Thứ bảy, 20/04/2024 16:45 (GMT+7)

Cơn 'khủng hoảng' rác thải nhựa tại Việt Nam là có thật

MTĐT -  Thứ hai, 12/08/2019 08:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa thải ra đại dương/năm, đứng thứ 4 trên thể giới về thải rác nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Những con số kinh hoàng

Một bảng xếp hạng mới vừa gọi tên “Việt Nam”: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm. Và tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng mọi nơi.

Một con số đáng chú ý khác từ Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra tại hội thảo giữa năm 2019. Theo FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.

Ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm.

Tại một số vùng biển ở nước ta, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có 1 phần rác thải nhựa.

Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới - đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố thông tin này tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương sáng 10/12. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có 1 phần rác thải nhựa (Ảnh: Reuters).

Chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nói trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi. Biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nylon.

Khi đã được xả ra biển, rác thải nhựa phải mất tới hơn 400 năm để có thể phân hủy. Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua lại có hơn 1.000 chiếc túi nylon được tiêu thụ. Việc hạn chế, tiến tới không còn rác thải nhựa đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ đại dương và cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau.

Cứ mỗi phút trôi qua lại có hơn 1.000 chiếc túi nylon được tiêu thụ (Hình minh họa).

Thực tế, hầu như mọi người đều biết việc sử dụng sản phẩm nhựa như cốc dùng 1 lần, túi ni-long, ống hút nhựa,… có hại cho môi trường, mất nhiều năm để phân hủy, nhưng chúng ta vẫn dùng và việc sử dụng này ngày càng nhiều.

Theo các chuyên gia, rác chỉ được thu gom 70% tại các thành phố và chỉ 40% tại nông thôn. Các bãi chôn lấp đều ở trong tình trạng quá tải.Trong bối cảnh cơn khủng hoảng rác thải nhựa đang bức bối, thì việc thiếu chỗ chôn lấp rác thải cũng là một thực trạng báo động ở Việt Nam.

Đơn cử như các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội đang quá tải; còn hai bãi rác chôn lấp ở thành phố Hạ Long thì đóng cửa vì ô nhiễm. Đối với Đà Nẵng, đô thị hơn một triệu dân mỗi ngày hứng từ 900 đến 1.000 tấn rác sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2025, lượng rác sẽ tăng lên khoảng 1.800 tấn. Còn riêng với Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công thương, mỗi ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố từ 5.500-6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10% (tương đương 60 tấn).

Chúng ta đừng thờ ơ!

Để giảm thiểu túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, tại Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị đã chung tay kí cam kết chống rác thải nhựa. Theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị phấn đấu đến ngày 31/12/2020, 100% không dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh.

Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường).

Phát biểu tại Hội nghị "Phát động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng" diễn ra sáng 28/6, tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Hà Nội sẽ thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn; phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy".

Bên cạnh mục tiêu đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải có công nghệ hiện đại tiên tiến để giải phóng áp lực rác sinh hoạt nói chung và rác nhựa nói riêng. Về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: "Việc phân loại rác ban đầu gần như không có nên các công nghệ xử lý rác hiện nay không thể đáp ứng được. Nhà máy rác rất hiện đại ở Sóc Sơn (Hà Nội) hoạt động được một tháng phải tạm ngừng vì lý do này".

Ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Internet).

Ngoài ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức của bản thân và gia đình trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Chúng ta biết nilon nguy hại thế nào với sức khỏe, chúng ta nghe nhiều về hạt vi chất nhựa xâm nhập cơ thể, chúng ta được cảnh báo thường xuyên về sự tấn công của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Vậy nhưng chúng ta vẫn còn thờ ơ với việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần và xả rác bừa bãi nơi công cộng.

Chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tiết giảm sử dụng nhựa, tìm sản phẩm khác thay thế, tăng cường tái sử dụng, tái chế là chúng ta đã góp phần bảo vệ hành tinh xanh ngay từ hôm nay!

Để tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước và nêu lên thực trạng rác thải nhựa, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phát động cuộc thi viết Nói không với rác thải nhựa. Cuộc thi nhằm nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng rác thải nhựa, nói lên ảnh hưởng của loại rác thải này đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là môi trường.

Được biết, về thể thức tham gia, các tác giả có thể gửi ý tưởng bằng bản viết tay, bản đánh máy, mô hình trực quan, sản phẩm về Ban tổ chức thông qua đường bưu điện, thư điện tử (email) hoặc tòa soạn, các Văn phòng đại diện của Tạp chí. Căn cứ vào các tác phẩm, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn những ý tưởng, mô hình, sản phẩm thiết thực nhất, xuất sắc nhất để trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho 3 hạng mục: Ý tưởng; Mô hình; Sản phẩm.

Thời gian tiếp nhận bài thi từ 15/8/2019 đến 15/2/2020. Ban tổ chức sẽ tiến hành chấm thi qua 2 vòng Sơ khảo và Chung khảo để chọn ra những tác phẩm đoạt giải. Dự kiến, lễ trao giải sẽ diễn ra vào 5/6/2020, đúng dịp kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới.

TS.LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định: “Không chỉ tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân mà qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn tìm ra được những ý tưởng, mô hình, sản phẩm để hạn chế rác thải nhựa. Qua đó, cuộc thi sẽ là sợi dây kết nối ý tưởng, mô hình của tác giả với các doanh nghiệp, đơn vị để làm ra một hô hình hạn chế rác thải nhựa”.

Cũng theo TS.LS Đồng Xuân Thụ, cuộc thi sẽ khuyến khích người dân sử dụng các đồ dùng nhựa dùng nhiều lần. Đơn cử, thay vì đựng đồ bằng túi nilong, người dân có thể dùng các đồ vật như làn nhựa, túi xách nhựa; thay vì uống nước đóng chai dùng một lần thì lưu trữ lại để tận dụng… Cuộc thi cũng sẽ khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thay thế nilong, chai nhựa gây phát sinh rác thải nhựa.

HƯƠNG THƠM

Bạn đang đọc bài viết Cơn 'khủng hoảng' rác thải nhựa tại Việt Nam là có thật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ