Thứ sáu, 29/03/2024 18:41 (GMT+7)

10 sự kiện khu công nghiệp nổi bật nhất năm 2019

MTĐT -  Chủ nhật, 29/12/2019 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khởi công khu công nghiệp 8.118 tỉ đồng ở Quảng Nam, công nhân ngộ độc khí tại nhà máy ở Vĩnh Phúc và Nam Định… là một trong những sự kiện khu công nghiệp được chú ý trong năm 2019.

Khởi công khu công nghiệp 8.118 tỉ đồng ở Quảng Nam

Ngày 24/3, tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải (THACO) tổ chức lễ khởi công dự án Khu công nghiệp (KCN) nông – lâm nghiệp tại Khu Kinh tế mở (KTM) Chu Lai.

Đây là những dự án trọng điểm mang tính chiến lược cho giai đoạn phát triển mới theo hướng đa ngành của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) và giai đoạn đầu tư mới của Thaco tại Khu Kinh tế mở Chu Lai.

Được biết, dự án KCN cơ khí và ô tô mở rộng có diện tích 115 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỉ đồng. Dự án KCN Nông - Lâm nghiệp có diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỉ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022.

KCN này đi vào hoạt động sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên chuỗi giá trị sản xuất chế biến xuyên suốt, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành, hình thành trung tâm sản xuất chế biến nông - lâm nghiệp cho tỉnh Quảng Nam và khu vực miền trung. Qua đó làm tăng giá trị đáng kể trên diện tích đất trồng tại miền trung dựa trên cây ăn trái, cây lâm nghiệp có giá trị cao thay thế cho phần lớn diện tích đất hiện nay là trồng cây keo có giá trị rất thấp. Đồng thời, tạo ra một hệ sinh thái công - nông - lâm nghiệp đồng bộ, bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặt khác, với sự chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm, dự án có sức lan tỏa rất lớn đến người dân mà chủ yếu là nông dân của tỉnh Quảng Nam và miền trung, Tây Nguyên trong việc thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất nông - lâm - nghiệp.

Đồng Nai sẽ quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp "khủng"

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện tỉnh có sáu địa phương trong tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch thêm tám khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 5.000 ha.

Theo đề xuất của các địa phương, tỉnh Đồng Nai sẽ điều chỉnh mở rộng ba KCN là Dầu Giây (huyện Thống Nhất) thêm 75 ha, KCN Long Khánh (TP Long Khánh) tăng thêm 500 ha và KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) tăng 170 ha. Đồng thời bổ sung thêm các KCN với diện tích trên 4,3 ngàn ha.

Theo đó, huyện Long Thành là địa phương đề xuất bổ sung thêm nhiều KCN nhất với bốn KCN có tổng diện tích gần 2,5 ngàn ha. Trong đó, xã Phước Bình sẽ có thêm hai KCN, một khu rộng gần 900 ha và một khu khoảng 500 ha. Hai xã Tân Hiệp, Bình An, mỗi xã sẽ có thêm một KCN. Các KCN trên đều có doanh nghiệp đề xuất sẽ làm chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng.

UBND huyện Thống Nhất cũng đề xuất thêm KCN ở xã Xuân Thiện với diện tích khoảng 200 ha. Khu này giáp với KCN Suối Tre của TP Long Khánh.

Bên cạnh đó, huyện Cẩm Mỹ đưa vào quy hoạch KCN ở xã Xuân Quế, huyện Nhơn Trạch, thêm một KCN tại xã Phước An và TP Long Khánh sẽ có thêm một KCN ở xã Hàng Gòn.

Như vậy, trong giai đoạn tới, các địa phương tại tỉnh Đồng Nai đề xuất bổ sung thêm hơn 5.000 ha đất phát triển công nghiệp. Các sở, ngành cơ bản đồng ý với việc điều chỉnh mở rộng KCN và bổ sung thêm các KCN mới cho giai đoạn tới.

Trong những KCN đề xuất xây dựng mới, có 2 khu chuyên phát triển lĩnh vực logistics nằm ở 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Dự tính, 1 KCN chuyên về logistics thuộc địa bàn xã Phước Bình (huyện Long Thành) sẽ chuyên phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành. KCN xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) sẽ là KCN chuyên dịch vụ logistics cho Cảng Phước An.

Huyện Nhơn Trạch hiện đã có 10 KCN, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn nên xây dựng Cảng Phước An và phát triển các KCN logistics khu vực gần cảng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo các chuyên gia về kinh tế, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với đường bộ, đồng thời giảm được gánh nặng cho giao thông đường bộ.

Bất thường tại dự án xây dựng KCN Sông Công 2, Thái Nguyên

Năm 2017, Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công 2, xã Tân Quang, TP. Sông Công (tỉnh Thái Nguyên), với tổng số vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng, có thời gian triển khai từ năm 2017-2020. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn đang trong quá trình san lấp, hoàn thiện mặt bằng. Các hạng mục trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được phê duyệt liệu có được thực hiện theo lộ trình.

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 23/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì quy mô diện tích KCN Sông Công 2 là 250ha với nhiều hạng mục trong đó có việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống quan trắc môi trường tự động.

Tổng số vốn đầu tư dự kiến là hơn 1.757 tỷ đồng, chi phí xây dựng của dự án là trên 974 tỷ đồng.

Hiện tại giai đoạn I (50ha đầu tiên) đang được triển khai, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng được lấy từ ngân sách địa phương và vốn huy động từ nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất giai đoạn I. Ngân sách địa phương dùng để đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) là 200 tỷ; Nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là 200 tỷ đồng; nguồn vốn vận động ứng trước của 50 ha đầu tiên là 555 tỷ đồng.

Các giai đoạn tiếp theo của dự án, tỉnh thực hiện theo phương án cuốn chiếu, lấy nguồn vốn vận động nhà đầu tư ứng trước của giai đoạn I để triển khai dự án. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2020.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, dự án vẫn còn ngổn ngang san lấp, hoàn thiện mặt bằng. Số nhân công, máy móc đang thi công trên đại công trường rất ít.

Theo quy định tại khoản 1, điều 109, Luật Xây dựng năm 2014 Yêu cầu đối với công trường xây dựng: Chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng, trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng. Nội dung biển báo gồm: Tên, quy mô công trình; Ngày khởi công, ngày hoàn thành; Tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng; Bản vẽ phối cảnh công trình.

Dù nhiều lần xuống công trường nhưng khi PV khảo sát thực tế đã không ghi nhận được bất kỳ biển báo công trình xây dựng dự án này theo quy định Pháp luật do đó cũng không thể biết nhà thầu nào đang triển khai.

Dư luận đặt ra nghi vấn về việc năng lực của các nhà thầu, cũng như quy trình, thủ tục tham gia việc đấu thầu, trúng thầu của dự án trên. Bởi đến nay Chủ đầu tư vẫn chưa thấy công khai việc các nhà thầu đang triển khai thi công tại công trường KCN Sông Công 2.

Sai phạm tại CCN Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội)

Tháng 4/2019, bạn đọc phản ánh đến tòa soạn Môi trường và Đô thị VN về việc, Cụm công nghiệp (CCN) Liên Hiệp, xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất bột sắn, sản xuất bê tông thương phẩm, phun sơn tĩnh điện, làm cơ khí, làm mộc... hoạt động không đảm bảo đủ điều kiện theo yêu cầu khiến môi trường bị ảnh hưởng.

Đặc biệt hàng chục doanh nghiệp hoạt động nhiều năm nay nhưng BQL CCN Liên Hiệp vẫn không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, khu lưu trữ chất thải tập trung theo thiết kế ban đầu, để lộ thiên ngoài trời khiến không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Cũng theo người dân, trong CCN Liên Hiệp có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động “chui” không đủ điều kiện như: Chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa có giấy phép hoạt động, một số ngành nghề sản xuất kinh doanh không có trong danh mục đăng ký.

Tuy nhiên, gần 2 tháng PV Môi trường và Đô thị VN liên hệ làm việc với UBND huyện Phúc Thọ để làm rõ vấn đề trên, nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Còn đại diện xã Liên Hiệp cho biết, “Họ (các chủ đầu tư-PV) sử dụng đất sai mục đích là đúng, bởi CĐT lén lút dùng hình thức tiểu xảo, tinh vi qua mặt chính quyền để đạt được mục đích riêng. Vì vậy, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý sai phạm và vẫn cương quyết chứ không bó tay, do UBND xã không đủ thẩm quyền cưỡng chế theo quy định của pháp luật nên đành chờ chỉ đạo”.

Cụ thể, trên toàn bộ 8,1ha được phê duyệt hình thành CCN Liên Hiệp mới sử dụng gần 4ha cho các hộ gia đình sau: ông Lê Hiền Khanh 5.600m2, ông Đỗ Vị này cũng cho biết: “Hiện nay, CCN Liên Hiệp có 3/4 chủ đất sử dụng sai mục đích đất, thậm chí có trường hợp làm theo kiểu xây dựng trước, xin phép sau”.

Cụ thể nhất, hiện nay ông Đỗ Kim Hoàn được giao 1,5 ha đất tại CCN Liên Hiệp để phát triển kinh tế, nhưng nay ông Hoàn đã liên kết với 4 đơn vị sản xuất mộc, cơ khí, sản xuất bột sắn, làm trạm trộn… khi chưa được phép.

UBND xã yêu cầu xuất trình giấy phép xây dựng, các thủ tục giấy tờ về môi trường, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy tờ liên danh liên kết sử dụng đất có đủ điều kiện của các đơn vị nhưng ông Hoàn không trình ra được.

Quảng Ninh đón thêm khu công nghiệp Bạch Đằng nghìn tỷ với quy mô 176ha

Tháng 8/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh.

Công ty TNHH một thành viên sửa chữa ô tô Hải Phòng là nhà đầu tư. Dự án có quy mô 176,45 ha với vốn đầu tư 994.288,8 triệu đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 200.000 triệu đồng, vốn huy động từ các tổ chức tín dụng và vốn hợp pháp khác là 794.288,8 triệu đồng.

Thời gian thực hiện Dự án 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Địa điểm thực hiện Dự án tại khu vực Đầm Nhà Mạc, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư, trong đó lưu ý tiến độ thực hiện Dự án không quá 5 năm kể từ ngày ký quyết định chủ trương đầu tư, tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Công nhân liên tục ngất xỉu do ngộ độc khí tại Công ty Golden Victory Việt Nam

Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam, trụ sở tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Cụ thể, trong các ngày 14, 17 và 23/10, tại Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam đã 3 lần xảy ra ngộ độc khí khiến trên 160 công nhân phải nhập viện với các biểu hiện ho, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu.

Ngày 22/10, cơ quan chức năng đã công bố nguyên nhân khiến nhiều công nhân bị ngộ độc khí vào ngày 14 và 17/10 vừa qua. Nguyên nhân được xác định là do ngộ độc khí trong điều kiện môi trường làm việc có dung môi hữu cơ cao.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định cho biết, tại xưởng sản xuất tạm thời K1 và xưởng sản xuất X1 - nơi có công nhân bị ngất, đau đầu, buồn nôn phải nhập viện, điều kiện làm việc chưa bảo đảm. Máy móc, trang thiết bị, vị trí lao động được bố trí với mật độ quá cao. Nhất là ở xưởng X1, máy móc đặt rất sát nhau, dày đặc các giá để nguyên, phụ liệu làm giảm hiệu quả thông khí.

Để phục vụ hoạt động sản xuất da giày, công ty sử dụng nhiều loại hóa chất và dung môi hữu cơ như: cyclohexane; methyl athyl ketone; methylcyclohexane; acetone; ethyl acetate... Do đó, người lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe trong điều kiện chưa được trang bị bảo hộ thích hợp. Các dung môi, hóa chất này dễ bay hơi, phát tán ra không khí khi gặp nhiệt độ cao ở một số thiết bị sản xuất như máy ép, máy sấy.

Sau khi công bố nguyên nhân ban đầu, đại diện Công ty Golden Victory Việt Nam khẳng định, điều kiện sản xuất đã được cải thiện nên từ chiều 22/10 doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất trở lại, công nhân đã trở lại làm việc song chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu người đi làm.

Đến chiều 23/10, hàng chục công nhân của công ty này lại có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt. Đến sáng ngày 25/10, cán bộ, chiến sĩ thuộc Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) đã đến công ty này để điều tra, xác định nguyên nhân sự việc.

Được biết, công ty TNHH Golden Victory Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất da giày xuất khẩu với khoảng 7.000 công nhân.

Hà Nội lập 3 cụm công nghiệp qui mô hơn 1.000 tỉ đồng

Tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định về việc thành lập 3 Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.

Theo đó, Cụm công nghiệp Liên Hà 2, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) có diện tích 20 ha, do Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam (ô CN 6, Khu công nghiệp Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật.

Cụm công nghiệp có tổng vốn đầu tư hơn 426 tỉ đồng; trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 213,388 tỉ đồng (50%), vốn huy động và vốn vay là 213,388 tỉ đồng (50%). Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật từ quí IV/ 2019 đến quí IV/ 2021.

Cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng có Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh.

Cụ thể, Cụm công nghiệp Dục Tú có diện tích 15 ha, do Công ty CO Đông Thành Hà Nội (tổ 47, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật. Tổng vốn đầu tư hơn 336 tỉ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là101,03 tỉ đồng (30%); vốn huy động và vay của các tổ chức tín dụng là 235,75 tỉ đồng (70%).

Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật từ quí IV/2019 đến quí IV/2021.

Thứ ba là Cụm công nghiệp Thụy Lâm, xã Thụy Lâm có diện tích 17ha với ngành nghề hoạt động chủ yếu: Chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài,... Tổng mức vốn đầu tư Cụm công nghiệp khoảng 326,243 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư (30%): 97.872.900.000 đồng; Vốn huy động và vốn vay (70%): 228.370.100.000 đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Từ Quý IV/2019 đến Quý IV/2021.

Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tại 3 cụm công nghiệp được phát triển theo hướng công nghiệp sạch, phù hợp với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng; kỹ thuật cụm công nghiệp và tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.

Nhức nhối vấn nạn ô nhiễm tại KCN Tằng Loỏng

KCN Tằng Loỏng (thuộc địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), có mặt bằng khoảng 1.100 ha với gần 40 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 22.508 tỷ đồng.

Các dự án tại khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân, đồng thời đóng góp vào ngân sách tỉnh Lào Cai nhiều chục tỷ đồng, đem lại an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên đằng sau đó là những hệ lụy cực lớn về môi trường và luôn là chủ đề “nóng” tại nhiều cuộc họp của HĐND tỉnh, HĐND huyện, thậm chí là trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội những năm qua.

Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, ông Đặng Xuân Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường ở KCN Tằng Loỏng thực sự trở thành vấn đề “nhức nhối” của người dân và các cấp chính quyền.

Trước đó, năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với 3 công ty. Công ty Cổ phần DAP số 2 (Vinachem), Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai và Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm. Tổng số tiền bị xử phạt là 830 triệu đồng do không vận hành đúng quy trình công trình bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Kết quả quan trắc khí thải tại KCN Tằng Loỏng cho thấy, có một số thông số vượt quá quy định trong không khí, nước thải (khói bụi của các nhà máy; thông số TSS, BOD vượt ngưỡng trong nước thải).

Trong quá trình hoạt động một số nhà máy vẫn còn để xảy ra sự cố, rò rỉ khí thải gây tác động cộng hưởng làm ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu của người dân sống xung quanh.

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt phương án phân bổ kinh phí, nhằm di dời trên 100 hộ dân nằm trong vùng ô nhiễm của KCN Tằng Loỏng ra nơi an toàn.

Các hộ dân thuộc diện di dời tập trung tại địa bàn tổ 1, tổ 5, thị trấn Tằng Loỏng và thôn Phú Hà 1, xã Phú Nhuận của huyện Bảo Thắng. Tổng kinh phí di dời dự trù khoảng gần 130 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, áp dụng cho tổng cộng 131 hộ dân, dự kiến hoàn tất trong năm 2020. Trong năm 2018, các doanh nghiệp sở hữu nhà máy tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã góp kinh phí di dời gần 90 hộ dân ra nơi an toàn.

Rò rỉ khí độc, hàng loạt công nhân ngất xỉu ở Vĩnh Phúc

Từ chiều ngày 14/11, khi đang làm việc tại xưởng sản xuất giầy da của Công ty TNHH Lợi Tín, nhiều công nhân có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn và ngất. Tính đến sáng 17/11, 92 công nhân phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 74 người vẫn đang phải nằm viện điều trị. Trong số các công nhân bị nạn, có nhiều nữ công nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Lập Thạch đã phối hợp Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Khoa học công nghệ- Bộ Công An tổ chức điều tra xác định nguyên nhân.

Ngày 15/11, đề nghị Công ty Lợi Tín thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, đặc biệt là cải thiện môi trường lao động tại Xưởng 3, dừng ngay hoạt động của 8 máy, vì theo phản ánh của người lao động, đây là nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên.

Ngày 6/12, kết luận của Viện Hóa học Môi trường Quân sự về môi trường của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lợi Tín Lập Thạch (Vĩnh Phúc) do Sở Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp cho thấy, môi trường làm việc của công nhân có nhiều dung môi hữu cơ với nồng độ rất cao.

Theo kết luận này, tại thời điểm khảo sát (ngày 25 và ngày 26/11/2019) khi nhà máy vận hành hoạt động, khu vực sấy nóng, gia nhiệt đế giầy (đầu xưởng X1) và khu vực sơn nguyên liệu sản xuất (cuối xưởng X2) phát sinh các chất khí có mùi khó chịu.

Kết quả đo đạc, phân tích các chỉ số về chất lượng môi trường không khí trong các xưởng X1, X2, X3, X4 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lợi Tín Lập Thạch phát hiện được qua một số dung môi hữu cơ, chất ô nhiễm trong không khí gồm: Dung môi Hexan, Toluen, Axeton, MEK, Ethyl acetate, Dimethylformamit, Formandehyt, Xianua, các chỉ số này đo được vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10.10.2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động.

Phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố hàng loạt công nhân phải nhập viện, qua quá trình khảo sát, đo đạc, điều tra, đánh giá hiện trạng nhà máy trong điều kiện dùng sản xuất và vận hành sản xuất hoàn toàn các dây chuyền nhận thấy, công tác bảo đảm điều kiện môi trường làm việc của công ty còn tồn tại một số vấn đề sau:

Tại xưởng sản xuất XI: Khu vực bôi keo và sấy đế giày (5 dây chuyền) có trần nhà thấp (2,2 m), mới chỉ lắp đặt các quạt thoáng gió tại chỗ, khu vực sản xuất này có mùi dung môi, hóa chất rất khó chịu, không khí không được lưu thông, thoáng khí. Tại vị trí này, quá trình phân tích phát hiện nhiều loại dung môi hữu cơ như n-hexan, toluen ... có nồng độ rất cao.

Tại xưởng sản xuất X2: Khu vực pha mực, in lưới có mùi trong không khí rất khó chịu của dung môi hữu cơ, kết quả đo đạc, phân tích phát hiện nhiều dung môi, hợp chất hữu cơ trong đó dung môi axeton, n-hexan có nồng độ rất cao.

Khu vực này nằm ở vị trí cuối xưởng nhưng không được ngăn cách riêng biệt và chỉ có các quạt hút gió trên. nóc xưởng như các vị trí sản xuất ở các công đoạn khác.

Tại xưởng sản xuất X3: Khu vực bôi keo và sấy đế giày có trần nhà thấp (2,2 m), mới chỉ lắp đặt các quạt thoáng gió tại chỗ, khu vực sản xuất này có mùi dung môi, hóa chất rất khó chịu, không khí không được lưu thông, thoáng khí.

Dây chuyền hoàn thiện giày có thiết bị phun dung dịch bảo vệ giày, tại các vị trí này mùi dung môi hữu cơ phát tán rất khó chịu, quạt thông, hút gió không đủ để hút, thoát khí độc ra khỏi khu vực sản xuất.

Khu vực in lưới sau xưởng sản xuất X4 cũng có hiện tượng mùi trong không khí rất khó chịu của dung môi hữu cơ, kết quả đo đạc, phân tích phát hiện nhiều dung môi, hợp chất hữu cơ trong đó dung môi cũng phát hiện với nồng độ cao của Ethyl acetate, axeton, n-hexan. Khu vực này có nhà xưởng riêng biệt, tuy nhiên công ty mới lắp đặt một số quạt thông gió trực tiếp ra ngoài môi trường.

Được biết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lợi Tín Lập Thạch có 100% vốn đầu tư nước ngoài, người đại diện hợp pháp có quốc tịch Đài Loan. Tổng số sử dụng là 4.200 lao động.

Nổ nhà máy Lilama khiến 6 người thương vong

Chiều ngày 12/12 tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama của Tổng Công ty cổ phần lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần Lilama 69-3, xảy ra vụ nổ bình ôxy lỏng khiến 6 người thương vong.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Lilama 69/3 cho thấy, thời điểm xảy ra vụ nổ, tổ chế tạo gia công thiết bị thuộc phân xưởng cơ khí số 2 do ông Phạm Mạnh Cường (SN 1982) làm tổ trưởng triển khai thực hiện công việc lắp ráp các trục vào vòng bi chân đế của cấu kiện. Nhóm làm việc gồm 7 người thực hiện nhiệm vụ lắp ráp 4 trục thép vào các vòng bi của cấu kiện. Trong quá trình thao tác đã xảy ra cháy nổ tại khu vực thi công làm nhiều công nhân bị tai nạn.

Dư luận đặt câu hỏi, việc sử dụng bình oxy hóa lỏng trong thao tác trên của các công nhân có đúng với tiêu chuẩn hiện hành quốc gia “TCVN” và các tiêu chuẩn an toàn, bảng dữ liệu an toàn quốc tế? Nếu thực hiện không đúng dẫn đến sự cố thì trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ nổ bình Oxy hóa lỏng tại Nhà máy chế tạo thiết bị Lilama 69/3 đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là khiến 2 người chết, 4 người bị thương.

Do vậy, đối với tính chất nghiêm trọng nêu trên, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng tiến hành xác minh, điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ là gì? Đây là một tai nạn bất ngờ do yếu tố khách quan hay là do con người? Có hay không sự thiếu trách nhiệm, chủ quan lơ là của những người trực tiếp tiếp cận với bình ô xi hóa lỏng để dẫn đến gây nổ? Đối với công việc có tính rủi ro nêu trên thì nhà máy có trang bị đầy đủ cho người lao động để đảm bảo điều kiện an toàn lao động hay không?

Sau sự cố nổ bình o-xy xảy ra tại nhà máy chế tạo thiết bị Lilama thuộc công ty CP Lilama 69-3 trụ sở tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) khiến 5 người thương vong, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an đã vào cuộc, lấy mẫu giám định, làm rõ vụ việc.

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện khu công nghiệp nổi bật nhất năm 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới