Thứ sáu, 29/03/2024 13:38 (GMT+7)

Không đảm bảo hồ sơ môi trường, TTYT Hoàn Kiếm bị xử phạt thế nào?

Nhóm PV -  Chủ nhật, 28/04/2019 19:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý về vấn đề môi trường y tế tại Phòng khám 36 Ngô Quyền, trực thuộc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cụ thể, nơi lưu giữ chất thải nguy hại của phòng khám này được quây sơ sài bằng lưới thép, không có cửa và biển cảnh báo, các túi đựng chất thải nguy hại đầy ắp miệng thùng chuyên dụng, thùng chứa chất thải thông thường cũng được đặt chung tại đây.

Nơi lưu giữ chất thải nguy hại của phòng khám 36 Ngô Quyền được quây sơ sài bằng lưới thép, không có cửa và biển cảnh báo.

Hơn nữa, Phòng khám 36 Ngô Quyền – là phòng khám bao gồm cả sản phụ khoa và nam khoa chất lượng cao, với đủ các loại dịch vụ điều trị như: bệnh phụ khoa, bệnh nam khoa, bệnh xã hội, nạo hút thai… Nhưng hiện tại phòng khám này vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mà nước thải của phòng khám chỉ được xử lý bằng cách khử Cloramin B và sau đó thải ra môi trường.

Là phòng khám sản phụ khoa và nam khoa với đủ các dịch vụ nhưng hiện tại cơ sở này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Điều đáng nói là mặc dù đã hoạt động từ lâu (từ năm 1954) thế nhưng đến hiện tại, Phòng khám 36 Ngô Quyền này vẫn chưa hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, giấy tờ về môi trường tại cơ sở này.

Trong buổi làm việc với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về Phòng khám 36 Ngô Quyền, phía Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện tại phòng khám này không có Đề án bảo vệ môi trường, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và đơn vị này cũng không hề thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hàng năm.

Để rộng đường dư luận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Điều hành Hãng văn phòng luật Newvison Law – TGS Group về vấn đề trên.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Điều hành Hãng văn phòng luật Newvison Law – TGS Group. 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, để đảm bảo những nguyên tắc trong Điều 72 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định về bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và các cơ sở y tế, thì trước khi đi vào hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh phải có những giấy tờ, hồ sơ sau:

  • Đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường tùy từng quy mô;
  • Xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn của Bộ tài nguyên môi trường;
  • Bố trí xây dựng khu chứa chất thải y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TT-BYT-BTNMT;

Thời điểm gần đi vào hoạt động, cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ hồ sơ:

  • Giấy phép xả thải do Sở tài nguyên môi trường thẩm định và phê duyệt;
  • Sổ đăng ký chủ nguồn thải (Áp dụng đối với cơ sở phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn hơn 600 kg/năm) do Sở tài nguyên môi trường thẩm định và phê duyệt.

Sau khi cơ sở đã đi vào hoạt động sẽ phải chuẩn bị những hồ sơ sau:

  • Đề án bảo vệ môi trường: Là 1 hồ sơ môi trường mà các cơ sở phải thực hiện nếu đã hoạt động trước 01/04/2015, mà chưa có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường.
  • Báo cáo kết quả quan trắc môi trường định kỳ: Thực hiện khi cơ sở đã đi vào hoạt động với tần suất quan trắc là 4 lần/năm đối với nước thải và 2 lần/năm với khí thải. Và quy định phải nộp báo cáo kết quả này lên Sở Y tế và Sở TNMT là 2 lần/năm.
  • Báo cáo quản lý chất thải y tế nguy hại (Bao gồm cả báo cáo quản lý CTNH): Báo cáo được lập 1 năm/lần. Nộp cho Sở Y Tế và Sở Tài Nguyên Môi Trường (kể cả cơ sở phát sinh dưới 600 kg/năm).
  • Báo cáo xả thải: Tất cả các cơ sở y tế đều phải lập báo cáo xả thải vào nguồn nước. Báo cáo được thực hiện 1 năm/lần theo mẫu số 36, thông tư 27/2014/TT-BTNMT.

Về việc Phòng khám 36 Ngô Quyền, trực thuộc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm không có Đề án bảo vệ môi trường, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại sẽ bị xử lý như thế nào, luật sư Tuấn cũng cho biết:

“Thứ nhất, tạiĐiều 11 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các đối tượng không lập đề án bảo vệ môi trường sẽ bị xử lý như sau:Hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật bị phạt tiền từ 2 đến 50 triệu đồng, không có báo cáo ĐTM theo quy định pháp luật bị phạt tiền từ 150 đến 250 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền trên.

Thứ hai, đối với trường hợp chủ thể không có sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại được quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại hoặc không đăng ký cấp lại chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định”.

Vậy với những dấu hiệu vi phạm mà Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử phản ánh ở trên, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Không đảm bảo hồ sơ môi trường, TTYT Hoàn Kiếm bị xử phạt thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái chú trọng bảo vệ môi trường y tế
Thực hiện xử lý chất thải, góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và tạo môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chú trọng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế.

Tin mới