Thứ sáu, 19/04/2024 05:34 (GMT+7)

CCN Thanh Oai: Hệ thống xử lý nước thải có thực sự hoạt động?

Ngọc Anh - Trần Trung -  Thứ ba, 10/04/2018 16:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vốn là kênh cung cấp nước cho hàng chục mẫu ruộng của xã Bích Hòa nhưng từ khi CCN Thanh Oai mọc lên, nhiều chất thải từ đó cũng chảy ra kênh mương nội đồng khiến người dân khốn khổ

Nhận được thông tin về tình trạng ô nhiễm nước tưới tiêu của hơn 20 mẫu ruộng tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã  xuống trực tiếp ghi nhận và tìm hiểu thông tin trên.

Nước thải CCN Thanh Oai “đầu độc” thủy lợi, hoa màu?

Sau khi xuống tìm hiểu, chúng tôi được nhiều người dân phản ánh, từ khi cụm Công nghiệp Thanh Oai (CCN) hoạt động, xả nước thải ra đường kênh thủy lợi nội đồng khiến lúa của người dân tại xã Bích Hòa phát triển rất tốt. Nhưng trớ trêu đến khi thu hoạch hơn 20 mẫu ruộng lại gần như mất trắng, hạt lép, sâu bệnh phá hoại.

Ảnh vệ tinh CCN Thanh Oai sát ngay rất nhiều khu dân cư và ruộng đồng mương máng.

Nhiều DN trong cụm Công nghiệp Thanh Oai (CNN) xả thải trực tiếp không qua hệ thống trạm xử lý nước thải.

Theo anh Nguyễn Văn Dũng (29 tuổi) ở Xóm Thượng, làng Thạch Bích nói: “Từ khi cụm CN Thanh Oai về đây xả thải hết ra kênh tưới tiêu của toàn khu vực đã ây ra tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng, lúa má mấy năm cấy không đạt hiệu quả. Nước thải vào ruộng làm lúa tốt lên nhanh nhưng lại khiến lúa có nhiều sâu bệnh, hạt lép, thậm chí có hàng trăm sào mất trắng”.

Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, dòng nước thải có màu đen đặc, bốc lên mùi xú uế với hóa chất nồng nặc được xả thẳng ra hệ thống kênh mương nội đồng. 

Cống "lộ thiên" xả thẳng nước thải công nghiệp ra kênh thủy lợi nội đồng của cụm.

 Đây là kênh thủy lợi nội đồng từ phường Yên Nghĩa qua các phường Phú Lãm, Đồng Mai (Hà Đông), đến xã Bích Hòa, Cao Viên, Cự Khê, Thanh Lương, Bình Minh, Trị Thủy (Thanh Oai) ra trạm bơm Khe Tang đổ vào sông Nhuệ.

Đặc biệt, khi vào vụ chiêm (cấy tháng 1, tháng 5, 6 gặt), hay lúa xuân (cấy tháng 11,12 tháng 5, 6 thu hoạch) thiếu nước trầm trọng người dân không còn cách nào khác là tát nước từ kênh tưới tiêu chung đã bị trộn chất xả thải của CCN Thanh Oai vào ruộng để cung cấp nước cho lúa.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa, hoa màu của người dân, nguồn nước thải này đang dẫn tới những "cái chết trắng" cho toàn bộ cá tôm nối gần chục xã của huyện Thanh Oai. 

Lúa lên rất xanh tốt tuy nhiên khi thu hoạch cả cánh đồng gần như mất trắng!

 Việc mỗi lần đi rắc phân, đạm hay nhổ cỏ cho lúa người dân bị ngứa là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng, thậm chí nổi mụn nhọt kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe khiến cho dân tại làng Thạch Bích tỏ ra vô cùng lo lắng.

Chứng kiến cảnh hàng nghìn thước ruộng đang bị “đầu độc” bởi chất thải công nghiệp nặng mùi bà Trần Thị Hiền bức xúc: “Vài năm trước báo đài xuống phản ánh rất nhiều về tình trạng này rồi, nông dân chúng tôi cũng lên tiếng phản đối quyết liệt... Giờ thì đâu lại vào đấy, CCN xả vẫn cứ xả, nông dân chúng tôi khổ cứ khổ, được hạt thóc nào thì lép hạt đấy. Cứ là nông dân chúng tôi đi rồi các vị mới thấu!”.

Nhà máy xử lý nước thải có cũng như không?

Theo tìm hiểu của PV, Dự án khu xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Thanh Oai do Công ty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư. Mặc dù nhà máy xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Thanh Oai đã đi vào hoạt động, song thực tế, có nhiều doanh nghiệp trực tiếp xả thải mà không hề qua hệ thống hay nhà máy xử lý nước thải của cụm. 

Trạm xử lý nước thải của cụm CN Thanh Oai xây dựng với công suất 600m2/ngày đêm.

 Ngày 9/4, theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, hệ thống cống ngầm tại đoạn đường phía sau Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực và Thương mại Việt Nam Vinamex đã để lộ ra “cái kim trong bọc” của hệ thống xả thải của cụm công nghiệp Thanh Oai.

Để “che mắt thiên hạ” nhiều công ty tại CCN Thanh Oai lắp đặt một hệ thống ống nước nhựa rộng khoảng 25cm được bố trí hợp lí trải dài khắp khu công nghiệp rộng 59,32 ha. Đường ống này kéo dài nối liền nhau và được đậy nắp bê tông ngay ngắn, dường như đây là hệ thống dẫn nước thải đến nhà máy xử lý nước thải? 

Ống nước bị tuột khỏi mối nối, lộ ra một đường ống trống rỗng, đất cát khô bám đầy bên trong.

 Một phần ống nước bị tuột khỏi mối nối, lộ ra một đường ống trống rỗng, đất cát khô bám đầy bên trong. Và dường những ống xả thải này lâu nay không được sử dụng?

Được biết, trạm xử lý nước thải của cụm xây dựng với công suất 600m3/ngày đêm, dự án này sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải của doanh nghiệp trong cụm công nghiệp. Với nhiệm vụ xử lý hàng nghìn m3 nước thải mỗi ngày, vậy mà đường ống nhựa trống trơn và khô ráo này là gì?

Thứ nước bốc lên mùi khắm thối khiến nhiều người dân phải nín thở mỗi khi đi qua.

Liệu đây có thể coi là một hình thức “lấy vải thưa che mắt thánh” nhằm hợp lí hóa vấn đề xả thải chưa qua xử lý của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cụm Công nghiệp Thanh Oai?

Đồng thời, ở bên dưới hệ thống nhựa này chính là rãnh thoát nước thải chạy dọc ở đằng sau Công ty Đông Dược Phúc Hưng đến Công ty Vinamex.,JSC… Rãnh tập hợp nước thải của nhiều công ty xả thẳng trực tiếp đến cống ngầm, sau đó đổ ra kênh thoát nước chung của cụm mà không qua nhà máy xử lý nước thải.

Rãnh thoát nước thải có màu đục ngầu, hôi thối nằm ở giữa cụm CN Thanh Oai.

 Quan sát của PV, đường dẫn nước này được đi ngầm sau đó "lộ thiên" đến Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Thiết bị máy xây dựng Hà Thanh Việt Nam. Kết hợp với bụi từ trạm trộn bê tông thứ nước thải có màu đen đặc sánh lại, bốc mùi thối, có chỗ sủi bọt ngầu khiến người đi qua vô cùng khó chịu. Mặt nước dòng kênh ở nhiều vị trí khác nhau còn nổi váng đỏ lừ. Chỉ nhìn qua bằng mắt thường và bằng cảm quan đã đủ cho người đối diện thấy nước này đã bị ô nhiễm nặng. 

Thứ chất thải có màu đen lừ, đặc quánh bốc lên mùi thối khắm này không chỉ đe dọa đến sức khỏe, nguồn nước kênh nối liền nhiều xã mà nó còn đang nhăm nhe đến nguồn sống của không ít hộ dân nơi đây.

Nhiều người bức xúc nói: “không biết cụm công nghiệp mọc lên, người dân được gì nhưng bao nhiêu cái khổ là dân chịu hết”.

Nước thải thoát ra từ nhà xử lý trộn cùng với nước thải đen đục sủi bọt trắng phau.

Cuối cùng, tất cả đều được xả thẳng ra con kênh tưới tiêu của bà con nông dân nơi đây. Nước thải được nhà máy xử lý, trộn lẫn với nước thải chưa qua xử lý của nhiều doanh nghiệp.

Khi được hỏi về vấn đề tại sao trạm xử lý nước thải đã được xây dựng, song nước xả ra vẫn đen đặc ô nhiễm, cũng giống như nhiều người dân lương thiện khác, anh Dũng cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm “chắc là trạm vẫn chưa hoạt động” ?

Câu hỏi dư luận đặt ra là hiệu quả của Trạm xử lý nước thải công nghiệp của cụm Thanh Oai có thực sự tốt như những lời giới thiệu "đường mật" như lúc mới đầu xây dựng?

Thực tế, "hiệu quả" chưa thấy đâu đã thấy rõ những "hệ quả" của chất thải công nghiệp đã ảnh hưởng lớn tới hệ thống kênh mương, nguồn nước, đất đai ruộng đồng và chính sức khỏe của người dân tại xã Bích Hòa.

Và điều này liệu ban Quản lý dự án là Công ty cổ phần COMA 18 có nắm bắt được? UBND huyện Thanh Oai có sát sao trong việc quản lý? Hay vẫn để các doanh nghiệp dùng chiêu trò, lấy “vải thưa che mắt thánh” để qua mặt?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Cụm công nghiệp Thanh Oai được Sở xây dựng Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tại quyết định số 190 QĐ/XD - QH – CS ngày 19/5/2003, do công ty Coma 18 quản lý. Cụm công nghiệp này gồm hàng chục nhà máy, xí nghiệp, sản xuất đủ các mặt hàng như giấy, may mặc, bao bì, dược phẩm…

Công ty cổ phần COMA 18 có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp; hướng dẫn của Sở Quy hoạch & Kiến trúc tại văn bản số 4781/QHKT-P4 ngày 23/8/2016. UBND huyện Thanh Oai có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối vói Cụm công nghiệp Thanh Oai theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý cụm công nghiệp.

UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết CCN Thanh Oai: Hệ thống xử lý nước thải có thực sự hoạt động?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải tại phần lớn các CCN còn nhiều tồn tại; công tác phối hợp quản lý các CCN ở một số địa phương còn nhiều yếu kém.
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.