Thứ bảy, 20/04/2024 19:08 (GMT+7)

Đi đến đâu xả rác đến đó: đừng đổ do nghèo

MTĐT -  Thứ sáu, 21/02/2014 11:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau các dịp tết nhất, lễ hội hay các chương trình văn hóa - văn nghệ, những nhân viên vệ sinh phải làm việc cật lực để thanh lý núi rác thải đủ loại.

Nhiều người vẫn thường viện cớ “đất nước còn nghèo” để bao biện cho những hành động sai trái thuộc về ý thức cơ bản.

Sau lưng du khách, rác thải ngày một nhiều hơn. Ảnh chụp tại khu du lịch Madagui - Ảnh: Đỗ Thiện

Thoải mái ăn nhậu, xả rác

Đến thăm khu du lịch sinh thái Madagui (Lâm Đồng), không khó nhận ra nhiều bữa tiệc dã chiến của các nhóm gia đình, thanh niên học sinh, các cơ quan tổ chức trên các bãi cỏ. Tiệc tết đa dạng, bánh kẹo nước ngọt hay bia bọt đủ cả, nhưng khi tiệc tàn thì chẳng mấy khi 100% “chiến trường được dọn sạch”.

Thực trạng đáng buồn là trên khắp các tuyến đường xuyên rừng dăm bảy cây số, như đường đến hang Dơi, hang Tử Thần, cầu đi bộ trên không,… khách du lịch thoải mái dừng chân để bày biện thức ăn, đồ uống để “đánh chén”. Theo một thói quen “rất xấu”, du khách bỏ thức ăn thừa, vỏ chai nước suối, lon bia, khăn giấy, hay bất kỳ thứ gì họ thấy vướng víu, nặng nề khi di chuyển.

Nhiều đoàn du khách còn tổ chức nhậu nhẹt linh đình, có chỗ bày ra vài ba thùng bia chứ không phải là một vài lon để vui ngày tết. Nhậu mệt, du khách lăn ra bãi cỏ, lấy áo hoặc khăn đắp “chống nắng” rồi vô tư ngủ.

Câu chuyện trên cũng sẽ được nhắc lại nếu ai đó đến thăm rừng quốc gia Cát Tiên tại Tân Phú (Đồng Nai). Khách đến chọn cho mình những phiến đá to nhất, mát mẻ nhất để mở tiệc. Có du khách “cẩn thận” còn khui vài lon bia đặt vào hốc cây để “cúng thần”, xin phép được ngồi nhậu.

Từ luật pháp đến ý thức

Khi đến Singapore, nhiều du khách người Việt được nhắc “tuyệt đối không ăn kẹo cao su và không xả bất kỳ loại rác nào ra đường phố, nơi công cộng”. Một phiếu phạt “nhớ đời” sẽ được chuyển đến tận tay bạn, dù cho bạn có đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết, hay kém văn hóa ứng xử của mình. Người Singapore dùng “kỷ cương” để quy định hành vi.

Còn tại Nhật, các dịp lễ hội không khi nào bát nháo. Nếu bạn có dịp đến thăm khu đền Ise Jingu thuộc tỉnh Mie, bạn sẽ cảm nhận được cái cách người Nhật đưa bạn vào khuôn khổ, nề nếp và ứng xử văn hóa.

Các khu du lịch tại Nhật được bảo vệ khỏi rác thải bằng ý thức chứ không phải bằng tiền - Ảnh: Giang Phạm

Du khách vào đây được giải thích về những hành vi gây xúc phạm thần linh. Khách phải đi bộ gọn về phía lề trái, không mang “đồ ăn thức uống vào khu đền". Việc rải tiền giấy tuyệt đối không diễn ra. Du khách được phép bỏ đồng tiền xu có mệnh giá nhất định, thường là 1 yen (khoảng 200 đồng) hay 5 yen để không bị ướt, hay hư hại gây lãng phí, và chỉ được bỏ tiền vào một số nơi quy định.

Thế nên dù đền lọt thỏm giữa một khu rừng lớn, hành trình di chuyển dài nhưng hai bên đường không một cọng rác, không ai dừng chân để nhậu nhẹt. Du khách đến đây chấp hành các quy định trên như một cách họ tôn trọng thần linh; thể hiện sự văn minh của cá nhân.

Để bỏ rác vào nơi quy định chẳng cần phải có nhiều tiền, và không phải GDP thấp mà được quyền bỏ rác đâu cũng được. Học theo nước bạn, Nhà nước cần có lộ trình về luật môi trường và bản thân người dân phải tự xây dựng cho mình ý thức vì môi trường chung. 

VĂN THIỆN

Bạn đang đọc bài viết Đi đến đâu xả rác đến đó: đừng đổ do nghèo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất