Thứ ba, 16/04/2024 19:15 (GMT+7)

Luật sư bày tỏ quan điểm về hành vi bỏ chất thải y tế ra môi trường

Khánh An - Triệu Trang -  Thứ sáu, 18/05/2018 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đa số các cơ sở khám chữa bệnh thú y trên địa bàn TP Hà Nội đều không đảm bảo về công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh thú y. Rác thải y tế nguy hại vẫn được các cơ sở này tuồn ra ngoài môi trường.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin, hiện nay có một số phòng khám thú y trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn rất nhiều vi phạm. Đặc biệt là về vấn đề môi trường, vệ sinh thú y chưa được đảm bảo.

Đa số các cơ sở đều có hợp đồng tu gom xử lý rác thải nguy hại với các công ty có chuyên môn, thế nhưng  các loại rác thải nguy hại, rác thải y tế như bơm kim tiêm, dây kim truyền và lọ thuốc thủy tinh vẫn được các phòng khám thú y “dấu” trong rác sinh hoạt và “tuồn” ra ngoài môi trường.

Rác thải y tế nguy hại được các cơ sở thú y vứt ra ngoài môi trường

Để làm rõ vi phạm tại một số cơ sở khám chữa bệnh thú y trên, Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên thuộc Văn phòng luật sư An Phước về vấn đề này.

Luật sư Vũ Văn Biên thuộc Văn phòng Luật sư An Phước trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Thưa luật sư, đối với các cơ sở khám chữa bệnh thú y hiện nay có quy định như thế nào về vấn đề môi trường?

Theo quy định pháp luật hiện hành, ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động, các cơ sở khám chữa bệnh thú y cần phải lập:

  • Trước khi xây dựng:

+ Kế hoạch bảo vệ môi trường (theo luật bảo vệ môi trường 2014)

+ Bố trí xây dựng khu chứa chất thải y tế (Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT)

  • Gần hoạt động:

+ Giấy phép xả thải (Nghị định 201/2013/NĐ-CP);

+ Số chủ nguồn thải (Thông tư 36/2015/TT-BTNMT)

  • Sau hoạt động:

+ Đề án bảo vệ môi trường (nếu cơ sở y tế đã hoạt động mà chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường);

+ Báo cáo kết quả quan trắc môi trường (thông tư 43/2015/TT-BTNMT);

+ Báo cáo quản lý chất thải y tế (Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT);

+ Báo cáo xả thải (Nghị định 201/2013/NĐ-CP)

Xin luật sư cho biết rác thải nguy hại tại cơ sở khám chữa bệnh thú y bao gồm những loại nào? Và được lưu giữ, xử lý như thế nào?

Căn cứ theo thông tư 36/2015/TT-BTNMT, chất thải nguy hại tại cơ sở khám chữa bệnh thú y bao gồm:

  • Chất thải từ hoạt động thú y:

+ Chất thải lây nhiễm (bao gồm cả chất thải sắc nhọn);

+ Hóa chất thải bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại;

+ Chế phẩm gây độc tế bào (cytotoxic và cytostatic) thải.

  • Các thiết bị y tế và thú y thải:

+ Các bình chứa áp suất chưa bảo đảm rỗng hoàn toàn;

+ Các thiết bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng có chứa thủy ngân và các kim loại nặng (nhiệt kế, huyết áp kế…)

Việc lưu giữ, xử lý các chất thải tại các cơ sở khám chữa bệnh thú y áp dụng theo quy định về xử lý chất thải y tế như dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại phải có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải; có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định; dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật…

Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế. Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.

Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm cũng được quy định rất cụ thể, đó là thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín;

Việc xử lý chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.  Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT, ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế;
  • Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm);
  • Tự xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Vô số bơm kim tiêm, lọ thủy tinh được trộn lẫn trong rác sinh hoạt

Theo quy định hiện nay thì các cơ sở khám chữa bệnh thú y có hành vi xả rác thải nguy hại ra vào môi trường bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo điểm b, khoản 3, nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:”Không xử lý chất thải y tế theo quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Không những thế, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về vi phạm việc bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định hoặc không lập báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  2. b) Kê khai không đúng, không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại theo quy định;
  3. c) Không báo cáo theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải nguy hại quá 06 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại trong trường hợp chưa tìm được chủ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phù hợp;
  4. d) Không chuyển chứng từ chất thải nguy hại cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
  5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  6. a) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng; không lưu trữ báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định;
  7. b) Không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
  8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  9. a) Không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại trực tuyến trên hệ thống thông tin của Tổng cục Môi trường hoặc thông qua thư điện tử khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
  10. b) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý chủ nguồn thải trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày chấm dứt hoạt động phát sinh chất thải nguy hại.
  11. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
  12. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  13. a) Không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp trước khi chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo quy định;
  14. b) Không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp để thu gom, xử lý theo quy định trong trường hợp chủ nguồn thải đã định kỳ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương không cho phép tiếp tục lưu giữ;
  15. c) Không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại để quản lý theo quy định; báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại;
  16. d) Không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại trong các bao bì, thiết bị lưu chứa phù hợp, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định;

đ) Không bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

  1. Hành vi để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau trong trường hợp các chất thải nguy hại không cùng tính chất, không cùng phương pháp xử lý hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác bị xử phạt như sau:
  2. a) Phạt cảnh cáo đối với vi phạm lần đầu và phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần đối với trường hợp để chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường;
  3. b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 02 đến dưới 05 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc hoặc dưới 10% khối lượng chất thải nguy hại khác loại vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường;
  4. c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 05 đến dưới 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc hoặc từ 10% đến dưới 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường;
  5. d) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp để lẫn từ 10 chất thải nguy hại ở dạng sản phẩm thải bỏ đơn chiếc, thiết bị đơn chiếc trở lên hoặc từ 50% khối lượng chất thải nguy hại khác loại trở lên vào các bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại khác hoặc nhóm chất thải nguy hại khác có cùng tính chất, phương pháp xử lý hoặc để vào chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường.”                                                                                                       Thưa luật sư, các cơ sở khám chữa bệnh thú y có yếu tố bác sĩ người nước ngoài có được phép hay không? Nếu được phép thì phải đảm bảo những quy định nào của pháp luật?

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, công dân nước ngoài hoàn toàn có thể vào làm việc tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với các bác sĩ thú y thì phải có chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, tại Điều 108 Luật thú y 2015 quy định về điều kiện hành nghề thú y:

“1. Đối với cá nhân hành nghề thú y:

  1. a) Có Chứng chỉ hành nghề thú y phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y;
  2. b) Có đạo đức nghề nghiệp;
  3. c) Có đủ sức khỏe hành nghề.
  4. Đối với tổ chức hành nghề thú y:
  5. a) Có cá nhân đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này;
  6. b) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y theo quy định của pháp luật.”

Ngoài những điều kiện nêu trên, tổ chức, cá nhân hành nghề thú y phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn như sau:

  • Người hành nghề chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản. Người hành nghề tiêm phòng cho động vật phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo về kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.
  • Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
  • Người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản. 

Đối với người nước ngoài, khi muốn được cấp chứng chỉ hành nghề thú y, ngoài những hồ sơ như đối với công dân Việt Nam còn phải có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Trong giấy phép kinh doanh và hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh thú y được cấp phép là phòng khám, thế nhưng trong tên biển hiệu và giao dịch của các cơ sở này lại đặt là bệnh viện, theo luật sư vấn đề này có vi phạm quy định gì không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

Việc cơ sở khám chữa bệnh thú ý được cấp giấy phép là phòng khám nhưng trong biển hiệu và giao dịch là bệnh viện đã vi phạm quy định về biển hiệu. Cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản: tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại; thời gian làm việc hằng ngày.

Về việc xử phạt, nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định việc cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không có biển hiệu hoặc có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Trên đây là câu trả lời của Luật sư Vũ Văn Biên về những quy định pháp luật và quy định xử phạt đối với các cơ sở khám chữa bệnh thú y đang vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội. Qua đây cũng mong các cơ quan chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Chi cục thú y Hà Nội cần kiểm tra, rà soát và sát sao hơn nữa đối với các cơ sở khám chữa bệnh thú y trên địa bàn, tránh tình trạng rác thải nguy hại được vứt ra ngoài môi trường gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Bạn đang đọc bài viết Luật sư bày tỏ quan điểm về hành vi bỏ chất thải y tế ra môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.