Thứ sáu, 29/03/2024 16:24 (GMT+7)

Nước thải hồ nuôi tôm tự phát ồ ạt chảy xuống biển Dung Quất

MTĐT -  Thứ sáu, 29/03/2019 09:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước thải bốc mùi hôi thối ồ ạt chảy xuống xuống vịnh Việt Thanh gây ô nhiễm môi trường ở vùng biển huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi).

Liên tục nhiều ngày qua, người dân cùng du khách phát hiện hàng loạt ống xả nước thải hôi thối từ trên đồi cao chảy thẳng xuống vùng biển Lệ Thủy, xã  Bình Hải, huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất).

Vùng biển này nằm trong khu vực công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, một trong những vị trí Quảng Ngãi đưa vào hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh để trình UNESCO tháng 11 tới.

Nhiều hộ dân đào ao nuôi tôm tự phát trên đồi cao ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn). Ảnh: Minh Hoàng.

Hồ nuôi tôm xả thải hôi thối

Men theo gành đá dọc theo bãi biển Lệ Thủy, phóng viên Zing.vn phát hiện nhiều ống nhựa dài hàng chục mét nối từ khu vực đồi cao "lộ thiên" kéo xuống vùng biển ven bờ. Trong khi đó, một số ống nhựa "treo" lưng chừng giữa đồi xả nước thải hôi thối tuôn thẳng xuống vùng biển nơi đây.

Theo người dân địa phương, từ năm 2014 đến nay, làng chài nơi đây "rộ lên" phong trào nuôi tôm tự phát. Họ đổ xô đào ao nuôi tôm thẻ chân chân trắng gần sát với các khu dân cư đông đúc vùng ven biển huyện Bình Sơn. Hộ dân có ít nhất vài chục m2, nhiều nhất đến hơn 500 m2 ao nuôi tôm. Mỗi hồ nuôi chứa từ vài khối đến hàng chục mét khối nước để nuôi tôm.

Ông Dương Minh Qúy (ngụ xã Bình Hải) cho hay nhiều hộ dân đấu nối ống nhựa dùng mô tơ hút nước biển lên rồi pha với nước ngọt tạo thành "nguồn nước lợ" để nuôi tôm. "Cứ 2 đến 3 ngày là họ xả nước hồ nuôi kèm theo cặn bã thức ăn, phân tôm trực tiếp ra biển, sau đó họ hút nước biển bơm vào hồ thay thế", ông Qúy nói.

Ống nhựa xả nước thải chảy ào ạt xuống biển. Ảnh: Minh Hoàng.

Nước thải từ các hồ tôm liên tục xả thẳng xuống biển khiến nguồn thủy sản ven bờ nơi đây ngày càng suy giảm, cạn kiệt. Ông Nhan Văn Đồng (ngụ xã Bình Trị) cho biết lúc trước vùng biển nơi tôm, cá sinh sống nhiều. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm xả nước thải có hóa chất xử lý hồ, cặn bã thức ăn, phân tôm... chảy trực tiếp xuống biển gây ô nhiễm môi trường.

"Hiện chúng tôi thả lưới ở vùng biển ven bờ khu vực này rất ít có tôm, cá", ông Đồng cho biết thêm.

Đình chỉ nuôi tôm trên đồi 'uy hiếp' khu dân cư

Về vấn đề này, ông Võ Văn Phấn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), xác nhận năm 2014, nhiều người dân địa phương từ phản đối việc xả thải xuống biển Dung Quất của các hộ nuôi tôm tự phát trên địa bàn xã.

Theo ông Phấn, mỗi hồ nuôi tôm rộng 500 m2, sâu gần 1,5m thì hàng chục mét khối nước treo "lơ lửng" trên đầu khu dân cư rất nguy hiểm. Năm 2015, xã Bình Hải từng đình chỉ bốn hộ dân nuôi tôm trên đồi với hệ thống bờ bao sơ sài nhằm tránh gây nguy hiểm tính mạng cho người dân sống ở khu dân cư bên dưới. Đến nay, còn khoảng 7 hộ nuôi tôm ven biển nhưng không còn nuôi tôm trên đồi đe dọa khu dân cư nữa.

Ống xả thải nối từ hồ nuôi tôm xuyên qua đồi xả thải trực tiếp xuống biển. Ảnh: Minh Hoàng.

Riêng vấn đề xả thải từ các hồ nuôi tôm trực tiếp ra biển, chính quyền cũng nhiều lần nhắc nhở bà con làm bể lắng sinh học, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường biển nhưng "đâu lại vào đó".

Sau thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, nhận định công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh có đầy đủ tiềm năng, giá trị di sản để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên toàn cầu.

Vị chuyên gia này khuyến nghị để biến những tiềm năng thành hiện thực, Quảng Ngãi phải lập đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chủ trương, chính sách rõ ràng, xử lý triệt để vấn đề môi trường, phổ biến kiến thức công viên địa chất rộng rãi đến người dân để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Nước thải hồ nuôi tôm tự phát ồ ạt chảy xuống biển Dung Quất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.