Thứ sáu, 26/04/2024 02:43 (GMT+7)

Đâu là tâm hồn con công nhân khu công nghiệp?

MTĐT -  Thứ tư, 17/06/2020 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với điều kiện ăn ở hiện nay, một thế hệ con công nhân ở các khu nhà trọ các khu công nghiệp sẽ lớn lên trong thiếu thốn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển.

Gia đình công nhân chật vật trong phòng trọ công nhân mùa nắng nóng.

Ảnh phapluat.tuoitrethudo.com.vn

Nhà ở, đó là nơi che gió che mưa, nơi mỗi gia đình quây quần bên mâm cơm; sâu xa hơn, đó còn là nơi lưu giữ văn hóa, dạy dỗ con cái, duy trì hạnh phúc, cho sự sống được tiếp nối đời đời.

Sau khi thoát khỏi cảnh ăn lông ở lỗ, ra khỏi hang động, con người làm nhà cho mình, chủ động về chỗ ở. Từ đó, nhà ở trở thành một nhu cầu cơ bản, thiết yếu, nhất thiết phải được đáp ứng, như lương thực, thực phẩm hàng ngày. Là con người thì phải có nhà ở.

Mấy chục năm qua, kinh tế phát triển, nhà ở của người Việt cũng dần được xây dựng hiện đại, từng bước tiếp cận tiêu chí về nhà ở của con người ở xã hội văn minh. Ngay ở những làng quê, hình ảnh căn nhà mái rạ, tranh tre nứa lá cũng đã lùi vào dĩ vãng.

Thế nhưng, tại hầu hết các khu công nghiệp, nơi tập trung hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân, những con người tuổi trẻ, nhiệt huyết, lực lượng chủ yếu làm ra của cải cho xã hội, tình trạng nhà ở của họ lại cực kỳ thiếu thốn. Thật đau xót - tôi nghĩ có thể nói như vậy - khi bộ phận lao động quan trọng nhất của đất nước phải sống trong tình cảnh đó.

Một xóm trọ nhếch nhác của công nhân. Ảnh nld.com.vn

Tại các khu nhà trọ công nhân, dễ dàng bắt gặp cảnh đôi vợ chồng, một hai đứa con, có khi thêm cả người nhà ở quê ra trông trẻ sống chen chúc trong những phòng cho thuê lợp fibro xi măng, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa đông thì lạnh lẽo, gió lùa. Những sào phơi quần áo bày ra khắp nơi. Cảnh sống khó gọi bằng chữ nào ngoài từ “nhếch nhác”.

Một thời đất nước quá khó khăn, chúng ta bị cấm vận gần như triệt để nhiều năm. Khi đổi mới, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; đôi khi cũng vì “ngây thơ”, vì thiếu kinh nghiệm quản lý và cả những lý do khác, chúng ta “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư mà chưa hoặc không tính toán đầy đủ điều kiện, quyền lợi về nhà ở và các dịch vụ tiện ích của người lao động. Kết quả là, các khu công nghiệp mọc lên ở khắp nơi, hàng triệu lao động được giải quyết việc làm, có thu nhập tương đối ổn định, dù chưa cao; đất nước có thêm hàng chục, hàng trăm tỷ USD hàng hóa. Nhưng, nhìn vào nhà ở của công nhân - những người làm ra hàng chục, hàng trăm tỷ USD đó - thì lại thụt lùi. Bởi điều kiện ăn ở của họ kém xa cả những vùng nông thôn.

Còn đây, bên trong một phòng trọ công nhân. Ảnh nld.com.vn

Trong điều kiện ăn ở như vậy, người công nhân khu công nghiệp khó lòng “an cư lạc nghiệp”. Thế hệ con cái của họ lớn lên trong thiếu thốn, ăn ở trong chật chội, các cháu nghĩ gì, các cháu sẽ trưởng thành ra sao? Người công nhân có hết lòng với doanh nghiệp không? Có cảm thấy gắn bó máu thịt không? Có dám coi mình là chủ nhân của đất nước không? Tôi nghĩ, hỏi đã là trả lời.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Nhà thơ Chế Lan Viên thật sâu sắc khi viết những dòng này. Và đất ở, hạt nhân của nó, ở vị trí trung tâm, quan trọng nhất, tập trung nhất, là nơi ở - căn nhà. Trong điều kiện ăn ở hiện nay, tâm hồn con cái người công nhân khi lớn dậy sẽ ra sao?

Theo Minh Hoàng/ TC An toàn cuộc sống

Bạn đang đọc bài viết Đâu là tâm hồn con công nhân khu công nghiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.