Thứ năm, 25/04/2024 13:13 (GMT+7)

Bụi mịn PM2.5 nguy hiểm như thế nào?

MTĐT -  Thứ hai, 23/09/2019 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày này, không khí tại TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đang bị ô nhiễm đáng báo động khi chỉ số bụi mịn PM2.5 tăng cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ths Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết, những ngày qua, dải hội tụ nhiệt đới hình thành và phát triển ở khu vực Nam Trung bộ gây mưa nhiều. Mưa chủ yếu vào buổi sáng nên độ ẩm không khí cao, gây hiện tượng sương mù. Dự báo, hết ngày 23/9, mưa giảm dần và tập trung vào chiều tối nên hiện tượng sương mù sẽ chấm dứt. Tuy vậy, khả năng ô nhiễm không khí, bao gồm yếu tố bụi mịn (nếu có) thì phải quan trắc, đánh giá chi tiết mới đưa ra những kết luận chuẩn xác.

Dự báo trong ngày 23/9, ô nhiễm không khí tại TP.HCM vẫn ở mức đỏ (AQI trên 150).

Trong khi đó, tại Hà Nội, từ ngày 14 -17/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm trong nội đô Hà Nội ở “mức kém”, liên tục dao động 100-200.

AQI (chỉ số chất lượng không khí) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ngày 17/9, tại Hà Nội, chỉ số bụi mịn PM2.5 lên đến 111,3µg/m³, cao gấp 4,5 lần quy chuẩn quốc gia (25µg/m³) và 11,1 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng, phổi và gây ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở. Tiếp xúc lâu dài sẽ làm gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.

Ước tính cứ PM2.5 tăng 10µg/m³ thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp tăng 8%, các bệnh lý về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi cần đề phòng biến chứng. Bụi PM2.5 còn được mệnh danh là “sát thủ giấu mặt”, bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 còn gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường…

TS chuyên ngành y tế công cộng Trần Ngọc Đăng, giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, cho biết bụi mịn PM 2.5 là các hạt tìm thấy trong không khí, bao gồm cả bụi, muội, khói, hạt chất lỏng, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µg/m3 (=1/30 kích thước sợi tóc). Các hạt bụi này vô cùng nguy hiểm bởi chúng có khả năng đi sâu vào cơ thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch và não bộ. Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi. Để ngăn được bụi PM 2.5 cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99. Nếu chỉ có khẩu trang y tế thì cần mang hai cái khẩu trang tròng vào nhau.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PM2.5 (chất dạng hạt có đường kính < 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, các hạt này có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ.

Chất dạng hạt ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe ngay cả ở nồng độ thấp.

Thạc sĩ Vũ Xuân Đán - Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động và Môi trường, Sở Y tế TP.HCM, cho biết quá trình hô hấp là đưa oxy vào phổi. Tại phổi, oxy tiếp xúc với máu, trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxy, mang oxy đến các tế bào.

Bụi mịn cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều sẽ cản hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy. Đây là căn nguyên gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi... và những bệnh về hô hấp.

Để ngăn được bụi PM2.5, bạn cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng như N95, N99, nếu sử dụng khẩu trang y tế thì cần mang hai cái khẩu trang tròng vào nhau hoặc lót thêm một lớp khăn giấy bên trong khẩu trang y tế.

Ngoài ra còn có một số loại khẩu trang chuyên dụng như 3M, Xiaomi Purely (có quạt lọc không khí) hay những dòng khẩu trang của Naroo Mask dòng F (F.U, F5, F5S,…) có thể giặt lại nhằm tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, người dùng cũng nên trang bị thêm máy lọc không khí tại nhà để cải thiện chất lượng không khí.

Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt và bảo vệ cơ thể trước khi ra đường. Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng-dầu...cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.

Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng đồng thời xây dựng chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa... vào bữa ăn hàng ngày.

Theo khuyến cáo của AirVisual, khi chỉ số AQI trên mức 150, người dùng nên mang khẩu trang chuyên dụng, mở máy lọc không khí trong nhà, đóng cửa sổ và hạn chế tập thể dục ngoài trời.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bụi mịn PM2.5 nguy hiểm như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới