Thứ sáu, 19/04/2024 08:15 (GMT+7)

Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt

Xuân Hòa -  Thứ năm, 09/05/2019 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong nhiều chỉ đạo của mình, người đứng đầu Chính phủ kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Những ngày qua, dư luận xã hội quan tâm đến công văn của công an Hà Tĩnh gửi UBND tỉnh này đề cập đến một số nội dung liên quan đến việc xử lý chất thải của công ty Formosa. Trong công văn của Công an Hà Tĩnh nêu rõ, quá trình hoạt động của Dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là trên 33 triệu tấn.

Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chính thức lên tiếng xung quanh công tác quản lý, giám sát chất thải đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh FHS.

Sự cố môi trường biển khiến nhiều loại cá chết dạt vào bờ.

Theo đó, từ tháng 7/2016 đến nay, TN&MT đã thành lập Tổ giám sát liên ngành, thành phần gồm: Tổng cục Môi trường, đại diện một số đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành của tỉnh Hà Tĩnh, một số Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, và các cơ quan khoa học của Việt Nam.

Tổ giám sát có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của FHS; đôn đốc FHS khẩn trương khắc phục các tồn tại và hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo cam kết, đảm bảo chất thải được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam (QCVN). Đồng thời cải tiến công nghệ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tổ giám sát đã cử bộ phận thường trực của tỉnh Hà Tĩnh hàng ngày có các cán bộ có mặt tại nhà máy để giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của FHS; định kỳ và đột xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát. Từ năm 2016 đến nay đã triển khai 13 đoàn giám sát công tác bảo vệ môi trường tại FHS.

“Tính đến cuối tháng 5/2017, FHS đã khắc phục xong các tồn tại, đã hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế”- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Cũng theo công văn của bộ này, hiện nay, các dòng nước thải sinh hoạt, sinh hoá và công nghiệp đã được xử lý đạt QCVN ở các Trạm xử lý nước thải cục bộ của FHS sau khi qua hệ thống hồ sinh học tiếp tục được xử lý, cải thiện tốt hơn trước khi xả ra biển, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Riêng việc chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, FHS đã lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô (CDQ) của Nhật Bản để thực hiện. Hệ thống CDQ số 1 đã hoàn thành và tiến hành nạp cốc để vận hành thử nghiệm từ ngày 17/3/2019; hệ thống CDQ số 2 đã cơ bản hoàn thành, dự kiến vận hành trong tháng 6/2019 theo đúng thời hạn đã cam kết.

Các cơ quan chức năng cần giám sát nghiêm các nhà máy, cá dự án có liên quan để bảo vệ môi trường. Tránh trường hợp, nơi có nơi không sẽ không đảm bảo yêu cầu phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường chia sẻ, Báo cáo của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường năm 2012 nêu rõ, trong 10 năm nữa, nếu không quan tâm tới phát triển môi trường, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất 3% GDP.

“Chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt nếu không có những biện pháp quyết liệt, nhất quán, cái nhìn dài hạn để khai thác hợp lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm hiệu quả, để giữ gìn tài nguyên, bảo vệ môi trường cho cả chúng ta và các thế hệ con cháu mai sau”, GS.TS Nguyễn Việt Anh nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế một cách bền vững là hướng đi đúng và hiệu quả.

Chính phủ trong những năm qua cũng có quan điểm nhất quán trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Trong Hội nghị của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  đánh giá cao vai trò của Bộ TN&MT trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Nhìn nhận về vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nguyên ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dường như trong phát triển kinh tế hiện nay, người gây ra ô nhiễm thì được lợi về kinh tế, còn người không được lợi về kinh tế ấy thì lại gánh chịu hậu quả rất là lớn.

Theo bà An, phát triển bền vững phải dựa trên ba tiêu chí trụ cột gồm môi trường, xã hội, kinh tế. Mục tiêu xuyên suốt trong phát triển bền vững là vấn đề bảo vệ môi trường đặt lên hàng đầu. Hiến pháp cũng quy định rõ người dân được quyền sống trong môi trường trong lành.

Chúng ta kêu gọi đầu tư, nhưng lợi ích của người dân, của Nhà nước và doanh nghiệp phải đảm bảo hài hòa. Nguyên tắc là không đặt lợi ích của bên nào lên trên. Vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường là bài toán khó. Nhưng vẫn phải đảm bảo ưu tiên vấn đề môi trường. Bởi người dân sống trong môi trường ô nhiễm thì kinh tế tăng trưởng, phát triển thế nào cũng không đủ chi phí để khám chữa bệnh…

“Vấn đề ở đây là người lãnh đạo, đứng đầu địa phương. Có thể lúc đầu dự án đi vào hoạt động chưa bộc lộ ngay vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng khi đi vào hoạt động có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường, như thế thì cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải xử lý, có biện pháp ngay. Chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ là về kinh tế mà còn là sống trong môi trường trong lành. Mục tiêu là ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm được”- bà Bùi Thị An nói. 

Bạn đang đọc bài viết Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.