Thứ tư, 24/04/2024 16:42 (GMT+7)

Làng nghề Mẫn Xá (Yên Phong, Bắc Ninh): Dân “sống mòn” với ô nhiễm!

Nhóm PV -  Thứ hai, 11/03/2019 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Làng Mẫn Xá được coi là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc. Khắp thôn đâu đâu cũng mờ mờ vì khói bụi, ngộp thở bởi mùi hóa chất, chất thải nguy hại chất đống đầy đường.

Làng nghề Mẫn Xá có từ bao đời nay, với gần 800 hộ dân, khoảng 4 nghìn nhân khẩu và 300 lò đúc nhôm lớn nhỏ. Người dân nơi đây cũng giàu lên nhanh chóng từ nghề tái chế nhôm. Lao động ở khắp nơi kéo về đây làm thuê, cũng có nhiều người dân bản địa không chịu nổi ô nhiễm đã dọn lên thành phố hoặc ra nước ngoài sinh sống.

Những làn khói đen sì bốc lên từ hàng trăm lò đúc nhôm chẳng qua xử lý, khiến bầu không khí nơi đây đặc quánh vì ô nhiễm.

Thế nhưng vẫn có những con người với số phận nghiệt ngã ở lại, họ “sống mòn” với bầu không khí đặc quánh ô nhiễm. Họ cuộn mình trong những làn khói đen sì bốc lên từ hàng trăm lò đúc nhôm chẳng qua xử lý, hàng nghìn tấn xỉ nhôm được đổ thẳng ra những cánh đồng bao quanh làng, phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, số lượng bụi lơ lửng vượt nhiều lần quy chuẩn, hóa chất ngổn ngang khắp mọi nơi, hàm lượng chì trong môi trường cao gấp hàng chục lần… đây là những gì đau đớn đang diễn ra trên mảnh đất này.

Trung bình mỗi năm, thôn Mẫn Xá tái chế khoảng 10 nghìn tấn nhôm phế thải và mỗi ngày một hộ làm nghề đun đúc từ hai đến ba tạ bột nhôm. Các chủ cơ sở tái chế nhôm ở Mẫn Xá chia sẻ, toàn bộ nhôm phải dùng bột chì để kéo ra, chứ không có cách nào khác. Một ngày làng chúng tôi dùng 1 tấn chì để kéo nhôm. Nếu không kéo hết nhôm ra là không có lãi.

Thiếu công nghệ xử lý chất thải tại chỗ, diện tích chứa chất thải không đủ nên mọi phế thải của làng nghề, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra cánh đồng. 

Thiếu công nghệ xử lý chất thải tại chỗ, diện tích chứa chất thải không đủ nên mọi phế thải của làng nghề, chủ yếu là xỉ nhôm đều được đưa ra cánh đồng. Hệ thống kênh mương giờ cũng thành đường dẫn nước thải đen đặc quánh. Trong thôn gần như không có bóng cây xanh. Ông Nguyễn Văn Lộc, xã Văn Môn cho biết: “Cô đúc nhôm xong, họ đem phế thải đổ đầy ra đường. Trời hơi mưa hoặc gió to là phế thải bay, bụi, bốc mùi lên không chịu nổi”.

Dọc con đường dẫn ra nghĩa trang của xã Văn Môn, hai bên đường từng đống xỉ nhôm chất cao như núi, đen sì và bốc mùi khó chịu. Cứ chỗ này đầy dân lại đổ chỗ khác, xung quanh thôn Mẫn Xá được bao bọc bởi ô nhiễm từ những đống xỉ nhôm và “núi” rác thải sinh hoạt ngày đêm âm ỉ cháy.

Xung quanh thôn Mẫn Xá được bao bọc bởi ô nhiễm từ những đống xỉ nhôm và “núi” rác thải sinh hoạt ngày đêm âm ỉ cháy.

Người dân Mẫn Xá đều biết, làm nghề tái chế nhôm là nguy hại sức khỏe, nhưng vì kinh tế, họ đành bất chấp, xây dựng lò tái chế nhôm ngay trong khuôn viên nhà mình. Trên 90% lao động tại địa phương gắn bó với nghề, nhưng không một ai mặc đồ bảo hộ lao động, nếu có thì cũng chỉ là đeo một chiếc khẩu trang. Họ sống cùng ô nhiễm như một thói quen. Cứ mỗi sáng sớm hay chiều tối khi sương mù xuống bảo phủ cả thôn, nó quện cùng với những ống khói đen từ hàng trăm lò tái chế nhôm đang ngày đêm hoạt động. Những người lao động, sinh sống trong thôn Mẫn Xá cứ như những bóng ma dật dờ, dặt dẹo trong làn khói mờ đục ấy.

Khắp thôn Mẫn Xá được bao phủ bởi những làn khói mờ đục ô nhiễm từ những lò đúc nhôm ngày đêm hoạt động.

Nỗi khổ sống tại làng nghề ô nhiễm cứ dai dẳng bám riết hơn chục nghìn người dân Văn Môn. Mùa nóng đóng kín cửa trong nhà, quạt thổi 24/24h vẫn bốc mùi không chịu nổi, mùa mưa thì lênh láng tận bậc thềm. Cây cối cằn cỗi, lá vàng úa, quắt quéo đi, không sống được. Ao hồ nuôi con gì cũng chết. Những nhà gần xưởng, nếu không có hệ thống kính chắn kín mít thì ở trong nhà vẫn phải mang theo khẩu trang để hạn chế hít phải bụi độc.

Rác thải nguy hại, nguyên liệu tái chế nhôm chất đống hai bên đường.

Ông Nguyễn Hoàng Gia – Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: “Nhắc đến Văn Môn, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm với tình trạng ô nhiễm môi trường quá khủng khiếp. Các lãnh đạo, cơ quan chức năng của Bắc Ninh cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đây. Năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án “Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá” với diện tích 29,7 hecta. Và đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn Hanaka. Tuy nhiên phía đơn vị thi công cũng không quyết liệt lắm nên đến cuối năm 2018 mới đưa vào thi công.

Trong quá trình triển khai dự án đơn vị thi công cũng nhiều lần thay đổi và xin điều chỉnh lại. Chúng tôi chỉ mong muốn sao cho phía Công ty CP Tập đoàn Hanaka đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa các hộ sản xuất vào quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề”.

Những xỉ nhôm sau khi đốt xong được người dân mang ra đổ ngay xung quanh làng.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, trong làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, chỉ có duy nhất Công ty Vạn Lợi là có giấy tờ về môi trường, còn các hộ gia đình nhỏ lẻ khác đa số đều nhận nguyên liệu và gia công cho Công ty Vạn Lợi. Mỗi hộ đều xây một lò đúc nhôm riêng mang tính chất tự phát và theo hộ gia đình nên không một lò nào đảm bảo về môi trường. Những xỉ nhôm sau khi đốt xong được người dân mang ra đổ ngay xung quanh làng, cứ chỗ nào có đất công, có ao hồ là người dân sẽ đổ xỉ thải xuống đấy.

Số lượng xỉ nhôm được đổ trong phần diện tích đất thi công cụm công nghiệp làng nghề ước tính lên tới 283 nghìn m3, UBND tỉnh Bắc Ninh dự tính chi 200 tỉ đồng để xử lý lượng xỉ thải này nhưng không một công ty môi trường nào nhận. Mới đây phía đơn vị thi công dự án đã đề xuất phương án san lấp tại chỗ lượng xỉ nhôm này, nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang xem xét. Theo dự tính phải mất 5 hecta diện tích đất và đào sâu 10 mét thì mới chôn lấp được hết lượng xỉ nhôm này.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin vấn đề này.

Bạn đang đọc bài viết Làng nghề Mẫn Xá (Yên Phong, Bắc Ninh): Dân “sống mòn” với ô nhiễm!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.