậy tại sao ngay từ khi công trình của Công ty Doanh Sinh xây dựng, chính quyền địa phương lại không vào cuộc kiểm tra, cho tới khi công trình xây dựng cơ bản hoàn thiện phần móng bê-tông cốt thép, đang lắp dựng cốt thép cột thì mới bị phát hiện và xử lý. Phải chăng chính quyền địa phương đang ưu ái, “ngó lơ” cho những sai phạm của công ty Doanh Sinh trong suốt một thời dan dài? Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra.

Xử phạt 75 triệu có đáng so với tổn hại mà di sản đang gánh chịu

Mới đây, căn cứ các quy định hiện hành, UBND huyện Hoa Lư đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh với tổng số tiền 75 triệu đồng.

Liệu rằng số tiền phạt đó đã thật sự thỏa đáng so với những tổn hại mà các công trình sai phạm gây ra cho một di tích lịch sử quốc gia và với mức xử phạt như vậy có đủ sức răn đe để không còn các sự việc tương tự như thế này xảy ra ở các danh lam thắng cảnh tại các địa phương khác hay không?

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đức cho biết: “Thực tế muốn giải quyết để đủ sức răn đe, không để tái diễn tình trạng xây dựng trái phép như vậy thì chính UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về văn hóa, di tích lịch sử.

Cần phải quản lý chặt chẽ, ngay từ khi các công trình có ý định xây dựng thì kiên quyết và chính địa phương phải vào cuộc xử lý, không thể để khi công trình đã xây dựng xong phần móng, đã phá nát cây cối, đất đá mới bắt đầu vào cuộc.

Chính những người phụ trách, quản lý tại địa phương phải từ chức hoặc cách chức. Không thể buông lỏng quản lý, phải nghiêm túc xử lý vi phạm”.  

Công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An.

Đồng thời, UBND huyện Hoa Lư cũng yêu cầu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh. Nếu hết thời trên Công ty không xuất trình được giấy phép điều chỉnh xây dựng thì phải tự tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Nhưng khi trao đổi với PV về vấn đề này, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam lại cho rằng: “Trong sửa đổi Luật Xây dựng mới đây thì đã khẳng định sẽ không có hiện tượng để các công trình xây dựng trái phép nộp phạt theo Thông tư của Bộ Xây dựng cũ  để tồn tại nữa. Cần nâng cao vai trò quản lý của địa phương và cần nghiêm túc xử lý các công trình sai phạm”.

Qua tìm hiểu được biết, dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Thung Nham có tổng diện tích trên 33,34 ha, thời hạn thuê đất 49 năm, mức đầu tư gần 222 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, công ty đã có nhiều sai phạm, xây dựng vượt quá diện tích trong giấy phép.

Bạn đang đọc bài viết Di sản Tràng An bị xâm phạm: UBND T.Ninh Bình phải chịu trách nhiệm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới