Thứ sáu, 29/03/2024 21:38 (GMT+7)

13 năm không có hệ thống xử lý nước thải, Sunhouse xả nước đi đâu?

Phan Ngân - Đào Sơn -  Thứ tư, 06/09/2017 12:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Qua những gì Ban Quản lý dự án & Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cung cấp, có thể nói 13 năm qua Sunhouse không có hệ thống xử lý nước thải, vậy nước thải nấu nhôm xả đi đâu?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Giám đốc (PGĐ) Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cho biết: “Nhà máy xử lý nước thải của chúng tôi mới hoạt động từ tháng 4/2017 và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm”.

Như vậy, từ 2004 đến nay nước thải của Sunhouse không được xử lý mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường?...

Tiếp tục câu chuyện xoay quanh vấn đề nhà máy tập đoàn Sunhouse (cụm CN Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội) xả thải ra môi trường, PV liên hệ tới Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai (trước là Trung tâm phát triển cụm công nghiệp) để tìm hiểu sự việc.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Giám đốc (PGĐ) Ban Quản lý dự án & Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cho hay: “Công ty Sunhouse đã kí hợp đồng xử lý nước thải với nhà máy của cụm công nghiệp Ngọc Liệp, nhà máy này đã đảm bảo theo quy trình của nhà nước và được Sở Tài nguyên & Môi trường đi kiểm tra thường xuyên. Chúng tôi cũng thuê đơn vị về kiểm tra quan trắc định kì 6 tháng/lần. Nước thải trước khi được xả ra môi trường được bơm vào bể sinh thái, ở bể này cá vàng còn sống được vì thế nước đã qua xử lý đảm bảo an toàn để xả ra mương thoát nước”.

Bể sinh thái chứa nước trước khi xả ra môi trường

 PGĐ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cũng trực tiếp đưa PV đến tìm hiểu quá trình xử lý nước thải của nhà máy.

Bà Trang cho biết thêm: “Nhà máy xử lý nước thải của chúng tôi mới hoạt động từ tháng 4/2017 và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm tuy nhiên bước đầu thấy được hiệu quả khá cao trong việc xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp”.

Hệ thống xử lý nước thải tập chung của cụm công nghiệp Ngọc Liệp

 Tuy nhiên, được biết nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Ngọc Liệp có tổng số vốn đầu tư là 13 tỉ đồng, khởi công xây dựng ngày 19/5/2015, hoàn thành và đưa vào hoạt động 28/4/2016. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy có nhiệm vụ thu gom nước thải và nước sinh hoạt từ các nhà máy trong cụm công nghiệp về xử lý với công suất hoạt động là 1.000m3/ngày đêm.

Như vậy, việc bà Phó Giám đốc trình bày “nhà máy mới hoạt động từ tháng 4/2017 và vẫn đang trong quá trình thực nghiệm” nghĩa là tận 1 năm sau khi “đi vào hoạt động” thì nhà máy này vẫn chỉ đang “thực nghiệm”?

Khi PV thắc mắc không biết nhà máy có đủ khả năng xử lý nước thải độc hại của việc nấu nhôm từ nhà máy Sunhouse hay không, ông Bùi Văn Tuyển, tổ trưởng tổ vận hành nhà máy xử lý nước thải nhanh nhảu khẳng định: “Xử lý được chứ, trang thiết bị máy móc của nhà máy hoàn toàn xử lý được nước thải của nhà máy Sunhouse”.

Cận cảnh các bể xử lý nước thải

 Trên báo cáo Danh sách lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp tại cụm CN Ngọc Liệp (kèm theo văn bản số :24/TTPTCCN ngày 17/8/2016), Công ty Sunhouse đã thực hiện lắp đồng hồ ngày 29/8/2016, nghĩa là từ đó tới nay con số nước thải mà Sunhouse chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung đã có và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai phải nắm được những số liệu này.

 Danh sách lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp tại cụm CN Ngọc Liệp


Do mới nhận công tác nên bà Trang hứa “vài hôm nữa” sẽ cung cấp đầy đủ báo cáo, tài liệu cho PV.

Qua những gì Ban Quản lý dự án & Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cung cấp, có thể nói 13 năm trời Sunhouse không có hệ thống xử lý nước thải, vậy nước thải nấu nhôm xả đi đâu?

Tiếp xúc với PV, bà Kiều Thị Hồng – một người dân sống quanh nhà máy cũng phản ánh: “Có hôm nước đổ ra trắng đục cả con mương cạnh nhà máy, việc này vẫn thường xuyên xảy ra”.

Bà Hồng còn cho PV xem những đoạn video ghi nhận được cảnh Sunhouse xả nước thải ra môi trường. Người dân lo ngại những chất màu “trắng đục nước gạo” kia sẽ ngấm vào đất, nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trái lại với lo ngại của người dân, bà Trịnh Thị Vân – Phụ trách truyền thông Sunhouse cho rằng: “Đó chỉ là nước thải rửa chân tay của công nhân hoặc dọn rửa máy móc gì đó chứ không phải toàn bộ nước thải của quá trình nấu nhôm”.

Trao đổi với PV Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử về vấn đề này, PGS.TS Lê Xuân Thành – Viện Kỹ thuật Hóa học cho hay: Chưa biết nguồn nước thải ra môi trường là gì nhưng hễ có màu (không phải trong suốt như nước thông thường) thì phải đặc biệt lưu ý. Cần kiểm tra, xét nghiệm để biết chính xác thành phần trong nước thải đó có gây ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Về vấn đề này, ngày 31/8 PV cũng đã liên hệ Sở Tài nguyên & Môi trường để đặt lịch làm việc, nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có hồi âm.

Những dấu hỏi xoay quanh chuyện xả thải của công ty Sunhouse, PV Môi trường & Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

Bạn đang đọc bài viết 13 năm không có hệ thống xử lý nước thải, Sunhouse xả nước đi đâu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới