Thứ năm, 28/03/2024 22:15 (GMT+7)

Người dân phải đi 'lánh nạn' vì xỉ thải của Cty Nhiệt điện Cao Ngạn?

Nhóm PV -  Thứ bảy, 08/09/2018 13:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuộc sống của người dân xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên bị đảo lộn, phải bỏ nhà đi lánh nạn do tình trạng ô nhiễm môi trường kể từ khi Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn thực hiện việc đổ xỉ thải tại đây.

Cuộc sống đảo lộn

Theo phản ánh của người dân 2 xóm Hội Hiểu và Ao Vàng, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên tới Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, từ khi Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn có địa chỉ tại ngõ 719, đường Dương Tụ Minh, phường Quán Triểu, TP Thái Nguyên đổ xỉ thải làm ô nhiễm nguồn nước và không khí, cuộc sống, sinh hoạt và sức khoẻ của người dân bị đảo lộn.

Nước trong hồ chứa luôn có màu xanh, nổi váng.

Để làm rõ những phản ánh trên, nhóm PV có mặt tại khu vực trên để ghi nhận ý kiến của người dân và thực tế hiện trường.Theo đó, hai gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất là gia đình bà Phó Thị Sinh và bà Nguyễn Thị Sáng (xóm Ao Vàng).

Bà Nguyễn Thị Sáng cho biết: "May mà là lúc trưa tôi vừa về qua nhà nên các anh chị đến mới gặp, chứ lúc khác tôi phải ra lánh nạn nhà các con cách nơi này gần cây số".

Bà Nguyễn Thị Sáng trao đổi với PV.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Sáng liên tục lấy tay dụi mắt bà bảo không dụi thì không nhìn thấy gì. Cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn kể từ khi khu cánh đồng Giếng To, ngay giáp nhà biến thành nơi đổ xỉ thải của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Ao cá trước nhà không biết từ khi nào đã chuyển sang màu xanh lét, chiếc giếng đào sâu cả vài chục mét giờ cũng không thể sử dụng

Bà Sáng kể: "Lúc chồng tôi còn sống, rửa nhiều bằng nước này dẫn đến chân tay lở loét. Năm ngoái ông nhà tôi bị tai nạn rồi mất, giờ chỉ còn mình tôi ở đây".

Để minh chứng, bà Sáng đưa chúng tôi đến chiếc vòi nước dù được lọc qua nhiều lần nhưng đưa lên mũi vẫn cảm nhận sự hôi, tanh.

Nước được lọc qua nhiều lần vẫn không dùng được.

Nhiều năm nay, sức khoẻ của bà Sáng giảm sút rõ rệt. Mới đây bà phải đi viện chữa bệnh, mắt thì đau đi khám bác sỹ đều kết luận do nguồn nước gây ra. Hiện nay bà phải lánh nạn sinh sống cùng các con ở khu vực khác. Lúc nào về bà lại mang xô lên tận đỉnh đồi đi xin nước về sinh hoạt, ăn uống thì dùng nước đóng bình. Bà nói rằng mình còn bị thêm bệnh ù tai, chóng mặt, tức ngực khó thở do tiếng ồn và hít phải khí bụi.

Bỏ nhà lánh nạn

Ngay cạnh nhà bà Sáng là gia đình bà Phó Thị Sinh (63 tuổi). Đến nơi, chúng tôi gọi mãi nhưng không thấy bà Sinh trả lời. Một người dân đi ngang qua nói với: "Anh chị ra đường Quốc lộ, cách đây khoảng hơn cây số hỏi nhà chị Hà con gái bà Sinh, sẽ gặp bà đang ở đó".

Chúng tôi gặp bà Sinh ở nhà chị Hà. Được biết, bà đã ra ăn ở với con gái cả năm nay, chỉ tối mới về nhà mình để ngủ. Bà kể từ năm 2010, Công ty Nhiệt Điện Cao Ngạn giải phóng mặt bằng khu cánh đồng (Giếng To), thuộc xóm Ao Vàng.

Bà Phó Thị Sinh phải lánh nạn nhà con gái.

Ngay sau đó, phía công ty đã tiến hành khai thác đất, cát xuống sâu rồi đổ thẳng xỉ thải từ nhà máy nhiệt điện. Việc này đã gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Nhà bà Sinh là nơi tiếp giáp với vị trí bãi xỉ thải gần nhất nên hậu quả cũng nặng nề nhất. Bụi thường xuyên phủ kín nhà, tiếng ồn từ xe chở xỉ thải gây ra. Nhất là nguồn nước ô nhiễm không thể sử dụng vì có mùi hôi, tanh, nhiều váng nổi lên. Việc đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình như đau mắt, ngứa đỏ, lở loét chân tay, viêm đường hô hấp do khí bụi… Buộc con cháu bà Sinh phải chuyển ra xa nơi này sinh sống.

Cùng chung cảnh ngộ là gia đình bà Sinh là bà Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thị Tĩnh, Trần Thị Minh, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Hường, ông Trần Văn Bảy, Trần Văn Ba, Trần Hào… Vì lo sợ, họ đã đồng loạt ký tên vào đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do bãi xỉ thải của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn gây ra.

Theo quan sát của Nhóm PV, tại khu vực bãi tập kết tro xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn không hề xây dựng hệ thống bờ chống thấm và chống tràn mà đơn giản chỉ là một khu đất được múc lên giống như một cái hồ rồi đổ trực tiếp xỉ thải xuống. Ngoài ra, nước trong hồ có màu xanh đậm đặc giống như màu hóa chất được phơi sương phơi nắng ngoài trời mà không có bất cứ sự che đậy nào. 

Trả lời Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn cho biết: Chính quyền địa phương đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của người dân từ năm 2017, trong cuộc tiếp xúc cử tri. Sau đó, địa phương đã gửi kiến nghị đến doanh nghiệp, lên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố có phương án khắc phục bụi, tiếng ồn, nguồn nước ô nhiễm".

Ông Dũng cho biết thêm, trước đó, tháng 11/2017, Tổng cục môi trường (Bộ TN&MT) đã tiến hành thanh tra mức độ ô nhiễm từ bãi tập kết tro xỉ thải của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn. Nhưng kết quả như thế nào thì không thấy gửi về địa phương để để trả lời người dân.

Bài tiếp: Lãnh đạo công ty “mập mờ” về công tác môi trường  

Bạn đang đọc bài viết Người dân phải đi 'lánh nạn' vì xỉ thải của Cty Nhiệt điện Cao Ngạn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.