Thứ năm, 28/03/2024 19:38 (GMT+7)

Cuộc họp các bên liên quan về tăng trưởng xanh tại lưu vực sông Mê Công

MTĐT -  Thứ năm, 03/07/2014 13:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(tinnhanhmoitruong.vn)- Trong hai ngày từ 1 – 2/7, tại Ninh Bình, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã phối hợp với Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu của Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy Tăng trưởng xanh tại lưu vực sông Mê Công: Từ khái niệm đến thực tiễn”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của khoảng 80 đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực lưu vực sông Mê Công và các nước trên thế giới Việt Nam, Philippin, Mỹ, Ấn Độ…
Tiến sỹ Imran Ahmad - Giám đốc khu vực Đông Á Viện Tăng trưởng xanh cho biết: Hội thảo nhằm đạt được các mục tiêu xác định mối liên hệ giữa tăng trưởng xanh và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới tại lưu vực sông Mê Công; đánh giá vai trò của tài nguyên nước đối với phát triển kinh tế xã hội và xây dựng chính  sách nhằm thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh; tăng cường kiến thức và trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia về tăng trưởng xanh.
Chủ đề của hội thảo gồm có các khái niệm liên quan tới tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và nước; các phương pháp để xác định thứ tự ưu tiên cũng như đưa ra các chính sách can thiệp; thảo luận chương trình nghị sự toàn cầu liên quan tới nước cho giai đoạn sau năm 2015.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài nguyên nước, là khu vực chung của một số quốc gia nằm ở ven sông, lưu vực sông Mê Công là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến sự suy thoái và mất đi sinh cảnh đã ảnh hưởng đến nguồn lực quốc gia cũng như sinh kế của người dân.
Quang cảnh Hội thảo
Hiện nay, ngoài vấn đề sử dụng quá mức nguồn tài nguyên cho tăng trưởng kinh tế thì lưu vực sông Mê Công đang ảnh hưởng từ lũ lụt, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển của con người cũng như những tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, tăng trưởng dân số gây ra áp lực đối với việc phát  triển kinh tế cũng như quản lý tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới, đã đề ra yêu  cầu cấp thiết về hợp tác quốc tế.
Tại hội thảo các đại biểu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng và mối liên hệ qua lại giữa nước, lương thực và năng lượng. Đa số ý kiến cho rằng, hơn 70% lượng nước trên thế giới do ngành nông nghiệp tiêu thụ để đảm bảo cung cấp lương thực. Và hầu hết nguồn năng lượng được sản sinh hiện tại cũng cần lượng lớn nước, trong khi việc xử lý và vận chuyển nước cũng yêu cầu cần phải có năng lượng.
Song, tài nguyên nước đang gặp nhiều thách thức do nhu cầu tăng, sự khai thác quá mức dẫn đến ô nhiễm. Đến năm 2030, một nửa dân số thế giới sẽ phải đối mặt với áp lực về nguồn nước cao cũng như các vấn đề hậu quả liên quan đến năng lượng và lương thực và khu vực lưu vực sông Mê Công không phải là ngoại lệ. Cách tiếp cận tổng hợp đang được tiến hành để giải quyết các thách thức đã được dự báo ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Tâm điểm của cuộc thảo luận là nước, năng lượng và an ninh lương thực. Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, đến nay chúng ta không thể có cách tiếp cận riêng lẻ mà cần có cách tiếp cận đa ngành để giải quyết được đồng thời các vấn đề về nước, năng lượng và lương thực.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã chỉ rõ: Rõ ràng việc quản lý tổng hợp và sử dung hiệu quả nguồn tài nguyên nước khan hiếm ở sông Mê Công là một vấn đề đóng vai trò cấp bách và quan trọng.
Tiến sỹ Lê Đức Trung chia sẻ, đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam (hạ lưu sông Mê Công) có vai trò như vựa lúa của châu Á. Tuy nhiên, khu vực này đang gặp phải nhiều tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển nhanh chóng để sản xuất điện trong lưu vực. Vì thế, chúng ta cần có cách tiếp cận đa ngành để đưa ra được các giải pháp.
Tiến sỹ Lê Đức Trung cũng chỉ rõ về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh vì các thách thức hiện nay khiến chúng ta phải thay đổi cách thức phát triển nền kinh tế từ cách tư duy cũ từ sử dụng quá nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên sang sản xuất xanh, nền kinh tế xanh và lối sống xanh hơn.
Theo các đại biểu, chúng ta cần phải tiếp tục xem kết quả thảo luận tại cuộc họp sẽ được diễn giải như thế nào thành cơ hội thực tế trong hoạch định chính sách cũng như thay đổi môi trường kinh doanh. Đó chính là lý do tại sao nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mê Công đã áp dụng tăng trưởng xanh trong chính sách của họ. Tăng trưởng xanh là cách tiếp cận để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc đối với các khía cạnh về kinh tế xã hội và môi trường. Định nghĩa thế nào là tăng trưởng xanh vẫn tiếp tục được thay đổi bởi nó dựa vào kinh nghiệm của các quốc gia thử nghiệm xem thế nào là thành công và không phù hợp.
Trong bối cảnh hiện nay ở lưu vực sông Mê Công, khái niệm tăng trưởng xanh sẽ  thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới từ đó củng cố việc quản lý hiệu quả tài nguyên nước trong khu vực lưu vực.
Hội thảo cũng sẽ đưa ra một khuôn khổ chung cho các chuyên gia đến từ nhiều nước khác nhau thảo luận về các chủ đề khác nhau liên quan tới các cơ hội tăng trưởng xanh cho lưu vực sông Mê Công và rộng hơn.
Bài và ảnh: Thúy Hằng (TN&MT)
Bạn đang đọc bài viết Cuộc họp các bên liên quan về tăng trưởng xanh tại lưu vực sông Mê Công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.