Thứ bảy, 20/04/2024 05:14 (GMT+7)

Hà Nội: Trạm trung chuyển rác Vĩnh Hoàng gây ô nhiễm trầm trọng

Thảo Phương -  Thứ hai, 01/10/2018 09:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xe thu gom rác không phải xe chuyên dụng, không có bạt phủ, gặp gió hoặc va chạm nhẹ rác đã bay đầy đường. Điều đáng nói, trạm trung chuyển rác này lại cách khu dân cư chưa đầy 200m.

Vừa qua, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân tòa nhà Đồng Phát Park View, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội về việc Trạm chung chuyển rác Vĩnh Hoàng gây bốc mùi, xe chở rác không có bạt che, rơi vãi rác khi di chuyển.

Đơn kiến nghị của cư dân chung cư Đồng Phát về tình trạng ô nhiễm của trạm trung chuyển rác Vĩnh Hoàng. 

Ngày 20/8, PV đã có mặt tại địa điểm trên. Theo ghi nhận, trạm trung chuyển rác trên rộng khoảng 2000m2, được quây tôn khép kín xung quanh. Tuy nhiên, chỉ cần đứng cách 200m đã ngửi thấy mùi hôi thối, xú uế nồng nặc. Ai đi qua khu vực này đều lấy tay bịt mũi hoặc phi xe qua thật nhanh.

Lượng xe thu gom rác ra vào trạm với tần suất lớn. Tuy nhiên, xe thu gom rác ở đây không phải xe chuyên dụng, không có bạt phủ, gặp gió hoặc va chạm nhẹ rác đã bay đầy đường, nước rỉ thải của rác theo xe chảy xuống nền đường bốc lên hôi thối.

Rác thải tập kết gây bốc mùi hôi thối, dù được quây tôn kín nhưng không hề giảm bớt.

Điều đáng nói là trạm trung chuyển rác này lại rất gần với khu dân cư và trường học. Cách đó chưa đầy 200m là chung cư Đồng Phát, nơi có khoảng 500 hộ dân đang sinh sống. Mùi hôi thối bốc lên phát tán, lan tỏa vào không khí, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và sức khỏe người dân.

Ông Đặng Hồng Minh - cư dân sống tại chung cư Đồng Phát cho biết: “Chúng tôi sống gần trạm trung chuyển rác ô nhiễm, nhiều năm qua phải chịu đựng mùi hôi thối. Nhà tôi ở tận tầng 18 mà còn không dám mở cửa thì thử hỏi những hộ dân sống ở các tầng dưới sẽ như thế nào? Những ngày mùa hè, thời tiết nóngbức, rác thải phân hủy nhanh nên mùi hôi thối mỗi ngày một nặng. Sau cùng, dân cư chúng tôi quyết định họp lại, làm đơn để gửi chính quyền địa phương xem xét cho di dời trạm trung chuyển rác”.

Trao đổi với đại diện Công ty CPDV Môi trường Thăng Long, ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Công ty CPDV Môi trường Thăng Long lý giải : “Trước đây, trạm trung chuyển rác Vĩnh Hoàng thuộc Công ty đô thị Hoàng Mai. Đến năm 2016 do kinh tế khó khăn nên sát nhập thành Công ty TM Môi trường Thăng Long. Vừa rồi TP Hà Nội có văn bản 203 chỉ đạo các quận, huyện phải chủ động nghiên cứu đề xuất điểm trung chuyển nhưng giờ các quận lấy đâu ra, xong rồi lật lại bài toán phải cách xa khu dân cư. Sau đó cách được giai đoạn đầu, giai đoạn sau lại mọc khu chung cư lên, thì cuối cùng ông nào đuổi ông nào. Cái này, tôi nghĩ người dân cũng phải xem xét, bản thân người dân đã chấp hành đúng quy định đổ rác đúng giờ chưa, hay tiện đâu vứt đấy”.

Liên quan về vấn đề rác trạm trung chuyển lưu trữ qua đêm, không được xử lý tạm thời nên bốc mùi, ông Tiến khẳng định là không có, rác được tập kết và vận chuyển ngay trong ngày, mà đã là rác thì tránh sao được mùi.

Tuy nhiên, chiều ngày 20/9, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo BQL dự án quận Hoàng Mai. Ông Nguyễn Đức Lợi - Trưởng ban QLDA quận Hoàng Mai cho biết, có tình trạng ùn ứ rác cụ thể cuối tháng 7 vừa rồi, dân chặn xe rác Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội) nên mới có tình trạng ùn ứ rác. BQL dự án quận Hoàng Mai cũng đã yêu cầu phía nhà thầu cải tạo khu vực bãi rác, không để nước rỉ rác xuống dưới bể, sau đó sử dụng hóa chất sẽ hết mùi, nền làm bê tông hóa hết. Nhà thầu đã cam kết trong thời gian tới sẽ khắc phục tình trạng này.

Khi PV hỏi, trước khi thành lập trạm trung chuyển rác, UBND quận Hoàng Mai có buổi họp xin ý kiến người dân hay không? Ông Lợi cho hay: “Thời điểm trước tôi chưa tham gia lĩnh vực môi trường nên không rõ. Lúc hình thành trạm trung chuyển rác này thì chưa có dân cư, xung quanh toàn là cánh đồng, khu công nghiệp chung cư Đồng Phát là có sau, bản thân doanh nghiệp Đồng Phát đó cũng chuyển đổi sai mục đích”.

Theo tìm hiểu của PV ngày 7/9/2018, UBND quận Hoàng Mai đã gửi công văn số 1734/QLDA-MT đề nghị Công ty CPDV Môi trường Thăng Long hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống cầu rửa xe ra vào bãi, sân bê tông, bể thu nước rác tại trạm trung chuyển rác Vĩnh Hoàng.

Sau khi nhận được công văn của UBND quận Hoàng Mai thì Công ty CPDV Môi trường Thăng Long đã cam kết sẽ tiến hành bổ sung, cải tạo lại trạm trung chuyển rác trong T9/2018 dự kiến kéo dài 45 ngày.

Công ty CPDV Môi trường Thăng Long đã cam kết sẽ tiến hành bổ sung, cải tạo trong vòng 45 ngày. 

Để hạn chế phát sinh các điểm trung chuyển rác thải, Công ty CP Môi trường Thăng Long đã đề nghị UBND quận Hoàng Mai phê duyệt, bố trí 1-2 vị trí đất dự án chưa triển khai có diện tích khoảng 700 – 1000m2 cho công ty tạm sử dụng để tập kết trung chuyển rác.

Đứng trước thực trạng trên, thiết nghĩ các công ty môi trường cần cải tiến công nghệ thu gom rác thải trong các khu dân cư, xây dựng trạm xử lý rác thải hiện đại. Có vậy mới mong sớm xóa tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị do các điểm trung chuyển rác tự phát gây ra.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Trạm trung chuyển rác Vĩnh Hoàng gây ô nhiễm trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...