Thứ năm, 25/04/2024 13:14 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi môi trường như thế nào?

MTĐT -  Thứ sáu, 17/04/2020 09:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù đang gây thiệt hại cho nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng dịch COVID-19 gián tiếp mang lại tín hiệu tích cực cho môi trường.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, so sánh kết quả quan trắc chất lượng không khí tại các đô thị từ đầu năm 2020 đến nay, sự thay đổi các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi chất lượng không khí.

Theo dõi diễn biến từ 20/3 đến 10/4, trong đó có thời gian bắt đầu thực hiện cách ly xã hội (1/4), chất lượng không khí tại các khu vực đô thị tốt hơn so với tháng 1 và tháng 2/2020.

Điều này thể hiện khá rõ tại TP.HCM - nơi ít chịu ảnh hưởng bởi sự biến động của yếu tố thời tiết. Giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi PM2.5 trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4 thấp hơn hẳn những ngày trước đó.

So với cùng thời gian của những năm trước, chất lượng không khí cũng có xu hướng được cải thiện hơn. Tuy vậy, từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn nhưng không rõ rệt nhưng từ nửa cuối tháng 3 đến gần giữa tháng 4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị.

Xem xét tới những thông số khác, trong đó có CO - thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị, kết quả quan trắc cũng cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ từ nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn hẳn so với từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020.

So sánh diễn biến cùng kỳ giữa các năm cũng có thể thấy rằng, giá trị CO trong nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn khoảng giá trị cùng kỳ của những năm trước đó. Thời gian thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1 đến 10/4, giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó. Có thể thấy rằng, hoạt động giao thông đường bộ giảm mạnh cũng đã làm giảm lượng phát thải CO vào môi trường không khí tại khu vực đô thị.

Chất lượng không khí Hà Nội có xu hướng tốt hơn trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: Internet.

Tại Thủ đô Hà Nội, chất lượng không khí cũng có xu hướng tốt hơn thời gian trước, tuy vậy, do chịu cả tác động của thời tiết nên trong một số ngày vẫn có những sự biến động. Từ đầu tháng 1 đến nửa đầu tháng 3, có khá nhiều khoảng thời gian trong ngày, chất lượng không khí ở mức kém và xấu, thậm chí có những ngày chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu. Tuy nhiên, từ khoảng ngày 22/3 đến 7/4, phần lớn thời gian trong ngày, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Đáng chú ý, trong 2 ngày 8,9-4, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trong nội đô tăng hơn những ngày trước đó, giá trị PM2.5 cũng bắt đầu có xu hướng tăng lên, chất lượng không khí đã bị suy giảm, đa số các giờ trong ngày chất lượng không khí ở mức kém và xấu.

Không chỉ tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 cũng làm không khí tại nhiều quốc gia trên thế giới trở nên trong lành hơn.

Trước đó, các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra sự sụt giảm lớn về nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Italy khi hàng triệu người đã bị buộc ở trong nhà hoặc cách ly để làm chậm sự lây lan của virus.

Mức độ ô nhiễm đã giảm tương tự ở Italy, ở Venice, các kênh rạch gần đây nước bắt đầu trong hơn, có thể nhìn thấy rõ những con cá bơi dưới nước. Một số người dân ở Venice bắt gặp những chú thiên nga trắng muốt xuất hiện trên những con kênh trong thành phố. Nhiều đài phun nước ở Rome cũng trở nên lạ lẫm không kém khi xuất hiện của những chú vịt thảnh thơi bơi lội.

Ở Venice, các kênh rạch gần đây nước bắt đầu trong hơn.

Nồng độ nitơ dioxide trong khí quyển trên Italy cũng giảm nhanh chóng, giống như ở Trung Quốc. Một phân tích của The Washington Post cho thấy sự sụt giảm đáng kể nhất được quan sát thấy ở phía bắc Italy.

Tại Mỹ, kể từ khi con người giảm bớt di chuyển không cần thiết do dịch Covid-19, New York, Mỹ đang trải qua sự sụt giảm đáng kể khí carbon dioxide, methane, và lượng khí thải carbon monoxide

Ở New York, lượng carbon dioxide trong khí quyển giảm từ 5 đến 10%. Và lượng khí thải carbon monoxide liên quan đến ô tô đã bị cắt giảm một nửa kể từ khi mọi người bắt đầu ở nhà càng nhiều càng tốt.

Hay tại Ấn Độ, lần đầu tiên sau 30 năm, người dân tại nhiều khu vực của Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya từ khoảng cách hơn 200 km sau khi nước này áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19. Việc phong tỏa đất nước đã đưa mức độ ô nhiễm xuống mức thấp đến khó tin. Ủy ban Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ cho biết, chất lượng không khí ở nước này đã được cải thiện đáng kể.

Lần đầu tiên sau 30 năm, người dân tại nhiều khu vực của Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya từ khoảng cách hơn 200 km.

Riêng tại Delhi, chỉ số PM10 ngày 23/3 đã giảm tới 44% với ngày hôm trước. Theo Đơn vị Tình báo Dữ liệu Ấn Độ Ngày nay (DIU), từ ngày 16-27/3, chỉ số chất lượng không khí được cải thiện trung bình 33% trên cả nước.

Dù đang gây thiệt hại cho nhiều quốc gia trên thế giới, dịch COVID-19 gián tiếp mang lại tín hiệu tích cực cho môi trường khi lượng khí carbon từ đầu năm đến nay giảm đáng kể.

Theo thống kê, hàng chục ngàn chuyến bay trên toàn cầu cũng đã bị hủy từ đầu năm 2020. Carbon Brief ghi nhận trong những ngày dịch COVID-19 vào đỉnh, những chuyến bay cắt giảm làm bớt đến 10% lượng khí nhà kính, và tính trung bình 2 tháng qua giảm 5%.

Lượng khí carbon từ đầu năm đến nay giảm đáng kể.

Theo The Guardian, nếu xu hướng này vẫn duy trì, lần đầu tiên thế giới sẽ giảm carbon kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 diễn ra. Hằng năm khí thải CO2 toàn cầu thường gia tăng khoảng 1%, tương đương 317 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chính phủ các nước có thể tăng cường hoạt động công nghiệp khi dịch đi qua để bù đắp sự suy giảm đầu năm, nên khó đoán được con số khí thải CO2 tổng trong cả năm 2020 sẽ như thế nào.

Nhiều nhà khoa học bày tỏ giá như các chính phủ cũng nhanh và mạnh tay với các vấn đề môi trường như công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua thì sẽ rất có lợi cho vấn đề biến đổi khí hậu cũng phức tạp không kém hiện nay.

Cơ hội thay đổi thói quen cũng là điều nhiều chuyên gia đề cập, chẳng hạn tăng cường hội họp, giao lưu trực tuyến thay vì hình thức mặt đối mặt nhiều năm qua.

Ông Bill McKibben - nhà hoạt động môi trường người Mỹ - cho biết thói quen của con người chủ yếu là do tâm lý ngại thay đổi.

Cái "cớ" của dịch COVID-19 có thể giúp các cá nhân, tổ chức đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến, qua đó tiết kiệm một khối lượng nhiên liệu đáng kể cho thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Josef Aschbacher - Giám đốc chương trình quan sát Trái đất tại ESA cho biết những thay đổi này sẽ chỉ tạm thời cải thiện chất lượng không khí, giảm lượng khí thải CO2 trong một vài tuần hoặc vài tháng và có tác động nhỏ trong dài hạn.

"Tuy nhiên, những gì nó có thể làm là thay đổi nhận thức của mọi người và khiến chúng ta nhận ra rằng hoạt động của con người có tác động lớn đến môi trường trên hành tinh và có thể dẫn đến việc cân nhắc lại cho một số lĩnh vực.", ông phát biểu.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đại dịch Covid-19 đã thay đổi môi trường như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới