Thứ năm, 18/04/2024 08:34 (GMT+7)

Bệnh viện K (cơ sở 2): 'Rác thải sinh hoạt ở bệnh viện đang quá tải'

Khánh An -  Thứ tư, 01/11/2017 08:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT và TT 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT đã quy định về quản lý chất thải y tế ở các bệnh viện và cơ sở y tế. Tuy nhiên, tại bệnh viện K2 việc quản lý chất thải y tế còn nhiều bất cập

Rác thải y tế nằm giữa hành lang bệnh viện

Đây là hình ảnh mà phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận được khi đi dọc hành lang bệnh viện K (cơ sở 2) nằm tại ngõ 304 Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

Những ống dây chuyền còn dính bơm kim tiêm sắc nhọn chất đống bên ngoài cửa phòng của bệnh nhân. Những túi rác y tế nguy hại đựng trong bao bì màu vàng, đen vứt dưới chân tường, ngay sát ghế ngồi chờ của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngoài hành lang phòng bệnh.

Rác y tế nguy hại, rác sinh hoạt vứt ngay chân ghế ngồi chờ của hành lang bệnh viện

Rồi khi các bệnh nhân ở bệnh viện K truyền thuốc, hóa chất xong, người nhà tự rút kim truyền của bệnh nhân còn dính bông băng thấm máu mang ra xe tiêm ngoài hành lang bỏ.

Những ống thuốc nhựa, thủy tinh nằm lẫn lộn với những dây truyền, bông băng, kim truyền dính máu đặt trong một bìa cát tông, được người nhà bệnh nhân ngang nhiên bê ra vứt ở xe tiêm ngoài hành lang bệnh viện. Tại các khoa, phòng không có nơi lưu giữ tạm thời chất thải y tế.(!?)

Rác thải y tế chưa phân loại chất đầy xe tiêm trước phòng bệnh nhân ngoài hành lang bệnh viện

Trao đổi với một người nhà của bệnh nhân tại bệnh viện K thì bà này cho biết: “Chúng tôi quen rồi, bỏ các ống truyền kim tiêm ra đấy rồi sẽ có lao công phụ trách dọn dẹp bệnh viện đi thu dọn, phân loại, với lại khi truyền hết thuốc rồi thì tự mình rút ra cũng không sao vì cái này dễ, chứ có tí việc đó mà gọi bác sĩ hay y tá thì ngại lắm”.

Theo quy định về rác thải y tế thì những ống thuốc dây truyền, bông băng kim truyền này phải được phân loại và bỏ vào thùng rác hoặc túi rác theo quy định quản lý chất thải nguy hại và được người có chuyên môn phân loại để tránh tình trạng lây nhiễm.

Thế nhưng ở bệnh viện K – Tam Hiệp, người nhà bệnh nhân lại tự rút kim truyền. Vậy có hay không các y tá, hộ lý tại bệnh viện K – Tam Hiệp thiếu trách nhiệm trong việc rút kim truyền, kim tiêm cho bệnh nhân và phân loại rác y tế tại nguồn.(!?)

  Rác thải sinh hoạt chất thành đống!

Không riêng về rác thải y tế, mà vấn đề rác thải sinh hoạt ở vệnh viện K (cơ sở 2) cũng còn nhiều bất cập. Mặc dù có đầy đủ kho lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt thế nhưng tại thời điểm phóng viên quan sát, khắp khuôn viên bệnh viện đâu đâu cũng thấy những đống rác thải sinh hoạt đựng trong túi bóng màu xanh đầy ú: gốc cây, hành lang bệnh viện, cửa nhà vệ sinh, trong khuôn viên bệnh viện…

Rác thải sinh hoạt, rác thải y tế tái chế chất thành đống

Đành rằng có thùng đựng rác sinh hoạt của bệnh viện, thế nhưng một loạt các thùng đựng rác đặt tại khuôn viên nằm giữa bệnh viện đầy ứ, tràn ra ngoài cũng chẳng thấy ai dọn. Các bệnh nhân đến khám bệnh chữa trị tại bệnh viện K (cơ sở 2) đành phải bỏ rác bên ngoài thùng.

Rác thải sinh hoạt trong khuôn viên bệnh viện K đầy ứ, tràn rơi vương vãi ra ngoài đất

Rác tràn đầy, rơi xuống xung quanh chân thùng bốc mùi ôi thiu của thức ăn thừa trộn lẫn vào nhau, xung quanh đấy là bao nhiêu bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện đang nằm hoặc ngồi nghỉ trên ghế đá dưới bóng cây mát rượi. Những người bệnh ở đây chia sẻ: “chúng tôi quen rồi, cứ chiều ra đây ngồi cho nó thoáng chứ trong phòng ngột ngạt lắm, rác ở đây hôm nào cũng nhiều thế mấy thùng này đựng không đủ đâu.”

Khi được hỏi tại sao không có lao công đi thu dọn thì một bệnh nhân cho biết: “Chiều cứ tầm 3-4h khi xe thu gom rác vào bệnh viện thì các bà lao công mới vội vàng thu dọn để mang lên xe thôi”.

Rác thải y tế sinh hoạt chất đầy gốc cây

Bệnh viện là nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh môi trường và rác thải sinh hoạt, rác thải y tế. Tuy nhiên theo quan sát của pv tại thời điểm hiện tại thì vấn đề vệ sinh môi trường và rác thải, đặc biệt là rác thải y tế nguy hại của bệnh viện K2 vẫn còn nhiều bật cập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử, bác sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa – phụ trách khoa kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện K – Tam Hiệp, cũng là người trực tiếp quản lý vấn đề môi trường, rác thải tại bệnh viện chia sẻ: “Tại bệnh viện K – Tam Hiệp có một hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát về vấn đề này, và bệnh viện có ký hợp đồng với một công ty đủ pháp lý về xử lý rác thải y tế, còn cụ thể là công ty gì thì chị (PV) gặp lãnh đạo bệnh viện để được biết, tôi không ký nên tôi cũng không rõ”.

Khi được hỏi về vấn đề rác thải y tế từ ống truyền, dây truyền, bông băng kim truyền được bỏ ra xe tiêm bên ngoài hành lang bệnh viện thì bác sĩ Nghĩa cũng khẳng định: “Nếu như hình ảnh chị (PV) chụp được như thế này thì đây là một vấn đề hoàn toàn sai, chúng tôi đi kiểm tra khi gặp vấn đề này thì vẫn báo cáo lên lãnh đạo.

Thỉnh thoảng có trường hợp người nhà bệnh nhân mang ống, dây truyền và kim truyền bông băng ra xe tiêm ngoài hành lang để thì chúng tôi đã có nhắc nhở, góp ý và có quy chế phạt rất nặng vấn đề này”.

Khi được hỏi quy chế phạt như thế nào thì vị bác sĩ này cho biết “nếu muốn biết cụ thể như thế nào thì chị gặp lãnh đạo”.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa cũng cho biết thêm, từ khi ông xuống đây hơn một năm trước thì cái vấn đề rác thải y tế chất ngoài hành lang bệnh viện xảy ra tràn lan, hầu như phòng nào, khoa nào cũng có. Nhưng đến bây giờ, vấn đề này chỉ còn hãn hữu.

Bác sĩ Nghĩa cũng chia sẻ: “Cũng như mình quét nhà ấy mà, không thể lúc nào cũng sạch được, chúng tôi cũng khẳng định đôi khi vẫn còn sơ sót, và chúng tôi ghi nhận là sai”.

Còn về vấn đề rác thải sinh hoạt bác sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa cũng cho biết rằng: “Rác thải sinh hoạt ở bệnh viện đang quá tải, đây cũng là một vấn đề nan giải của chúng tôi. Vì bệnh viện nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, rồi những đoàn làm từ thiện ngày ngày ra vào nên vấn đề rác sinh hoạt phát sinh rất nhiều.

Có thể nhân viên thu gom rồi nhưng chưa kịp bỏ vào thùng, xe đựng rác nên gây ra tình trạng như chị (PV) thấy. Chúng tôi cũng đang xin thêm thùng đựng rác để đặt trong khuôn viên và hành lang bệnh viện để giải quyết vấn đề quá tải này.”

Sau khi chia sẻ những vấn đề trên với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử thì bác sĩ Nguyễn Tấn Nghĩa cho biết: Ông không có quyền phát ngôn, ông chỉ chia sẻ những vấn đề chuyên môn mà ông quản lý, còn những vấn đề khác về xử lý rác thải y tế mà phóng viên muốn tìm hiểu thêm thì đặt lịch làm việc với lãnh đạo bệnh viện.

 Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Bạn đang đọc bài viết Bệnh viện K (cơ sở 2): 'Rác thải sinh hoạt ở bệnh viện đang quá tải'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.