Thứ tư, 24/04/2024 19:59 (GMT+7)

Không khí ở Hà Nội có thực sự ô nhiễm như Bắc Kinh?

MTĐT -  Thứ tư, 31/01/2018 10:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, ô nhiễm không khí tại Hà Nội dần nghiêm trọng ngang với Bắc Kinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, Bắc Kinh ô nhiễm kinh khủng hơn nhiều.

Chất lượng không khí ở Hà Nội có tới 257 ngày vượt tiêu chuẩn WHO

Ngày 30/1, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) phối hợp Trung tâm Sống và học tập vì môi trường tổ chức hội thảo “Chất lượng không khí năm 2007: Hiện trạng và giải pháp”, nhằm thảo luận về những nỗ lực và giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

GreenID đã đưa ra báo cáo cho biết, số liệu trạm đo tại Láng Hạ (Hà Nội) của Đại sứ quán (ĐSQ) Mỹ, năm 2017, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thủ đô có 103 ngày ở ngưỡng trung bình, 14 ngày vượt quy chuẩn quốc gia, 257 ngày vượt quá tiêu chuẩn WHO.

Còn tại TP. HCM chỉ có 87 ngày chỉ số chất lượng không khí trung bình, 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia, 222 ngày vượt quá tiêu chuẩn WHO.

Ô nhiễm không khí chủ yếu là do hoạt động giao thông.

Tổ chức này cho biết đã đặt máy đo chất lượng không khí trong nhà tại 4 điểm ở Hà Nội gồm: phố Trần Thái Tông, Hà Đông, Khương Đình và Cầu Diễn.

Kết quả cho thấy, chỉ số chất lượng không khí nhiều lần vượt ngưỡng “nguy hiểm”- ở mức nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, đặc điểm thời tiết mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm giảm sự phát tán của bụi và chất ô nhiễm.

Thêm vào đó, các hoạt động sinh hoạt của người dân để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán diễn ra mạnh mẽ hơn cũng góp phần vào ô nhiễm không khí trong thành phố.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID, phân tích thực trạng chất lượng không khí của Hà Nội nhìn chung đang nghiêm trọng hơn TP. HCM. Song, nếu so sánh giữa năm 2016 và 2017 thì chất lượng không khí tại Hà Nội dần cải thiện, còn TP. HCM đáng báo động hơn.

GreenID cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội dần nghiêm trọng ngang với Bắc Kinh (Trung Quốc). Tuy nhiên, ông Hoàng Dương Tùng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lại cho rằng ô nhiễm của Bắc Kinh kinh khủng hơn nhiều.

“Chất lượng không khí phụ thuộc vào từng thời điểm. Tôi nghĩ kết quả đó có thể chỉ là lời cảnh báo thôi”, ông Tùng nhận xét.

Ông Hoàng Dương Tùng cho biết ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn phát thải như nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản, phương tiện giao thông; bụi từ công trình xây dựng và ảnh hưởng các đợt không khí lạnh.

Phía GreenID, nghiên cứu viên Nguyễn Thị Anh Thư thừa nhận chỉ số của một trạm đo của ĐSQ Mỹ ở Láng Hạ "không thể chắc chắn" phản ánh tình trạng ô nhiễm của cả thành phố Hà Nội song mang tính cảnh báo vì không khí có tính phát tán.

Bắc Kinh từng báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm.

Bà cũng cho biết, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội, TP. HCM thấp hơn nhiều nếu so với New Delhi, Mumbai (Ấn Độ), nhưng chỉ số này gần tương đương ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Khó cải thiện chất lượng không khí

Báo cáo của GreenID cũng chỉ trích việc thiếu các quy định trong vấn đề chất lượng không khí, sự thiếu hiểu biết của người dân về vấn đề và các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động.

Hiện chất lượng không khí tại Hà Nội còn kém hơn thủ đô Jakarta của Indonesia. Báo cáo kết luận tình hình khó có thể cải thiện nếu Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than.

Bà Alisa, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm mình cho biết, người lao động có quyền được biết tình trạng môi trường nơi làm việc, nơi ở ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, nên chính quyền Mỹ đã đặt các trạm quan trắc để công khai đưa ra các giá trị chỉ số chất lượng không khí.

Các giải pháp được khuyến cáo nhiều như sử dụng nhiên liệu sạch hơn và hiệu quả hơn; thiết kế nhà thông thoáng, trồng cây xanh, giữ trẻ nhỏ tránh xa khói, hạn chế các hoạt động với cường độ cao, sử dụng máy lọc không khí; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để gửi thông tin cho người dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao.

Việc đưa các chỉ số chất lượng không khí để khuyến cao người dân cũng là một cách gây sức ép cho các nhà quản lý.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho rằng, trước mắt cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thải của 4 ngành chính là nhiệt điện chạy than, xi măng, thép, hóa chất do các ngành này đóng góp 80% lượng khí thải từ các nguồn điểm; công khai dữ liệu thông tin quan trắc khí thải; triển khai từng bước kiểm soát khí thải xe máy tại Hà Nội và TP. HCM; triển khai các biện pháp kỹ thuật để theo dõi, giám sát các công trình xây dựng nhà cao tầng, hạ tầng giao thông…

Trung Quốc đang phải trả giá ngày càng đắt về môi trường và sức khỏe con người cho những năm tháng tìm mọi cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh nhất có thể. Đất nước này đã phải đưa ra mức "báo động đỏ" vì ô nhiễm môi trường tại Thủ đô Bắc Kinh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Không khí ở Hà Nội có thực sự ô nhiễm như Bắc Kinh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.