Thứ năm, 25/04/2024 18:13 (GMT+7)

HĐND TP Hồ Chí Minh: Nóng vấn đề rác thải

MTĐT -  Thứ sáu, 12/07/2019 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bức xúc với vấn nạn ô nhiễm môi trường, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) đề nghị xử phạt nghiêm khắc người vứt rác bừa bãi bằng hình thức lao động công ích.

Theo TTXVN, ngày 12/7, kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 bước vào ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra nhiều vấn đề dân sinh đang khiến dư luận bức xúc để chất vấn lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Cần xử lý nghiêm

Nhiều đại biểu dành thời gian phân tích, mổ xẻ nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ô nhiễm môi trường trong thành phố. Đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) cho biết, công tác xử lý và thu gom rác hiện nay của TP Hồ Chí Minh còn nhiều bức xúc. Cụ thể, mỗi ngày thành phố thải ra hàng chục tấn rác và giải pháp xử lý phổ biến đang áp dụng hiện nay là chôn lấp.

Đại biểu Trần Quang Thắng than thở về việc rác thải tràn ngập đường phố, ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị văn minh mà TP.HCM đang xây dựng. Ảnh: Lê Quân.

Tuy nhiên, giải pháp này không hiệu quả cho không khí và nguồn nước. Việc tràn nước từ rác gây thiệt hại về hoa màu cho các hộ dân xung quanh và phát sinh mùi hôi từ bãi rác Đa Phước, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giuộc – tỉnh Long An. Vì vậy, thành phố cần chọn giải pháp xử lý rác thải một cách hiệu quả nhằm giữ gìn tốt vệ sinh môi trường.

“Đối với việc doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm, chúng ta cần xử phạt thật nặng. Trước tiên, để nâng cao ý thức người xả rác thải; thứ hai là răn đe những DN khác không vi phạm. Đối với người dân, khi xả rác thải cũng cần có chế tài xử phạt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị.

Qua đây, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) cũng đề xuất nhiều giải pháp như sử dụng xe điện, tăng cường phương tiện công cộng trên địa bàn. 

“TP cần biến hành động của người dân thành thói quen bằng cách phạt nguội, bắt lao động công ích. Ví dụ người vứt 1 kg rác ra đường thì phải thu gom 10 kg. Tiền xử phạt có thể dùng để trả lương cho cán bộ theo dõi”, đại biểu quận 8 đề nghị.

Theo Zing, tán thành, ông Vũ Thanh Lưu, đại biểu quận 8, yêu cầu TP thắt chặt giám sát vấn đề xả rác. Qua kiểm tra, đại biểu Lưu nhận thấy các địa phương hầu như không xử phạt hành vi xả rác. Do đó, dù TP ra sức kêu gọi nhưng người dân vẫn thờ ơ.

"Cảnh sát khu vực cần vào cuộc để tăng cường xử lý hành vi xả rác bừa bãi", ông đề nghị.

Ông Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Trả lời vấn đề xử phạt khi xả rác thải ra môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ TN-MT điều chỉnh quy định để xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Hiện việc theo dõi, trích xuất dữ liệu qua camera để xử phạt hành vi xả rác đang được sở xây dựng tiến hành theo quy trình và Sở Tư pháp đang tham mưu thẩm định.

Loay hoay phân loại rác tại nguồn

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ chiều 11/7, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cũng bày tỏ sự thất vọng về tiến độ thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chịu trách nhiệm triển khai.

“Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỷ lệ phân loại rác với người dân phải đạt tối thiểu 50%. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chỉ là thí điểm. Mà từ thử nghiệm đến thực tế triển khai là một khoảng cách rất xa”, đại biểu quận 3 nói.

Ông Nhựt yêu cầu Sở TNMT giải trình về tiến độ thực hiện dự án và kế hoạch hoàn thiện chỉ tiêu mà HĐND đặt ra.

Đại biểu Trương Trung Kiên (quận Tân Phú) cho biết qua khảo sát toàn bộ 24 quận, huyện, HĐND chưa thấy Sở tiến hành triển khai trên diện rộng.

“Một quận, huyện chỉ triển khai được ở vài khu phố trong phường, xã. Tỷ lệ như vậy là rất nhỏ so với Nghị quyết HĐND đề ra. Đề nghị Sở làm rõ và giải quyết nhanh chóng để đảm bảo đạt được mục tiêu”, ông Kiên nêu ý kiến.

Đại biểu Võ Văn Tân cho rằng thời gian qua, vấn đề xử lý, phân loại và thu gom rác tại nguồn hiện nay còn chưa tốt. Nhiều đường dây rác dân lập chưa được UBND phường, xã, thị trấn quản lý chặt, dẫn đến việc họ muốn làm gì thì làm.

“Vừa qua, thành phố đã ban hành quy định về phân loại rác thải – rác thải phân hủy và không phân hủy. Đây là điều kiện tiền đề để xây dựng nhà máy xử lý rác phân hủy thành phân bón hữu cơ sử dụng cho nông nghiệp, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu để tái chế sản phẩm cho các ngành sản xuất khác.

Vì thế, cần quản lý chặt rác thải phân lại tại nguồn thì việc xử lý rác mới đạt hiệu quả về lâu dài, có như vậy mới xây dựng một thành phố xanh đang hướng đến”, đại biểu Võ Văn Tân kiến nghị.

Theo Zing, trả lời các đại biểu tại phiên thảo luận toàn thể sáng 12/7, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết Sở đã tổ chức nhiều buổi họp để triển khai dự án phân loại rác và ban hành chính sách phân cấp về địa phương. Sở hứa sẽ hoàn thành tiến độ dự án như HĐND đã giao phó.

Năm 2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.­ Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ các hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định đạt tối thiểu 50%, tăng dần vào các năm tiếp theo và đạt tối thiểu 80% vào năm 2025.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết HĐND TP Hồ Chí Minh: Nóng vấn đề rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.