Thứ sáu, 19/04/2024 21:09 (GMT+7)

Hải Dương: Nhà máy gạch CN Cầu Đáy gây ô nhiễm môi trường?

Sơn Hồng - Tiêu Diệp -  Thứ năm, 14/02/2019 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không cung cấp được ĐTM, cam kết BVMT, hệ thống PCCC tạm bợ; khu lưu giữ, thu gom chất thải nguy hại tuềnh toàng, hệ thống phun sương không hoạt động… là vấn đề tại Nhà máy gạch CN Cầu Đáy.

Người dân bức xúc vì khí thải nhà máy

Theo thông tin người dân xã Lê Lợi (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cho biết, nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy (Công ty cổ phần thương mại đầu tư và xây dựng Đồng Tâm) mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn đã gây ra nhiều hệ lụy cho người dân.

Cụ thể, thời gian, tần suất hoạt động của nhà máy tăng ca liên tục cả ngày lẫn đêm khiến khí thải, nước, bụi, tiếng ồn cùng việc vận chuyển gạch, đất, than… không đảm bảo quy trình gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất là diện tích trồng hoa màu. Tình trạng thối hoa, lá úa, bụi, tiếng ồn khiến đời sống và thu nhập của người dân ảnh hưởng nặng nề.

Nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy nằm giữa vựa hoa màu lớn nhất Hải Dương.

Người dân cho biết, hàng ngày, vô số “siêu xe quá tải” chạy ầm ầm được chở đất, than, gạch ra vào liên tục trong nhà máy khiến bụi bay mù mịt, đất, than rơi vãi ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đa phần các xe cơi thùng, nâng thành che đậy qua loa bằng vải rách, bạt mỏng nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Phóng viên quan sát thấy, hiện nay, nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy nằm giữa cánh đồng thôn Bùi Thượng, bao quanh là vựa hoa màu được người dân quanh năm trồng lúa, súp lơ, xu hào, cải bắp... Ba mặt giáp đất nông nghiệp, một mặt giáp đường tỉnh 393 (đoạn đầu Cầu Đáy).

Nhưng, từ khi nhà máy gạch đi vào hoạt động, khói bụi từ việc sản xuất, vận chuyển đã ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của rau màu.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, cô N.T.T (giấu tên) cho biết: “Nhà máy mới đi vào hoạt động nhưng khí thải, bụi thải từ nhà máy xả ra môi trường bám chặt trên lá, hoa, thân cây, khiến hoa màu chết yểu không tự thụ phấn mất trắng gia tài, nhiều loại xe tải “siêu trường, siêu trọng”chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi cũng chẳng dám ý kiến nhiều vì đa phần con em ở xã đều làm việc cho nhà máy”.

Mặc bảo hộ lao động là ép công nhân!

Để rộng đường dư luận, phóng viên có buổi làm việc trực tiếp cùng ông Lương Văn Tình – Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy.

Trước phản ánh của người dân xã Lê Lợi cùng câu hỏi phóng viên đặt ra, ông Lương Văn Tình cho rằng: “Hoa màu vẫn xanh bát ngát, chúng tôi làm theo công nghệ mới, đồng thời mới bổ sung công nghệ gắp gạch bằng robot, sử dụng thiết bị máy móc hiện đại nhất từ Trung Quốc. Chúng tôi đảm bảo không còn khói ra môi trường”.

Toàn bộ công nhân làm việc tại nhà máy gạch Cầu Đáy không mặc bảo hộ lao động.

Nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp đối chiếu các chỉ số so với các cam kết ban đầu, ông Tình lại một mực từ chối và cho biết: “Toàn bộ hồ sơ đánh giá tác động môi trường, đề án cam kết BVMT, biên bản kiểm tra, hồ sơ thiết kế Nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy đều để trên Hà Nội giữ. Ở đây, chúng tôi không thể cung cấp giấy tờ gì, vì chỉ là đơn vị sản xuất”.

Đại diện Nhà máy gạch Cầu Đáy chỉ cung cấp duy nhất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuê Công ty cổ phần.

Ngoài ra, trong toàn bộ quá trình ghi nhận, mặc dù các công đoạn sản xuất gạch tuynel được xếp vào loại độc hại, chất đốt có thể gây ung thư, nhưng mặc nhiên công nhân không có bất kỳ trang bị bảo hộ lao động nào.

Với vai trò là người sử dụng lao động, ông Tình cho biết một năm công ty phát cho công nhân 2 áo, nhưng công nhân mang về nhà cất đi. Ngoài ra, ông Phó Giám đốc phụ trách còn đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết của công nhân không chú trọng bảo hộ lao động và biện ra nhiều lý do. “Dù mức lương trung bình của công nhân rơi vào khoảng 6- 9 triệu đồng nhưng ép công nhân quá, họ lại xin nghỉ”.

Nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy được UBND tỉnh Hải Dương trực tiếp phê duyệt nhưng lại không hề đưa ra bất kỳ những quy định nào liên quan đến bảo hộ lao động. Đó có phải là sự thiếu chuyên nghiệp của công ty, thiếu tôn trọng quyền của người lao động, vi phạm luật lao động?

Trước vấn đề này, Môi trường và Đô thị Việt Nam cũng có cuộc trao đổi nhanh cùng ông Lê Đình Dũng – Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lộc. Vị này khẳng định: “Đầu năm vừa rồi Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương cũng đã xuống kiểm tra, nhưng huyện vẫn chưa nhận được được biên bản hay văn bản kiểm tra, chưa thấy gửi văn bản về cho phòng TN&MT huyện Gia Lộc.

Tôi đang yêu cầu Chi cục Môi trường gửi các tài liệu và hồ sơ liên quan đến Nhà máy gạch công nghệ mới Cầu Đáy để phòng Tài nguyên & Môi trường huyện nắm bắt”, ông Dũng cho biết thêm.

Cam kết bằng miệng?

Ghi nhận nhanh tại nhà máy có 2 điểm được lắp bình chữa cháy nhưng rất sơ sài, tạm bợ, bình xịt hoen gỉ. Thế nhưng, ông Tình khẳng định hệ thống PCCC của nhà máy gạch đã được nghiệm thu nhưng doanh nghiệp vẫn chưa nhận được giấy tờ thẩm định từ PCCC tỉnh Hải Dương (?). Thực hư câu chuyện đã được nghiệm thu này như thế nào, trong khi nhà xưởng có diện tích rộng hàng chục ha chỉ có vẻn vẹn 2 bình chữa cháy?

Đáng chú ý là khu tập trung lưu giữ, thu gom và xử lý chất thải nguy hại được thông khoang, tuềnh toàng, việc ngăn cách các khu khác chỉ bằng lưới B40, không hề có sự che chắn đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Chất thải, dầu tràn thấm trực tiếp ra bên ngoài.

Dù giải thích rằng đầu tháng đều có công ty An Sinh đến thu gom và xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên, ông Tình lại tỏ ra bối rối trước báo chí khi không hề có hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc này.

Những hồ sơ như đề án bảo vệ môi trường, quy trình vận hành, xử lý sự cố, quan trắc môi trường hàng quý/ năm, cam kết bảo vệ môi trường … ông Tình hứa sẽ cung cấp sau. Đến nay đã hơn 3 tháng, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp.

Ngoài ra, khẳng định nhà máy có hệ thống phun sương, vùng cây xanh để giảm bụi và tiếng ồn. Những thực tế hệ thống phun sương không hoạt động, cây mang tính chất trồng chống đối khác xa so với cam kết của công ty. Dường mọi lời hứa hẹn vẫn chỉ nằm trên “miệng”?.

Tại sao một doanh nghiệp dù đã bị kiểm tra nhiều lần nhưng vấn bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng của người lao động vẫn mặc nhiên tồn tại mà không hề bị xử lý?

Việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường khiến hoa màu của người dân bị hư hỏng suốt thời gian dài sao chính quyền không hề hay biết?

Dư luận đặt ra dấu hỏi về việc UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho nhà máy sản xuất gạch tuynel nằm giữa vùng quy hoạch hoa màu của tỉnh?

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Trước khi dự án được triển khai thực hiện, ông Phạm Quang Hưởng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc cho rằng có thể chấp nhận cho doanh nghiệp xây nhà xưởng, bãi tập kết gạch thành phẩm trên diện tích gần 6,4 ha, còn việc quy hoạch hơn 18 ha làm vùng nguyên liệu cần phải xem xét lại.

Bởi đã lường trước được hậu quả nặng nề sau đầu tư triển khai dự án, có thể tiền thu được từ sản xuất gạch không thể bù lại được nguồn tài nguyên đất cũng như hậu quả về môi trường để lại sau đó.

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Nhà máy gạch CN Cầu Đáy gây ô nhiễm môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...