Thứ sáu, 29/03/2024 05:03 (GMT+7)

Làm thế nào cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội?

MTĐT -  Thứ sáu, 27/09/2019 16:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam cần có những công cụ, dự báo để đánh giá sự phát tán nguồn ô nhiễm không khí đó như thế nào và dần có những chế tài để xử lý tận gốc nguồn ô nhiễm không khí.

Vì sao không khí Hà Nội ô nhiễm nhất vào buổi sáng?

Những ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho những kết quả trong ngưỡng kém và xấu ở cả "10/10" điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém).

Thậm chí, theo trang AirVisual, liên tiếp trong 2 ngày 26 và 27/9, Hà Nội là thành phố có chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất thế giới là 187 và 175.

Thời điểm không khí ô nhiễm cao nhất là buổi sáng. Lý giải về điều này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - công tác tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho rằng, việc xác định nguyên nhân gây ô nhiễm thời điểm sáng sớm ở Hà Nội rất khó, bởi thành phố có rất nhiều nguồn phát sinh ảnh hưởng tới chất lượng không khí.

Ngoài những nguyên nhân như khói bụi, khí thải từ ô tô, xe máy và các máy móc ở công trường thì việc các hộ kinh doanh có thói quen mở cửa hàng sớm, dùng bếp than đun cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

“Các hộ bán hàng ăn như bún, phở, đồ ăn sáng đều dậy rất sớm để nhóm bếp. Khí thải từ than của một số khu vực bay lên đồng loạt nên không thoát ra ngay được. Trong khi trạm quan trắc đo chất lượng không khí lại đặt cạnh đó thì việc đo được chỉ số AQI cao là điều dễ hiểu”, GS Cơ nói.

Cũng theo GS Cơ, hiện miền Bắc và ngoại thành Hà Nội nói chung đang vào mùa lá khô, cây cối, rơm rạ đều dồn lại và đem đốt vào sáng sớm để tránh ảnh hưởng đến xung quanh. Vì vậy hệ thống đo vào thời điểm này luôn phản ánh chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, tức là không khí ô nhiễm nặng.

Vị chuyên gia môi trường cũng cho biết, kết quả AQI vừa qua tại Hà Nội được đưa trên trang Airvisual là chỉ số sẽ thay đổi liên tục hàng giờ, hàng ngày. Chỉ số đó thời điểm này có thể cao, nhưng lúc khác lại xuống thấp. Vì vậy, theo ông chưa thể khẳng định chắc chắn Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

“4h sáng, thời điểm nhiều người nghĩ trong lành nhất, nhưng chỉ số AQI lại cao, bởi có thể trạm đo đặt gần khu vực nhiều công trường đang hoạt động, gần đường quốc lộ có nhiều  phương tiện qua lại, hoặc sát khu dân cư có thói quen đốt rơm rạ", giáo sư Cơ nói.

Chỉ số Airvisual đưa ra là để cảnh báo người dân rằng tại địa điểm nào đó đang có chất lượng không khí thấp, người dân cần cẩn trọng và có các biện pháp bảo vệ an toàn, chứ không phải để khẳng định chắc chắn toàn thành phố chỗ nào cũng ô nhiễm như nhau.

Cần xác định nguồn ô nhiễm không khí chính

Trong khi đó, trao đổi với VOV về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí,  Giáo sư (GS) Changsheng Chen đến từ Đại học Massachusetts (Mỹ) cho biết, kinh nghiệm để Mỹ kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí cho thấy, địa phương nào muốn xây dựng một nhà máy ở đó thì phải có sự đánh giá về tác động ô nhiễm không khí của nhà máy đó khi sản xuất đến khu vực dân cư xung quanh.

Chính phủ Mỹ luôn có sự kiểm soát tình trạng ô nhiễm không chỉ ở 1 khu vực mà còn cả tác động đến khu vực khác.

Nếu một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM và một số nơi khác bị ô nhiễm không khí thì cơ quan chức năng cần xác định nguồn ô nhiễm không khí chính là do đâu.

Qua đó, Chính phủ mới có được những giải pháp để kiểm soát và khống chế tình trạng này. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những công cụ, dự báo để đánh giá sự phát tán nguồn ô nhiễm không khí đó như thế nào và dần có những chế tài để xử lý tận gốc nguồn ô nhiễm không khí.

Còn GS Nguyễn Văn Thanh Vân, Đại học Mc Grill (Canada) cho rằng, việc ô nhiễm không khí không chỉ bắt nguồn từ khí thải ở các nhà máy mà còn có thể do tác động từ yếu tố tự nhiên, nhiệt độ ẩm thấp, tác động của con người...

GS Thanh Vân đưa ra lời khuyên, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP HCM và một số nơi trong thời gian gần đây có thể làm gia tăng các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng và có thể gây nên nhiễm độc. Khi có cảnh báo của các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường tại từng nơi, người dân nên hạn chế ra đường. Đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai. Trong thời tiết, không khí bị ô nhiễm, người dân nên uống nước nhiều.

Đối với những người thường xuyên phải làm việc ở ngoài đường hay phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác thì phải đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn để ngăn chặn bụi mịn, hạn chế tối đa hít phải không khí bị ô nhiễm và khí độc từ môi trường. Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên dọn dẹp, lau quét nhà cửa và làm sạch môi trường sống ở xung quanh.

Tổ chức Hòa bình xanh khuyến cáo, Việt Nam cần khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác.

Việt Nam cũng cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể như, kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp.

Bảo My(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Làm thế nào cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.