Thứ năm, 25/04/2024 01:45 (GMT+7)

Hỗ trợ nhiều hơn cho người thu gom rác dân lập

MTĐT -  Thứ năm, 26/09/2019 15:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức cuộc trao đổi về hiệu quả hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập khi tham gia vào hợp tác xã (HTX) hoặc chuyển đổi lên công ty, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Theo Người lao động, hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TP HCM được thu gom bởi lực lượng rác dân lập với 5 loại hình gồm: tổ lấy rác dân lập, nghiệp đoàn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã vệ sinh môi trường và những người hoạt động tự do. Người lao động làm việc tại các đường dây rác qua 3 hình thức: làm chủ, làm công ăn lương và vừa làm chủ đường dây rác vừa trực tiếp thu gom.

Những người trực tiếp thu gom rác dân lập không có ngày nghỉ và mỗi ngày làm việc trung bình hơn 9 giờ lao động, với thu nhập khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Do làm việc trong môi trường độc hại nên người thu gom rác thường mắc các bệnh như: khớp, sốt xuất huyết, cảm cúm, da liễu, viêm phổi/phế quản và các bệnh về da liễu.

Dù công việc nặng nhọc, độc hại nhưng chỉ có 13,7% số người được khảo sát cho biết có đi khám tổng quát hàng năm, những người làm việc dưới 10 năm thường ít quan tâm về sức khỏe. Báo cáo cho thấy 75% người làm công không có bảo hiểm y tế hộ gia đình vì không có tiền, không biết cách mua và không có hộ khẩu, tạm trú tại TP HCM. Người thu gom rác nhận thức tốt về trang bị bảo hộ lao động như đi ủng, đeo bao tay, khẩu trang trong quá trình thu gom. Tuy nhiên, con số 94,6% số người thu gom rác bị chảy máu tay chân ở mức độ thường xuyên là điều đáng báo động bởi đa số không mua bảo hiểm tai nạn lao động.

Bà Nguyễn Minh Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 4 kiến nghị để nâng cao năng lực, nhận thức của người thu gom rác về các vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể: chuyển đổi mô hình hoạt động thu gom rác dân lập từ cá nhân sang các pháp nhân như hợp tác xã, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cuộc sống người thu gom rác qua việc tăng mức phí thu gom rác thải sinh hoạt; tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tiếp cận an sinh xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; tổ chức các diễn đàn vận động chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự gắn kết, chia sẻ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ hệ thống chính sách đến thực tiễn.

Theo Pháp luật TP. HCM, để tăng hiệu quả hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập khi tham gia vào HTX,  Sở TN&MT TP.HCM đã lắng nghe ý kiến của đại diện các HTX, công ty về các mô hình hoạt động hiệu quả, cũng như những khó khăn để có cơ sở để báo cáo UBND TP và có những điều chỉnh phù hợp.

Cần có chế độ tốt cho người dân

Đại diện nhiều HTX ý kiến rằng nếu muốn việc chuyển đổi mô hình hoạt động lên HTX hoặc công ty có hiệu quả thì cần phải chăm lo tốt đời sống các thành viên và mở rộng ngành nghề giúp tăng thu nhập, từ đó những người thu gom rác dân lập thấy được lợi ích.

Theo ông Lý Văn Hoà (Chủ nhiệm HTX Bảo Tín, huyện Hóc Môn), vận động được anh em thu gom rác dân lập vào HTX là thành công lớn. Khi vào HTX, họ được tham gia BHYT, mỗi dịp lễ/tết xã viên đều nhận được quà, nghỉ dưỡng, tham quan... Đồng thời, để đảm bảo đời sống của thành viên không bị xáo trộn, khi gia nhập HTX, chúng tôi chủ trương giữ nguyên số hộ thu gom rác trước đó của các xã viên nên họ rất hài lòng.

Hiện nay vẫn còn nhiều phương tiện thu gom rác chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Ngoài ra, tại cuộc họp trao đổi này, nhiều đại diện HTX đã bày tỏ một số khó khăn, trong đó khó khăn nổi bật nhất là vấn đề chuyển đổi phương tiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (đại diện HTX Nhơn Phú, quận 9) cho biết, năm 2019 thành phố có chủ trương chuyển đổi phương tiện thu gom rác và hiện HTX Nhơn Phú vẫn đang mua xe mới để thay thế. Tuy nhiên, khó khăn nhất  hiện nay là các xã viên có nhu cầu chuyển đổi phương tiện nhưng chưa thể tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ Môi trường TP.HCM.

 Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (đại diện HTX ở huyện Nhà Bè) cũng chia sẻ, huyện Nhà Bè hiện cũng đã tiến hành chuyển đổi phương tiện, làm hồ sơ gửi lên Quỹ Bảo vệ Môi trường TP.HCM rồi. Tuy nhiên, hiện một số xã viên gặp khó khăn vì không có hộ khẩu ở TP.HCM nên chưa thể vay vốn để thay đổi phương tiện thu gom rác được.

Người dân có quyền chọn đơn vị thu gom rác

Tại cuộc họp, ông  Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MTTP.HCM) thông tin về một số nội dung của QĐ số 12/2019/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo đó, người dân được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom rác. Cụ thể, trường hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đúng thời gian, tần suất, không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh như thỏa thuận trong hợp đồng thì cá nhân, hộ gia đình có quyền phản ánh cho tổ trưởng tổ dân phố. Sau đó, sẽ tổng hợp báo cáo gửi UBND phường, xã, thị trấn để nhắc nhở, kiểm điểm chủ thu gom, vận chuyển.

Trong trường hợp có trên 20% cá nhân, hộ gia đình trong tuyến thu gom có ý kiến phản ánh và UBND phường, xã, thị trấn đã nhắc nhở hơn 1 lần/tháng thì UBND phường, xã, thị trấn tiến hành tổ chức lấy ý kiến. Kết quả tổng hợp sẽ làm cơ sở để thay đổi chủ thu gom, vận chuyển. Phương án chọn lựa sau đó sẽ theo ý kiến đa số của người dân.

Ứng Chi (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Hỗ trợ nhiều hơn cho người thu gom rác dân lập. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành