Thứ sáu, 29/03/2024 18:00 (GMT+7)

Châu Á nguy cơ trở thành bãi rác thế giới: Vì đâu nên nỗi?

MTĐT -  Thứ tư, 24/04/2019 12:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo của Liên minh Toàn cầu về các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á công bố ngày 23/4 cảnh báo các quốc gia châu Á đang trở thành bãi chứa nhựa tái chế toàn cầu.

Dựa trên phân tích số liệu hoạt động của 21 nhà xuất khẩu và nhập khẩu rác thải tái chế trong giai đoạn từ năm 2016 tới năm 2018 (trước và sau khi Trung Quốc ngừng tiếp nhận rác thải nhựa), báo cáo chỉ ra rác thải nhựa nhập khẩu vào các nước như Thái Lan, Malaysia... tăng mạnh từ giữa năm 2017 tới đầu năm 2018.

Thêm vào có các hoạt động chôn lấp hay đốt rác nơi công cộng một cách bất hợp pháp cũng gia tăng, khiến các nguồn nước ô nhiễm, mất mùa và các bệnh về hô hấp diễn biến phức tạp.

Khi các quốc gia này có các biện pháp hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa cũng là lúc nguồn chất thải này chuyển hướng tới những quốc gia có quy định quản lý lỏng lẻo hơn như Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia của GAIA cho rằng trong khi ở nhiều nơi, người dân vẫn tin rằng các rác thải nhựa mà họ đẩy ra môi trường hàng ngày sẽ được tái chế ở đâu đó thì trên thực tế chúng được đẩy tới các quốc gia không có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm đang đổ dồn về phía Nam bán cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Bảo tồn đại dương (OC, trụ sở tại Mỹ) xác định 80% rác thải nhựa xả xuống các đại dương trên thế giới xuất phát từ châu Á, theo tờ Nikkei Asian Review.

OC chỉ ra rằng Indonesia, Trung Quốc, Philippines và Thái Lan xả rác thải nhựa xuống biển nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Một báo cáo của tạp chí Science trước đó đưa thêm Sri Lanka và Malaysia vào danh sách. Các nghiên cứu ước tính 8 - 13 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ vào môi trường biển hằng năm. Với số lượng này, rác thải nhựa gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái biển, nếu quy ra tiền có thể lên đến 13 tỉ USD hằng năm, theo báo cáo của Cơ quan Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc.

Rác thải nhựa đang đe dọa nhiều nước châu Á. Ảnh minh họa: Internet.

Riêng ở Đông Nam Á, khu vực có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới dẫn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa gia tăng theo. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vượt quá khả năng xử lý, tái chế tại những quốc gia ASEAN, dẫn đến tình trạng rác thải nhựa tràn lan dưới biển, theo tờ Asia Times. Giám đốc Trung tâm ASEAN về đa dạng sinh học - tiến sĩ Theresa Mundita S.Lim, cho biết một số quốc gia Đông Nam Á được xác định là những nước gây ô nhiễm đại dương nghiêm trọng nhất thế giới. Bà Lim cho hay ngành du lịch ở ASEAN bùng nổ, nhưng do thiếu biện pháp quản lý dẫn đến việc nhiều bãi biển ngập tràn rác thải như túi nhựa, vỏ chai và ống hút. Bên cạnh đó, một lượng rác thải nhựa từ các con sông cũng đổ ra biển.

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Đông Nam Á đi kèm với sự bùng nổ của sản xuất và tiêu dùng đồ nhựa tràn lan. Khi du lịch vươn tới cả các bãi biển hẻo lánh nhất, chai nhựa xuất hiện ở mọi nơi và ống hút đi kèm với mọi đồ uống.

Một ngày, người Thái dùng khoảng 8 túi nylon, đồng nghĩa với việc mỗi tuần, Bangkok tiêu thụ hơn 500 triệu túi. Người Singapore còn sử dụng nhiều hơn, 13 túi/ngày.

Trong khi đó, chính quyền địa phương phụ trách thu gom rác nhưng thiếu cả quỹ và kiến thức về tái chế. Rác tập trung tại bãi ngoài trời đối mặt với nguy cơ từ mưa, sạt lở và lũ lụt. Một phần đáng kể sau đó theo sông đổ ra biển.

Một ví dụ điển hình là Myanmar. Tại đây, túi nylon chất dọc sông, trôi ra biển vào mùa mưa và dạt về bãi Ngapali, địa điểm được mệnh danh là bãi tắm đẹp nhất châu Á năm 2016. “Tôi sợ rằng Ngapali sẽ bị tàn phá bởi ô nhiễm môi trường”, Ohnmar Khin, chủ khu nghỉ dưỡng Sandoway, chia sẻ.

Trước tình trạng đáng báo động đỏ, hồi tháng 7/2018, ASEAN đã ra tuyên bố chung sẽ nỗ lực chống lại ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tiến sĩ Lim đánh giá ASEAN vẫn còn thiếu chiến dịch chính thức và cơ chế ràng buộc, nên các quốc gia thành viên phải tự có biện pháp quyết liệt xử lý tình trạng rác thải nhựa tràn lan trên biển.

Theo OC, một số nước ASEAN đã nỗ lực áp dụng biện pháp riêng, nhưng vẫn chưa hiệu quả. Chẳng hạn, Brunei lên kế hoạch cấm túi nhựa vào năm 2019 và Philippines tiến hành chiến dịch “Hãy tự mang túi riêng” khi đi mua sắm ở siêu thị. Malaysia cũng tuyên bố áp dụng biện pháp nhằm hạn chế những hộp đựng thức ăn bằng nhựa, xúc tiến tái chế rác thải gia đình. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục dùng túi nhựa.

Theo Vụ Nguồn lợi biển và Ven bờ Thái Lan (DMCR) cho thấy nước này có nhiều chương trình nâng cao ý thức người dân về rác thải nhựa. Chính phủ phải đóng cửa bãi biển tại vịnh Maya (tỉnh Phuket) 4 tháng kể từ tháng 6 để dọn dẹp rác, theo tờ Bangkok Post. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng tăng cường đầu tư vào hệ thống tái chế rác, nhưng cơ sở hạ tầng hiện hữu được đánh giá chỉ đủ để xử lý 1/3 trong tổng số 27 triệu tấn rác hằng năm, theo DMCR.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới.

Mới đây nhất là tăng thuế bảo vệ môi trường với túi ni lông và ngày càng có nhiều tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa từ những hành động nhỏ. Thế nhưng, rác thải nhựa vẫn đang là cuộc chiến chưa có hồi kết khi Việt Nam đang là nước đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Châu Á nguy cơ trở thành bãi rác thế giới: Vì đâu nên nỗi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Rác thải tràn lan trước cổng Bệnh viện Đa khoa
Tình trạng rác thải vứt bừa bãi ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai (đường Tôn Thất Tùng, P. Phù Đổng, TP Pleiku) không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực này.

Tin mới