Thứ ba, 23/04/2024 16:37 (GMT+7)

Để chống rác thải nhựa không chỉ là khẩu hiệu

MTĐT -  Thứ sáu, 23/08/2019 15:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, ở Việt Nam đã có những cuộc vận động, khuyến cáo hạn chế sử dụng túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống. Thế nhưng đồ nhựa 1 lần lại đang này ngày phổ biến

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, tổ chức ở Hà Nội ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Theo Bộ TN-MT cho biết ngay sau lễ ra quân chống rác thải nhựa, TP Hà Nội đã triển khai các hoạt động ký cam kết với các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị về lộ trình không sử dụng sản phẩm đồ nhựa dùng một lần.

Còn tại Thừa Thiên Huế, từ tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn gương mẫu đi đầu và vận động thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở và khi tổ chức các hội nghị hội thảo, không sử dụng túi nilông, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo.

Ngày 1/8, kế hoạch “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 - 2021 của UBND TP.HCM cũng chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác. Cụ thể là hạn chế sử dụng nước uống đóng chai trong công sở, hội họp, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, thân thiện môi trường. Đặc biệt, không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hằng ngày của cơ quan Nhà nước.

Tại TP. Hải Phòng, từ đầu tháng 8, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND TP. Hải Phòng đã không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như chai đựng nước, ly, ống hút trong các hội nghị, hội thảo và hoạt động hằng ngày. Ngoài ra, UBND huyện đảo Cát Hải đã vận động 300 tiểu thương buôn bán trong chợ Cát Bà không sử dụng túi ni lông khi bán hàng; triển khai cho các khách sạn, nhà hàng thực hiện việc không sử dụng túi ni lông; thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở một số khách sạn. Ở khách sạn Sea Pearl, nhiều sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần như ống hút giấy, cốc làm từ tre đã được đưa vào sửa dụng.

Dù có những cuộc vận động, khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống. Thế nhưng, tại Việt Nam đồ nhựa dùng một lần lại ngày càng phổ biến, đến mức dần thay thế cho các loại vật liệu khác.

Đồ nhựa dùng một lần tại Việt Nam đang được sử dụng một cách vô tội vạ. Tại các quán trà sữa, nước mía, đồ ăn nhanh gần các trường học, bệnh viện ở các thành phố lớn đâu đâu cũng thấy có một điểm chung là đều sử dụng ly, muỗng, ống hút, hộp đựng mang về bằng nhựa bán cho khách hàng, kể cả khách uống tại quán lẫn mang đi.

Giá thành rẻ hơn các loại vật liệu khác, và tiện dụng nên những loại đồ nhựa dùng một lần đang được nhiều cửa hàng đồ uống, thức ăn nhanh sử dụng tràn lan. Với mục đích bỏ qua việc rửa ly chén, nhờ vậy giảm chi phí thuê nhân công, các cửa hàng ăn uống chuyển sang sử dụng đồ nhựa dùng một lần  không cần quan tâm đến những mối nguy hại từ loại vật liệu này gây ra.

Làn sóng “tẩy chay” đồ nhựa dùng 1 lần trên thế giới

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã bắt đầu làn sóng “tẩy chay” đồ nhựa dùng một lần, điển hình như nước Pháp, Mỹ và Canada. Pháp là quốc gia đầu tiên thông qua luật cấm tất cả cốc, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020.

Bắt đầu từ năm 2020, Pháp sẽ chấm dứt sự phụ thuộc đối với các loại đồ nhựa chỉ dùng một lần là vứt vào thùng rác.

Mỗi năm, chỉ riêng nước Pháp đã thải ra 4,73 tỷ cốc nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa từ những siêu thị và quán cà phê trên khắp đất nước.

Trước đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ và Canada cũng đã thông qua lệnh cấm sản xuất và sử dụng những chiếc cốc nhựa dùng một lần.

Tuy không quyết liệt như Pháp, nhưng cách đây 13 năm, Đài Loan (Trung Quốc) đã tiên phong mạnh tay thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu số lượng sử dụng đồ nhựa dùng một lần cũng như chiến dịch làm sạch đường phố.

Theo đó, những sản phẩm như bát, túi, hộp, cốc… làm bằng nhựa dùng một lần không được phép mua bán, sử dụng tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống. Bên cạnh đó, lãnh thổ này cũng ban hành luật cấm vứt đồ nhựa dùng một lần ra môi trường. Khi đó, mức phạt tối đa với người vi phạm là 4.310 USD. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) còn khuyến khích người dân nên mang túi mua hàng hay bát đĩa của mình mỗi khi đi ăn ở nhà hàng.

Hay tại Scotland, để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác nhựa, chính phủ Scotland đã ra lệnh cấm dùng các loại cốc uống cà phê một lần tại các tòa nhà làm việc của chính phủ nước này. Kể từ 4/6/2018, mọi đồ uống nóng tại các tòa nhà chính phủ Scotland sẽ phải được phục vụ trong các cốc tách có thể tái sử dụng.

Hay vào cuối tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch loại bỏ hầu hết các vật dụng bằng nhựa dùng một lần, từ dao kéo, ống hút tới thìa khuấy cà phê và đĩa nhựa… Với 560 phiếu thuận, 35 phiếu chống, các nhà lập pháp châu Âu đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm 2021 trên quy mô toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả chất thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Riêng túi ni-lông, mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông, nhưng chỉ khoảng 17% được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), để từng bước hạn chế nguồn rác thải nhựa, nhất là rác thải từ túi ni-lông ra môi trường, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa; phải có cơ chế chính sách về công cụ thuế để hạn chế sử dụng loại túi ni-lông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi ni-lông thân thiện với môi trường và các sản phẩm thay thế ưu việt khác.

Đồng thời tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên. Xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm…

Bên cạnh đó, cần vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni-lông.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Để chống rác thải nhựa không chỉ là khẩu hiệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới