Thứ bảy, 20/04/2024 02:35 (GMT+7)

Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch trong các KCN tại Phú Thọ

Thúy Hằng -  Thứ hai, 18/03/2019 11:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) của tỉnh phát triển khá đồng bộ.

Cơ sở hạ tầng CCN thị trấn Yên Lập đang dần hoàn thiện, bước đầu đã thu hút được 10 nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Tùng Linh

Bên cạnh đầu tư hạ tầng KCN, CCN, tỉnh Phú Thọ cũng đã quan tâm đầu tư cả về hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển các KCN, CCN; cơ chế, chính sách ưu đãi ngày càng được đổi mới, hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư; sự quan tâm của các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào đầu tư tại tỉnh. Các dự án đầu tư đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp khá tích cực vào thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và xây dựng được lực lượng lao động có ý thức, tác phong công nghiệp có kỹ thuật cao; thúc đẩy phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo số liệu thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 7 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là: Trung Hà, Thụy Vân, Tam Nông, Cẩm Khê, Phù Ninh, Phú Hà, Hạ Hòa với tổng diện tích 2.256ha; trong đó có 3 KCN đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp là: Trung Hà, Thụy Vân, Phú Hà; các KCN còn lại đã và đang triển khai khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng. Số các CCN được Bộ Công thương chấp thuận quy hoạch hết năm 2020 là 26 với tổng diện tích 1.100ha. Đến nay đã có 20/26 CCN có quy hoạch chi tiết với diện tích gần 890ha; trong đó 15 CCN đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và di vào hoạt động với diện tích 509ha.

Việc hình thành và phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển các KCN chung của cả nước và quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Kết cấu hạ tầng ngoài KCN, CCN được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các KCN, CCN. Hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập như: Một số KCN, CCN phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, hầu hết các KCN, CCN vừa quy hoạch, vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng hạ tầng nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp và hạn chế tính đồng bộ, khó thực hiện được việc bố trí dự án đầu tư theo phân khu chức năng như CCN Ngọc Quan, CCN Sóc Đăng; CCN thị trấn Sông Thao; CCN Bạch Hạc... Một số CCN đã có quy hoạch nhưng chưa triển khai hoặc triển khai gặp nhiều khó khăn do không huy động, bố trí được nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư. Có CCN nằm trong danh mục quy hoạch nhưng ít khả thi. Một số CCN điều chỉnh diện tích quy hoạch so với nghị quyết của HĐND nhưng chưa báo cáo, trình HĐND thông qua.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách và doanh nghiệp vào các KCN, CCN đạt thấp so với nhu cầu đã được phê duyệt, một số CCN đầu tư hạ tầng chưa tập trung, thiếu đồng bộ, chưa kết nối các hạng mục công trình. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nơi, có giai đoạn còn vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và tâm lý nhà đầu tư. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các CCN chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới chỉ có hệ thống thu gom nước mặt, nước thải sinh  hoạt. Hạ tầng xã hội như: Nhà ở cho công nhân, các công trình phục vụ công cộng, dịch vụ tiện ích khác chưa được quy hoạch, đầu tư đồng bộ. Công tác quản lý các CCN còn hạn chế, bất cập; đơn vị quản lý CCN ở cấp huyện chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, đầu mối và kết nối các hoạt động quản lý doanh nghiệp trong CCN.

Không những thế, hệ lụy của việc không lựa chọn các nhà đầu tư, dẫn đến nhiều nhà đầu tư hoạt động có năng lực yếu, vốn thấp, sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu chủ yếu thực hiện công đoạn gia công có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng đất đai, ít sử dụng nguyên liệu địa phương nên hầu như không có tác động hỗ trợ đến các ngành nghề khác, ô nhiễm môi trường. Cơ cấu đối tác đầu tư FDI chưa đa dạng; một số dự án đầu tư chưa bền vững; có trường hợp nhà đầu tư không tuân thủ đầy đủ, thậm chí vi phạm quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, lao động. Thủ tục hành chính của một số ngành, lĩnh vực còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa ngành và cấp trong việc giải quyết một số nội dung có liên quan đến hoạt động của các CCN chưa chặt chẽ…

Để khắc phục các tồn tại trên, thời gian tới các cấp, ngành liên quan cần rà soát lại quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các KCN, CCN để đề xuất điều chỉnh các nội dung quy hoạch cho phù hợp. Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; bố trí nguồn lực phù hợp với điều kiện ngân sách của tỉnh và tranh thủ lồng ghép tối đa các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng khu, CCN theo quy hoạch. Tích cực mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực, mạnh về tài chính, có khả năng liên kết để cùng địa phương xây dựng hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Tăng cường xúc tiến đầu tư theo định hướng chung của tỉnh; đa dạng hóa nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hạ tầng; các dự án công nghiệp thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, đem lại hiệu quả cao về ngân sách; sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu hao ít năng lượng, sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào ở địa phương...

Song song với đó, kiên quyết không thu hút các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, năng lực sản xuất hạn chế. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết như việc thẩm duyệt, nghiệm thu, phê duyệt phương án PCCC và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động. Quan tâm đến vấn đề xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp, nhất là sử dụng đất, xử lý môi trường, đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động... Kiên quyết thu hồi đất của các dự án cố tình không triển khai để giữ đất quá thời gian quy định. Đặt các trạm quan trắc môi trường ở các doanh  nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý các dự án đã ngừng hoạt động và các trường hợp cố ý chây ỳ, trốn  tránh nghĩa vụ tài chính, chuyển giá và các hành vi gian lận vi phạm khác.

Bạn đang đọc bài viết Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch trong các KCN tại Phú Thọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...