Thứ năm, 28/03/2024 15:48 (GMT+7)

Thanh Hóa: Tranh cãi việc thu hồi cảng chuyên dụng Công Thanh

Văn Chương -  Thứ ba, 04/09/2018 09:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi Thanh Hóa cho rằng việc chậm trễ triển khai bến cảng chuyên dụng Công Thanh gây lãng phí thì doanh nghiệp "dọa" kiện nếu bến cảng bị thu hồi.

"Không cần thiết mở rộng"?

Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thu hồi 400 m (phần mở rộng) bến cảng chuyên dụng Công Thanh.

Theo Ban quản lý, dự án xây dựng Cảng chuyên dụng Công Thanh được phê duyệt từ năm 2011 với quy mô ban đầu là 500m chiều dài cảng. Sau đó, đến tháng 7/2013, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có công văn 5277/UBND-THKH chấp thuận chủ trương mở rộng Cảng thêm 400m nữa. Như vậy, tổng diện tích Cảng chuyên dụng Công Thanh là 900m chiều dài.

Bản vẽ mặt bằng cảng chuyên dụng Công Thanh.

Lý do Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (BQL KKT) đề nghị thu hồi 400m cảng là vì đây là phần mở rộng thêm của Cảng chuyên dụng Công Thanh để phục vụ hàng hoá cho Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh. Nhưng hiện Nhà sản xuất máy phân đạm Công Thanh đã bị đề xuất thu hồi. Vì thế, cảng chuyên dụng Công Thanh cũng không cần thiết phải mở rộng nữa. 

Do đó, để thực hiện chống lãng phí đất đai trong khu kinh tế, Ban quản lý đã yêu cầu thu hồi phần 400 m Cảng Công Thanh. Ngày 23/12/2016, BQL KKT Nghi Sơn đã có cáo cáo số 2532/TTr-BQLKKKNS&KCN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, để tạo sự hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư thu hút các dự án công nghiệp nặng có nhu cầu đầu tư bến cảng chuyên dụng, Ban đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét không gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng phần mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư tập trung nguồn vốn đầu tư khu cảng chuyên dụng phía Nam với chiều dài mép bến 500 m và bến cảng tổng hợp số 6.

Căn cứ vào quyết định đó, ngày 28/2/2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Thị Thìn đã ký văn bản 1946/UBND-THKH chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh và phần mở rộng Cảng chuyên dụng Công Thanh do Tập đoàn Công Thanh làm chủ đầu tư.

Sau khi bị thu hồi từ tháng 2/2017, BQL KKT Nghi Sơn và UBND huyện Tĩnh Gia đã nhiều lần có văn bản yêu cầu xử lý Tập đoàn Công Thanh vì xây dựng trái phép trên khu đất của Cảng chuyên dụng. Hiện tổng số tiền phạt xây dựng trái phép là 48 triệu đồng.

Tập đoàn Công Thanh nói gì?

Có mặt Khu kinh tế Nghi Sơn, phóng viên Môi trừng và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận có sự đầu tư đáng kể tại khu vực Cảng chuyên dụng Công Thanh. Theo đó, một khu bến cảng rộng lớn đã được kè kiên cố và xây dựng nền xi măng chiếm tới 70-80% toàn diện tích.

Theo đó, về cơ bản gần như hoàn thành phần mặt bằng để chuẩn bị xây dựng 2 cầu cảng chuyên dụng dài 800 m hướng ra phía biển đã lên hình hài. 

Ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công Thanh chia sẻ, hiện nay, tập đoàn có hai nhà máy là Xi măng Công Thanh và Nhiệt điện Công Thanh đang hoạt động với lượng hàng Clinker và than nhập về các cảng trong khu vực Nghi Sơn lớn. "Chúng tôi đã bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để thuê lại các khu bến cảng trong khu Kinh tế Nghi Sơn. Tôi cũng không hiểu tại sao họ thu hẹp cảng bến của chúng tôi khi nhu cầu của tập đoàn là có thực?", ông Lý nói.

Phần hạ tầng tại Cảng chuyên dụng Công Thanh đã được kè, tôn tạo rất đẹp và chắc chắn chịu được sóng lớn.

Vị này khẳng định ngay sau khi UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương, tập đoàn đã khẩn trương gửi báo báo yêu cầu Bộ GTVT sớm phê duyệt chi tiết Cảng chuyên dụng Công Thanh. Từ đó để làm căn cứ tiến hành cấp phép các thủ tục quy hoạch 1/500, các thủ tục xây dựng khác. 

Ông Lý nói: "Quá trình này đang được Bộ GTVT thẩm định triển khai. Vì thế, trong khi chờ đợi, để giữ đất và thể hiện khát vọng mong muốn đầu tư, chúng tôi đã tiến hành san lấp, xây dựng, kè, tôn tạo, để hình thành lên khu cảng đẹp như hiện nay".

Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Công Thanh cho biết thêm số tiền doanh nghiệp đầu tư vào khu bến cảng này đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn đã phải bỏ tiền riêng để mua đất của người dân xung quanh xây dựng đường vào cảng, làm đường nước. Nhưng hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn chưa giải phóng mặt bằng xong, còn 2 hộ dân vẫn cản trở vì họ cho rằng tiền đền bù chưa thỏa đáng. Vì thế tập đoàn chưa có mặt bằng sạch để lập dự án, làm các thủ tục cấp phép xây dựng. 

Ông Lý khẳng khái: "BQL KKT Nghi Sơn nói thu hồi làm sao được. Thu hồi, tôi sẽ khởi kiện".

Theo đại diện Đội Kiểm tra quy tắc xây dựng huyện Tĩnh Gia, việc hướng dẫn giúp đỡ nhà đầu tư để thực hiện các thủ tục, tăng tính khả thi của các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn là trách nhiệm của Ban quản lý Khu Kinh tế. BQL KKT Nghi Sơn cần làm việc cụ thể hơn với nhà đầu tư để hướng dẫn thủ tục hoặc tháo dỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước khi báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hoá. Vị này cũng khẳng định, Tập đoàn Công Thanh khi chưa có giấy phép xây dựng nhưng đã thi công là sai phép.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Tranh cãi việc thu hồi cảng chuyên dụng Công Thanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.