Thứ sáu, 29/03/2024 14:56 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong sớm

MTĐT -  Thứ năm, 04/01/2018 11:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Phó GS-TS Hồ Quốc Bằng-Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP. HCM, ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ 4 dẫn tới nguy cơ tử vong sớm.

Hôm qua (3/1), Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức buổi tọa đàm về ô nhiễm không khí ở TP. HCM.

Tham gia buổi tọa đàm, Phó GS-TS Hồ Quốc Bằng cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ 4 dẫn tới nguy cơ tử vong sớm trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí làm khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mỗi năm. Đặc biệt với thành phố lớn và dân số đông như TP. HCM, ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng báo động với sức khỏe người dân.

Ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh như: hen, ung thư, rối loạn phát triển thần kinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ; bệnh tim, đột quỵ, tắc nghẽn phổi mạn tính và ung thư ở người lớn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến một số triệu chứng kích ứng về mắt, họng và mũi.

Hoạt động giao thông, công trình xây dựng là những nguyên nhân hàng đầu gây ra ô nhiễm không khí.

Theo Phó GS - TS Hồ Quốc Bằng, hoạt động giao thông, xây dựng và sản xuất công nghiệp là những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị. Trong đó, hoạt động giao thông phát thải tới gần 85% lượng khí cacbon monoxit có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác.

Còn tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5 - 6 lần quy chuẩn. Không chỉ gây khói, bụi độc hại, các hoạt động này còn phát sinh tiếng ồn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.

Tại một số bệnh viện chuyên điều trị các bệnh hô hấp tại TP. HCM thường xuyên nằm trong tình trạng quá tải, phần lớn các bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh đều liên quan đến hệ hô hấp.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra lời cảnh báo: Hiện tại, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).

Lời khuyến cáo trên được dựa vào số liệu từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Theo kết quả phân tích, trong quý 1/2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi - NV) cao hơn so với mức 50 µg/m3 - Quy chuẩn quốc gia Việt Nam. Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO, thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đáng chú ý, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn WHO đến 10 lần.

Hà Nội và TP. HCM là 2 đô thị đang bị ô nhiễm không khí ở mức báo động.

Không chỉ Hà Nội, TP.HCM đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm không khí. Trong quý 1/2017, có 6 ngày vượt Quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn WHO; Mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91,2 lên 100,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30,72 lên 35,8 µg/m3. Còn trong quý 3/2017, có 1 ngày vượt Quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO. Nếu phân tích dữ liệu theo giờ, có 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá Quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO. Tại TP.HCM, chất lượng không khí trong quý 3/2017 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số giờ trong nhóm không tốt cho sức khỏe là 13,6% so với 14,8% trong cùng kỳ năm 2016.

Tại buổi tọa đàm hôm qua, Phó GS - TS Hồ Quốc Bằng cũng cho biết: “Hiện tượng sương mù quang hóa thường xuất hiện tại TP. HCM thời gian qua mà gần nhất là trong sáng 3/1 cho thấy, ô nhiễm không khí tại thành phố này đang ở mức báo động”.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong sớm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.
Yên Bái chú trọng bảo vệ môi trường y tế
Thực hiện xử lý chất thải, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chú trọng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.