Trao đổi với chuyên gia phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ông cho biết: “Tôi khẳng định hiện tượng sáng nay tại Sài Gòn được gọi là mù chứ không phải sương mù.

Mù là hiện tượng được tạo nên từ bụi bẩn trong không khí kết hợp với điều kiện nhiệt độ xuống thấp và độ ẩm tăng cao.

Việc giảm tầm nhìn vào sáng 18.1 là do bụi, nếu hiện tượng sương mù thì đó là do các hạt nước li ti. Hơn nữa, tầm nhìn của sương mù chỉ dưới 1km, trong khi đó tầm nhìn xa của hiện tượng mù từ 1-10km.

Hiện tượng mù tại khu vực Nam bộ rất ít khi xảy ra, thông thường nó chỉ có vào tháng 12, 1, 2 hằng năm”.

Hiện tượng mù khô thường xuất hiện lâu hơn ở nơi có nước và bất kỳ thời điểm nào trong ngày

Trong thời gian này nhiệt độ tại TP.HCM xuống thấp hơn so với trước. Cùng với đó, thành phố luôn có mật độ xe cộ rất cao, khí thải luôn ở mức lớn. Đây là nguồn bụi bẩn, sau khi kết hợp với không khí lạnh và độ ẩm trong không khí, hiện tượng mù khô hình thành.

Một dấu hiệu dễ nhận biết giữa sương mù và mù khô là: Sương mù kèm theo những hạt nước li ti, xuất hiện vào buổi sáng sớm và nhanh chóng biến mất khi mặt trời lên cao, nền nhiệt tăng. Ngược lại, mù khô không hề có những hạt nước li ti và có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong ngày chứ không riêng gì buổi sáng.

Theo dự báo, hiện tượng mù khô nhiều khả năng sẽ xuất hiện tiếp trong thời gian tới.

Theo Một thế giới