Thứ bảy, 20/04/2024 18:24 (GMT+7)

Con đường của rác thải nhựa từ nhà ra... biển

Phan Ngân -  Thứ ba, 12/06/2018 08:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nếu bạn hỏi tôi "Túi nilon đã sử dụng sẽ đi về đâu nếu bị vứt bừa bãi?" thì có lẽ câu trả lời sẽ không phải một bãi rác, một con sông, một khu đất, mà đó là đại dương.

 Việt Nam, những con số khủng nhưng... đáng xấu hổ!

Khi đọc con số thống kê đáng báo động mà chuyên gia môi trường đã đưa ra trong sự kiện Ngày Trái đất hồi tháng 4 vừa qua, hẳn ai cũng sẽ choáng ngợp bởi mức độ khủng khiếp của nó, đó là: mỗi ngày người Việt thải khoảng 18.000 tấn rác thải nhựa!

Rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương.

Thật vậy, nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam. Còn nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn.

Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương, với 1,8 triệu tấn mỗi năm. Bốn quốc gia còn lại bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lượng rác nhựa thải ra từ 5 năm nước này nhiều tới mức, nó lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại.

Thậm chí, Việt Nam được biết đến là có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp...

Đó quả thực là những con số "biết nói" về thực trạng ô nhiễm nhựa và nilon tại Việt Nam, những con số khủng nhưng... đáng xấu hổ!

Về vấn đề này, bà Mary Tarnowka (Tổng lãnh sự Mỹ) đã từng phát biểu tại TP.HCM: "Sự tích tụ của các mảnh rác vụn dưới biển là một vấn đề do con người tạo ra, vì vậy nó đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Đây thật sự là một thời điểm rất đáng để suy ngẫm khi mà sự tích tụ chất thải trong đại dương ở đảo rác Thái Bình Dương đã đạt mức quá lớn".

Các chuyên gia quốc tế cũng cho hay: Hiện tại, đảo rác Thái Bình Dương (vòng xoáy rác thải ở trung tâm Bắc Thái Bình Dương) đã có kích thước lớn gần gấp 6 lần Việt Nam với 90% rác thải là nhựa.

Hành trình của túi nilon

Dẫu rằng người Việt sẽ vẫn suy ngẫm và tự thấy xấu hổ khi nghe chuyện ta nằm trong top thế giới về... xả rác ra môi trường, thế nhưng thói quen thì khó mà gạt bỏ, đa phần ai cũng thế!

Một con rùa biển mắc kẹt trong túi nilon.

Có thể lấy một ví dụ nho nhỏ như sau: mỗi buổi sáng, các bà các mẹ thường tranh thủ đi chợ chuẩn bị đồ ăn cho gia đình, tạt qua mỗi hàng quán là người tiêu dùng sử dụng một túi nilon khác nhau. Có người ra về với hàng chục túi nilon trên tay, nào thịt, cá, rau, quả... tới dầu, đèn, muối, mắm. Muối buổi chiều, họ lại ghé qua chợ một chút và lại mang theo túi nhựa về nhà. Cứ thế mỗi ngày gia đình chúng ta thu về hàng chục túi nilon nhưng rồi chẳng làm gì cả, túi nilon nằm gọn trong thùng rác. Điều đó cho thấy công năng hạn chế của túi nilon đối với đời sống con người.

Nếu không bỏ túi nilon, chai nhựa vào thùng rác mà ném vội vào một góc phố nào đó, thì bạn có biết các phế phẩm nhựa này sẽ trôi về đâu hay không?

Một kịch bản đã được đưa ra và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên & Môi trường: "Bây giờ hãy tượng tượng, một ngày nào đó, vì cãi nhau với người yêu, bạn cho tất cả quà đã từng nhận vào trong một túi to, rồi ném xuống sông Tô Lịch, thì liệu túi quà sẽ còn ở đó vào ngày mai? Câu trả lời là không, túi quà ấy sẽ có một hành trình dài.

Trước tiên, theo dòng chảy, nó sẽ đi theo hướng đường Bưởi, qua Láng, vào Khương Đình, tới Kim Giang, sau đó ngoặt sang phía Đông Nam, rồi đổ ra sông Nhuệ. Từ Hà Nội, túi quà sẽ có một hành trình nữa qua Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, rồi qua Duy Tiên - Hà Nam, sau đó đổ vào sông Đáy.

Từ sông Đáy, nó tiếp tục hành trình xuôi về phía Nam, dồn về ngã ba sông Gián Khẩu thuộc thành phố Ninh Bình. Gần đến biển, túi quà theo dòng sông Đáy chuyển hướng từ Tây Bắc - Đông Nam sang Đông Bắc - Tây Nam rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở Cửa Đáy, thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Đó là kịch bản cho một túi rác xuất phát từ Hà Nội để ra tới Biển Đông.

Nhưng đó là một kịch bản khả thi khi chúng ta có tới 112 cửa biển kéo dài từ Bắc chí Nam. 112 cửa biển chịu trách nhiệm về 8/9 tổng lượng rác xả ra biển. Phía sau 112 cửa biển ấy, là trách nhiệm của 90 triệu người dân Việt.

Rất nhiều kịch bản như thế có thể được dựng lên với điểm xuất phát khác nhau, từ một khu công nghiệp, một nhà hàng, hay là một hộ gia đình. Nó có thể là một túi đầy mảnh thủy tinh, chai lọ nhựa, ống hút, vỏ bánh kẹo, bông ngoáy tai, hay bao cao su. Những túi rác kiểu như thế, sau khi phân hủy một phần trong quá trình di chuyển, khi ra tới biển sẽ trở thành những thứ siêu nhỏ, có tên khoa học là hạt nhựa.

Những hạt nhựa này có thể trở thành thức ăn cho những con chim hải âu biển hay cho các loài cá. Bởi vì nhựa không chỉ có kích thức giống như thức ăn, nó còn có mùi và cảm giác giống thức ăn. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là chúng rất khó phân hủy".

Nếu bạn đã xem các bức ảnh dưới đây thì tôi đảm bảo bạn sẽ cảm thấy có lỗi với chúng chỉ bởi bạn là con người!

Rất nhiều sinh vật biển khi chết, được tìm thấy với một bụng đầy nhựa. Các sinh vật biển, bao gồm hải âu mày đen, dựa vào khứu giác để săn mồi, cá voi và cá heo dựa vào các sóng âm để săn mồi. Và đôi khi, hệ thống cảm nhận sóng âm của chúng nhầm lẫn các vật thể nhựa với thức ăn. Và bi kịch là ở chỗ, một vài loài chim và cá bị hấp dẫn bởi mùi của nhựa. Các chế phẩm từ nhựa trôi nổi trên đại dương thường có đủ mọi hình dạng, màu sắc, kích cỡ... và bằng cách nào đó, chúng thu hút các sinh vật biển, khiến cho các loài động vật nhầm lẫn chúng với thực phẩm.

Một số loại nhựa thậm chí còn có khả năng phản xạ âm thanh y hệt thức ăn và chúng đánh lừa được nhiều loại cá heo hay cá voi trên biển.  Nhưng ngay cả khi những con cá “chưa kịp” chết, chúng có thể bị đánh bắt, để rồi trở thành những món đặc sản trên những mâm cỗ thịnh soạn.

Cho đến nay, vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào để ngăn chặn động vật biển tiếp tục ăn các loại nhựa. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là tìm mọi cách giảm lượng nhựa, nilon và rác thải tràn xuống đại dương.

Sử dụng gì thay cho túi nilon?

Đã từng có những thời điểm người ta học nhau cách xách giỏ đi chợ để giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon, nhưng nhịp sống vội vã khiến con người phải tìm tới những thứ nhanh, tiện, gọn. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đang sử dụng túi nilon miễn phí - điều không xảy ra tại Hà Lan.

Nếu ở Hà Lan, bạn phải trả ít nhất 15 cent (4.500 VNĐ) cho mỗi chiếc túi, nếu không bạn phải tìm cách nhét toàn bộ đồ đã mua vào túi quần, túi áo  hay cặp sách,... Không chỉ ở Hà Lan, hầu hết các quốc gia châu Âu khác như Thụy Sĩ, Pháp hay Bỉ đều có các quy định để hạn chế tình trạng xả rác khó phân hủy như túi nilon ra môi trường.

Bằng nhiều biện pháp, chính phủ khuyến khích người dân sử dụng những vật liệu dễ phân hủy như túi giấy hoặc là tái sử dụng vỏ chai. Chẳng hạn, với mỗi chai bia sau khi sử dụng, nếu khách hàng mang vỏ chai ngược lại siêu thị, siêu thị sẽ trả lại cho khách 10 cent.

Tuy không phải là một số tiền lớn nhưng nó có ý nghĩa như một lời nhắc nhở, một sự động viên với mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ biển khỏi tác hại của rác thải nhựa, “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" không còn chỉ là chuyện của thế giới, đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn hơn về việc sử dụng những chiếc túi nilon ở Việt Nam.

Và ngay từ bây giờ, hãy giảm thiểu chính chiếc túi nilon trong căn bếp của gia đình bạn.

Bạn đang đọc bài viết Con đường của rác thải nhựa từ nhà ra... biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất