Thứ sáu, 29/03/2024 19:53 (GMT+7)

Điều gì khiến Nhật Bản trở nên xanh-sạch-đẹp như hiện nay?

MTĐT -  Thứ tư, 13/06/2018 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những sáng chế về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải tại Nhật Bản luôn khiến thế giới phải nể phục. Điều đó đã giúp Nhật Bản trở thành đất nước “xanh-sạch-đẹp” khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Không giống nhiều nước trên thế giới, Nhật Bản không có quy định pháp luật về việc cấm sử dụng các loại bao bì đựng hàng sử dụng 1 lần hay có chế tài xử phạt hoặc việc khuyến nghị hạn chế sử dụng các túi nhựa cũng rất hiếm hoi, nhưng đất nước này lại có những quy định hết sức ngặt nghèo về phân loại rác thải để tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế rác thải.

Chính quyền địa phương ở các tỉnh và thành phố của Nhật Bản đều có quy định riêng về cách thức người dân tự phân loại rác theo từng danh mục cụ thể.

Ngoài ra, mỗi loại rác thải lại được thu gom theo quy định của từng ngày trong tuần. Công tác phân loại khoa học được thực hiện ngay tại nhà dân như vậy đã giúp cơ quan môi trường Nhật Bản tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức người trong quá trình xử lý rác thải.

Theo Viện quản lý rác thải nhựa, hơn 1/5 lượng rác thải nhựa đã được tái chế tại Nhật Bản và phần lớn số rác thải nhựa còn lại được tái sử dụng như nguyên liệu đốt hoặc tổng hợp điện năng... Khoảng 10% rác thải được xử lý theo hình thức thiêu hủy và chưa đến 10% lượng rác thải nhựa được chôn vùi.

Rác thải tại Nhật được phân loại rất nghiêm ngặt. Ảnh: Internet.

Thế nhưng để có được như ngày hôm nay, Nhật Bản cũng đã từng đối mặt với rất nhiều vấn đề trong việc xử lí rác. Vấn đề lớn nhất là thiếu đất để chôn rác.

Kể từ thập niên 60 của thế kỉ XX, Nhật Bản đã nhận ra rằng với dân số ngày càng đông và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết rác thải thì sớm muộn Nhật Bản sẽ phải sống trong bể rác.

Theo thống kê của Waste Atlas, mỗi năm trung bình một người Nhật thải ra tới 356,2 kg rác. Với dân số rơi vào khoảng 127 triệu người, thì tổng cộng trên toàn nước Nhật sẽ có khoảng 45 triệu tấn rác mỗi năm, đứng thứ 8 trên thế giới.

Với số lượng rác thải lớn như vậy, mà Nhật Bản lại không hề có chỗ để chôn rác. Vì vậy, họ phải xây dựng một hệ thống xử lý rác quy củ, trong đó quan trọng nhất chính là giáo dục người dân có ý thức phân loại rác.

Có thể nói, việc phân loại rác ở Nhật được quy định vô cùng nghiêm ngặt. Rác tại Nhật được phân chia tới 4 loại rác chính là: Rác cháy được, rác không cháy được, rác ngoại cỡ và loại cuối cùng bao gồm các chai lọ thủy tinh, vỏ lon.

Cùng với việc phân loại rác, người Nhật sẽ còn phải tuân theo một số quy định nghiêm ngặt khác trong quá trình xử lý rác:

Rác cháy được

Người dân bắt buộc phải bỏ vào trong túi và buộc lại. Các loại rác nhà bếp đều phải vắt sạch nước, bọc giấy báo rồi mới được phép cho vào túi rác.

Gỗ vụn, cành cây trong vườn phải được cắt ngắn với kích cỡ nhỏ hơn 50cm. Ngoài ra, các loại giấy vụn bỏ đi thì chỉ cần buộc lại, không cho vào túi nhưng không được phép vứt vào ngày trời mưa.

Rác không cháy được

Các loại rác không cháy được phải được đựng trong các túi nhựa trong suốt. Các vỏ chai nhựa rỗng phải được tháo nắp, gỡ mác, rồi cho vào một túi riêng biệt.

Trong đó các chai làm bằng nhựa PET (Polyethylene terephthalate) còn phải được rửa sạch và giẫm bẹp trước khi cho vào túi. Phần nhãn mác và nắp chai sẽ được phân vào loại "rác cháy được".

Ngay cả những chai nhựa bỏ đi cũng được làm sạch như thế này. Ảnh: Internet.

Rác ngoại cỡ

Khi muốn bỏ những loại rác ngoại cỡ như giường, tủ, ghế,… người dân phải gọi điện trước đến để thông báo với công ty xử lý rác thải và phải tốn một khoản phí từ 1.600 yên đến trên 5.000 yên Nhật (khoảng 300.000 đến gần 1 triệu đồng).

Những loại rác thải ngoại cỡ. 

Chai thủy tinh

Còn đối với các loại chai thủy tinh, vỏ hộp nhôm, thiếc, người dân phải vứt vào thùng rác. Các loại lọ xịt có hóa chất độc hại cần phải đục lỗ để thoát hơi và làm sạch.

Rác thải độc hại

Các loại rác độc hại như pin, nhiệt kế vỡ... phải được bỏ trong túi bóng, có dán bên ngoài chữ "Yugai gomi - rác có hại".

Việc vứt rác bừa bãi tại Nhật sẽ bị phạt nặng, nếu không bị phạt thì cũng bị người xung quanh nhìn thiếu thiện cảm. Ý thức nơi công cộng một phần do giáo dục nhưng phần khác cũng do chế tài phạt hình thành.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Điều gì khiến Nhật Bản trở nên xanh-sạch-đẹp như hiện nay?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới