Thứ sáu, 29/03/2024 15:27 (GMT+7)

Cháy NM Rạng Đông, nước sạch sông Đà sự kiện môi trường nóng 2019

MTĐT -  Thứ hai, 09/12/2019 11:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cháy nhà máy Rạng Đông, nước sạch sông Đà nhiễm dầu, ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và TP.HCM, khủng hoảng rác... là những sự kiện ô nhiễm môi trường nnóng năm 2019.

Ô nhiễm thủy ngân từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông

Khoảng 18h30 ngày 28/8, một đám cháy lớn bùng phát và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngọn lửa lan sang khu dân cư, nhiều hộ dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy.

Ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày. Theo nhiều chuyên gia, khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc.

Tuy nhiên, đến ngày 30/8, UBND phường Hạ Đình lại quyết định thu hồi văn bản khuyến cáo trên do ban hành không đúng thẩm quyền và không có cơ sở. Khi có thông tin trên, nhiều nhà khoa học tbất ngờ vì thông tin khuyến cáo của phường Hạ Đình rất kịp thời và nội dung chính xác, chi tiết, có chuyên môn.

Chiều tối ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết,  kết quả quan trắc nhanh cho thấy các thông số vi khí hậu, nhiệt độ, bụi... quanh khu vực nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đều ở mức bình thường.

Cùng ngày, Công ty Rạng Đông cho biết, ước tính thiệt hại ban đầu trong vụ cháy khoảng 150 tỉ đồng, trong đó số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact.

Công ty này cũng cho biết, Công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chất amalgam này vẫn có 50% thành phần thủy ngân và khi bị nung nóng, khí này vẫn thoát ra môi trường bên ngoài.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, qua tính toán số lượng đèn huỳnh quang và đèn compact bị cháy, cho thấy số lượng thủy ngân bị thất thoát ra môi trường là từ 15,1 – 27,2kg. Đồng thời cho biết: "người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân".

Đến ngày 6/9, hơn 1 tuần sau khi xảy ra vụ cháy, Công ty Rạng Đông đã gửi thư xin lỗi do sự cố hỏa hoạn ảnh hưởng tới đời sống người dân, làm ô nhiễm môi trường tại một số khu vực lân cận.

Đến ngày 8/9, Tổng cục Môi trường phát đi thông tin, vụ cháy đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm gồm Bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact và bóng đèn tròn công suất thấp. Đồng thời tiếp tục khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của Công ty cần thực hiện các biện pháp như phun rửa mái nhà, tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thau rửa các bể chứa nước hở. Đối với người dân sống trong bán kính 200 m tính từ hàng rào Công ty cần đi khám sức khỏe định kỳ.

Sau đó, các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần cho người dân và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân.

Đáng nói, sau vụ cháy thông tin lượng thủy ngân phát tán đã khiến người dân lo lắng và bức xúc cho rằng Công ty Rạng Đông vô cảm, thiếu trách nhiệm, bưng bít thông tin khiến việc xử lý hậu quả vụ cháy bị kéo dài, tăng thêm những thiệt hại.

Ngoài ra, cách phản ứng của chính quyền các cấp sau vụ việc cho thấy sự lúng túng, bất nhất khiến dư luận càng bức xúc.

Sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu

Ngày 10/10, nhiều hộ dân ở các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy,... phản ánh nước sạch sông Đà có mùi khét, váng dầu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.

Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho thấy, ngày 9/10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), các cơ quan chức năng sau đó đã kiểm tra hiện trường.

Ngày 12,13/10 trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết quả, người dân phải mua nước đóng bình hay nước đóng chai của các hãng để về sử dụng.

Ngày 14/11, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về hiện tượng dầu loang. Đồng thời ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cho rằng Công ty không bưng bít thông tin, khẳng định “mùi lạ” chỉ là mùi clo và nước không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội diễn ra ngày 15/10, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm nguồn nước, theo đó các mẫu nước xét nghiệm đều có lượng styren cao 1,3 đến 3,65 lần quy chuẩn. Khuyến cáo người dân chỉ dùng nước để tắm giặt, không dùng để ăn uống. Theo kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren với mức vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 lần so với bình thường. Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít.

Như vậy, mặc dù nguồn nước ô nhiễm, những phải 1 tuần sau sự cố, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn.

Tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội vào sáng 15/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước.

Ngày 16/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã ra thông báo về việc tạm dừng cấp nước sạch để thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống.

Cùng ngày, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, cơ quan điều tra đã xác định được các nghi phạm trên.

Ngày 20/10, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú. Theo lời khai các đối tượng số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe ôtô tải đi từ Bắc Ninh đến một công ty ở Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10 m3.

Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ lái xe tải và xe bốn chỗ, đưa chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.

Ngày 23/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố, tạm giam ba người có hành vi vận chuyển. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và làm rõ.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM

Từ đầu năm tới nay, ít nhất thì Hà Nội đã phải chịu đựng 4 đợt ô nhiễm không khí. Điều đó cũng có nghĩa là cả năm 2019 này, Hà Nội phải đương đầu với ô nhiễm không khí, trong khi giải pháp cải thiện là không rõ ràng.

Cụ thể, đợt 1 kéo dài 16 ngày (từ 11/1 đến 26/1). Đợt 2 kéo dài 17 ngày (từ 11/3 đến 27/3). Đợt 3 kéo dài 27 ngày (từ 12/9 đến 3/10). Đợt 4 từ ngày 1/11 đến nay. Tất cả các đợt ô nhiễm được cảnh báo này đều có chỉ số AQI trung bình lên hơn 100, tức là ở mức có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Mức độ ô nhiễm tăng cao, người dân “đổ xô” mua máy lọc không khí và khẩu trang chống bụi, khiến thị trường những mặt hàng này trở nên sôi động.

Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm..

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm nay có khác thường so với mọi năm và ô nhiễm cục bộ tăng lên.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của ô nhiễm không khí có thể liên quan đến hiện tượng nghịch nhiệt vào mùa đông khiến không khí không khuếch tán được. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng là do chính con người gây nên.

Khủng hoảng rác thải

Năm 2019, tại nhiều đô thị lớn chứng kiến những cuộc khủng hoảng rác. Tại Hà Nội, ước tính, mỗi ngày thải ra khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao, và đây chính là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) “hứng” tới 4.500-4.700 tấn.

Tháng 7, người dân sống xung quang bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội) chặn đường không cho xe vào bãi rác khiến cuộc sống của hàng triệu người dân nội thành Hà Nội bị đảo lộn vì "khủng hoảng rác".

Rác ùn ứ suốt 3 ngày khiến Thủ đô vốn được xem là xanh, sạch, đẹp bỗng chốc trở lên ngập rác. Nhiều tuyến phố ở các quận nội thành xuất hiện những đống rác sinh hoạt ùn ứ, chất cao như núi, rác thải tràn lan vỉa hè, chất đầy trên những xe thu gom rác mà không có xe đến thu gom chở đi khiến nhiều nơi bốc mùi hôi thối.

Ngay lập tức cuộc sống của người dân thủ đô bị ảnh hưởng khốn khổ khi những đống rác sinh hoạt đồng loạt bốc mùi, nhất là những nhà sống ngay cạnh những điểm tập kết rác.

Người dân địa phương cho biết, họ chặn xe chở rác như vậy cũng là vì bất đắc dĩ, hàng chục năm qua, từ khi bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động, hàng ngày họ phải chịu mùi hôi thối từ bãi rác, rồi ốm đau, bệnh tật, ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa tính mạng của họ.

Không chỉ tại Hà Nội, năm 2019, cuộc khủng rác cũng diễn ra tại nhiều địa phương như Phú Quốc, Quảng Nam, TP.HCM...

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cháy NM Rạng Đông, nước sạch sông Đà sự kiện môi trường nóng 2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.