Thứ ba, 16/04/2024 15:47 (GMT+7)

Bãi rác Đa Phước: 9 triệu USD tiền ứng của UBND TP. trái quy định!?

Hoàng Minh - Minh Tuấn -  Thứ ba, 17/07/2018 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các Chuyên gia kinh tế, Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc UBND TP. HCM cho VWS ứng trước 9 triệu USD có dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước.

9 triệu USD được tạm ứng như thế nào?

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ cùng các đơn vị xác định có hay không việc cố ý làm trái quy định, vi phạm Luật Ngân sách trong việc UBND TP. HCM ứng trước cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) 9 triệu USD để triển khai Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước).

Theo hồ sơ thể hiện, để yêu cầu UBND TP. HCM ứng trước 9 triệu USD, phía Công ty California Waste Solutions (CWS) - công ty mẹ của VWS đã gửi giải trình ngày 22/3/2005 tới Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.

Tại giải trình này, CWS nêu rõ: “Việc chủ đầu tư đề nghị thành phố ứng trước phí xử lý rác 9 triệu USD trong 6 tháng đầu, vấn đề này chủ đầu tư đã trình bày trong những buổi họp trước đây và đã có đề nghị với UBND TP và Sở TN&MT chấp nhận được ứng trước vì số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của khu xử lý rác Đa Phước”.

Chủ đầu tư giải trình việc ứng 9 triệu USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu xử lý rác.

Sau khi CWS có công văn giải trình, UBND TP. HCM đã ra Công văn số 3431/UB-DA ngày 10/6/2005 gửi Sở KH&ĐT và Sở TN&MT, nêu rõ: “Thống nhất giá xử lý rác là 16,4 USD/tấn; chấp thuận nguyên tắc đơn giá có thể thay đổi theo mức tăng hoặc giảm hằng năm không quá 3%. Đồng ý Thành phố ứng trước 9 triệu USD cho chủ đầu tư để xây dựng cây cầu, công trình hạ tầng của dự án”.

Tại hợp đồng ký kết giữa Sở TN&MT TP. HCM và CWS ngày 28/02/2006 lại thể hiện, “Khoản tiền trả trước” có nghĩa là số tiền thanh toán trước 9 triệu USD đã được đưa vào tính và khấu trừ trong giá xử lý rác theo tấn lúc ban đầu để đi đến giá thoả thuận là 16,4 USD/tấn do UBND TP.HCM trả trước VWS cho các khoản phí xử lý rác và được thanh toán cho VWS theo Công văn số 4122/UBND-DA của UBND TP. HCM ngày 12/7/2005 và phụ lục hợp đồng.

Trước việc UBND TP. HCM ứng 9 triệu USD cho VWS, tại Công văn số 156/KTNN-TH ngày 24/7/2009, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra: “Qua kết quả kiểm toán cho thấy TP và một số đơn vị trực thuộc TP còn có tồn tại trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2006-2008:

Sự dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện tạm ứng cho Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam 9 triệu USD để thực hiện đầu tư Dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước là chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN”.

Bên cạnh đó, Công văn số 156/KTNN-TH ngày 24/7/2009 cũng nêu rõ: “Kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tạm ứng cho Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam để thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước sai quy định của Luật NSNN 9 triệu USD”.

Các chuyên gia kinh tế, kiểm toán Nhà nước nhận định việc ứng trước của UBND TP.HCM có dấu hiệu vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước?

Chính sự lòng vòng trong việc giải thích vấn đề ứng trước 9 triệu USD của UBND TP. HCM cho VWS khiến dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao UBND TP. HCM lại có thể dễ dàng ứng tiền Ngân sách Nhà nước cho một đơn vị nước ngoài như vậy?

Phía sau việc ứng tiền này liệu có ẩn khuất gì? Bên cạnh đó, CVW đã bỏ ra thực sự bao nhiêu tiền để triển khai dự án, hay đơn vị này đang dùng chiêu “dùng mỡ nó rán nó” để thu lợi bất hợp pháp?

Ai phải chịu trách nhiệm khi ứng tiền cho VWS?

Trước phản ứng của dư luận và đơn tố cáo của ông Đoàn Văn Đức liên quan tới việc UBND TP.HCM chi 9 triệu USD cho VWS và đơn giá bất hợp lý, mới đây Bộ Tài chính đã có kết luận kiểm tra về vấn đề này.

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài cho biết, việc UBND TP. HCM chi 9 triệu USD từ ngân sách TP năm 2006, 2007 về bản chất có dấu hiệu, tính chất tương tự với việc hỗ trợ đầu tư có điều kiện của nhà nước cho chủ đầu tư, là chưa đúng với các quy định tại Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11, chưa tiếp thu ý kiến của Bộ KH&ĐT.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra, kết quả kinh doanh của VWS từ năm 2006-2016 và 9 tháng đầu năm 2017: Tổng doanh thu 5.334 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.097 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 61 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí tổng vận hành là 25,8%, cao hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận đề xuất là 3% chi phí vận hành do CWS đưa ra trước đây.

Do đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc TP. HCM ứng trước 9 triệu USD cho VWS là không cần thiết, không đúng Luật Ngân sách nhà nước, không phù hợp với thực tế, là nguyên nhân quan trọng để công ty này đạt lợi nhuận lớn so với doanh thu, so với vốn chủ sở hữu.

Bộ Tài chính khẳng định việc ứng tiền là không cần thiết, không phù hợp với thực tế.

Trước việc UBND TP. HCM cho VWS ứng tiền sai quy định, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. HCM khẩn trương ký kết lại hợp đồng giao, nhận, xử lý chất thải rắn ngày 28/2/2006 để khắc phục triệt để các tồn tại phát hiện qua kiểm tra, xác định đơn giá, phương án tài chính theo đúng quy định pháp luật. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc xác định đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn là chưa có căn cứ pháp lý, không có căn cứ thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định, là vi phạm quy định của luật pháp.

Từ kết luận trên của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước xem xét mức độ sai phạm và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật về việc UBND TP. HCM cho VWS ứng tiền sai quy định 9 triệu USD.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thiếu sót, sai phạm liên quan tới vụ việc.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. HCM tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra một số thiếu sót trong việc tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi rác Đa Phước; tổ chức đàm phán, thương thảo lại hợp đồng để loại bỏ những bất hợp lý và có biện pháp xử lý nghiêm việc gây ô nhiễm môi trường đối với VWS.

Trước việc Bộ Tài chính chỉ rõ việc UBND TP. HCM đã thực hiện sai việc ứng 9 triệu USD cho VWS khiến dư luận mong mỏi Chính phủ sớm làm sáng tỏ, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức liên quan.

Bạn đang đọc bài viết Bãi rác Đa Phước: 9 triệu USD tiền ứng của UBND TP. trái quy định!?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới