Thứ năm, 28/03/2024 18:19 (GMT+7)

Bức tranh làng nghề gây ô nhiễm ở Hà Nội: Thay đổi tư duy sản xuất

Phan Ngân - Dương Luyện -  Chủ nhật, 15/07/2018 09:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đứng đầu trong danh sách gây ô nhiễm tại Hà Nội phải nói tới làng nghề chế biến nông sản tại Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức.

Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc. Tính đến hết năm 2017, số làng nghề và làng có nghề toàn thành phố là 1.350, trong đó làng nghề được công nhận là 305. Theo UBND các quận, huyện, thị xã, giá trị sản xuất của làng nghề năm 2017 đạt tới 20.000 tỷ đồng.

Các làng nghề đã có công rất lớn khi góp phần giải quyết việc làm cho các lao động dôi dư trong quá trình đô thị hoá. Tuy nhiên, do hình thành hoàn toàn tự phát, trong quá trình phát triển lại không được chú ý về quy hoạch nên đặc điểm chung của các làng nghề ở Hà Nội là xen kẽ với khu dân cư, chật hẹp và rất khó trong giải quyết ô nhiễm.

Câu chuyện làng nghề: "Cái nết đánh chết cái đẹp!"

Đứng đầu trong danh sách gây ô nhiễm tại Hà Nội phải nói tới làng nghề chế biến nông sản tại Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của cụm ba xã làng nghề tại Hoài Đức, hẳn nhiều người sẽ phải giật mình khi nơi đây thường xuyên bị bao trùm bởi một làn khói đen đặc.

Hàng chục ống khói nghi ngút nhả khói đen đặc tại các xã Dưỡng Liễu, Minh Khai, Cát Quế.

Hàng trăm nhà xưởng tại đây chuyên sản xuất các sản phẩm miến, bún, bánh kẹo,... đồng thời tận dụng phế phẩm để chăn nuôi, vì thế môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân trong khu vực.

Đáng chú ý, do tình trạng ô nhiễm môi trường đã tồn tại nhiều năm, nên nguồn nước ngầm cũng dễ bị ô nhiễm, trong khi đó nước ngầm lại chính là nguồn nước sử dụng chính của các làng nghề này.

Trong quá trình sản xuất, đa phần các cơ sở sử dụng củi để đốt lò hơi mà không có hệ thống lọc, giảm thiểu khí thải khiến khói đen phát tán hoàn toàn ra môi trường, ảnh hưởng tới bầu không khí. Bộ mặt của môi trường vùng ven đô tại các xã này cũng vì thế mà nhuốm một màu đen đặc.

Xen lẫn giữa xóm làng là các cột khói đen nghi ngút, xả ngày xả đêm.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Trần Văn Long (Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế) chia sẻ: "Tại địa phương hiện nay còn một số cơ sở sản xuất quy mô hộ kinh doanh, chủ yếu làm bánh kẹo, mạch nha và miến khô,... Bên cạnh việc quản lý về kinh doanh thì địa phương cũng quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Thực tế, xuất hiện nhiều cột khói đen là do người dân sử dụng củi chưa khô để đốt lò, chứ không phải hóa chất gì cả. Để thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của bà con thực sự rất khó!".

Mô hình đốt củi lò hơi đang được hầu hết hộ kinh doanh sử dụng xả khói đen ra môi trường gây ảnh hưởng tới không khí.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND xã Minh Khai, ông Đỗ Xuân Đáng cho rằng: "Xã Minh Khai cũng quan tâm tới vấn đề này và đã mời chuyên gia về tham vấn cho các hộ kinh doanh, làm sao để sản xuất thân thiện với môi trường hơn.

Mặc dù vậy, cũng phải công nhận rằng chúng tôi không thể cương quyết. Quản lý tại địa phương không chỉ dựa trên luật pháp mà còn phải nhìn vào tình làng nghĩa xóm, vì vậy khó mà cương quyết 100%,".

Mặc dù nhiều cơ sở đã cải tiến nồi hơi nhưng lượng khói do củi đốt vẫn dày đặc, bao trùm không gian xung quanh.

Cùng với đó, lãnh đạo UBND các xã cũng chia sẻ vướng mắc lớn nhất trong hoạt động quản lý, đó là thay đổi nếp sống của nhân dân.

Đại diện UBND xã Dương Liễu cũng bày tỏ quan điểm như hai xã Cát Quế và Minh Khai: "Biết là ô nhiễm môi trường nhưng không thể ngày một ngày hai mà thay đổi cách sản xuất của bà con, vì mọi thứ đã ăn vào nếp sống sinh hoạt hàng ngày.

Hơn nữa vì làng nghề chỉ mang tính thời vụ, làm ít ăn ít chứ không sản xuất ồ ạt như công nghiệp. Vì vậy, mong các ban ngành chức năng hãy chia sẻ, và đồng cảm với cái khó của làng nghề".

UBND xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.

Tâm sự với PV, nhiều hộ gia đình sản xuất nông sản tại ba làng nghề Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai cho rằng: "Từ xưa tới nay chúng tôi đều sản xuất thủ công như vậy, giờ nhà nước quy định phải đảm bảo vấn đề môi trường thì các cơ sở đều đầu tư lắp ống khói cao hơn, hay tiến hành xây dựng thêm hệ thống lọc khói để giảm thiểu tối đa khói đen ra môi trường.

Đồng thời hòa nhập hơn với phương thức sản xuất hiện đại. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cả năm chỉ làm thủ công được mấy tháng, đầu tư hết cái này cái nọ cũng nằm ngoài sức của nhân dân".

Dẫu biết rằng các làng nghề đã thu hút hàng vạn lao động thời vụ, cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình. Nhưng nếu coi việc này là "cái đẹp" của làng nghề, thì những "cái nết" tiềm ẩn bên trong như ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm đang hàng ngày ngấm ngầm giết chết "cái đẹp" kia! 

Những làng nghề sẽ đi về đâu nếu tiếp tục bị chìm trong ô nhiễm?

 Hơn hết, là cửa ngõ thủ đô, bức tranh đô thị hóa ở huyện Hoài Đức phải ngày một tươi đẹp hơn chứ không thể cứ mãi tô vẽ bởi một màu đen tuyền từ hàng chục, hàng trăm ống khói của làng nghề như vậy.

Vẫn khó trong phương án "giải cứu" làng nghề

Người dân cụm Công nghiệp Dương Liễu vẫn luôn tự hào về Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, khánh thành và đi vào hoạt động năm 2016. Hỗ trợ và xử lý phần lớn nước thải tập trung của các xã làng nghề.

Tuy nhiên, sự thật thì nhà máy này không thể xử lý được toàn bộ lượng nước thải phát sinh tại đây. Trong nước thải của các cơ sở sản xuất bánh kẹo, miến rong,... chứa nhiều tạp chất, những loại tạp chất này trộn lẫn và chảy ra cùng với dòng nước, đọng lại tại các cống rãnh gây mùi hôi thối nống nặc. 

Những thay đổi hiện chưa hoàn chỉnh, nhưng với một nhà máy xử lý nước thải làng nghề có quy mô lớn đã được vận hành, người dân kỳ vọng mô hình này sẽ được nhân rộng để hóa giải tình trạng ô nhiễm tồn tại lâu nay ở tất cả các làng nghề truyền thống.

Còn đối với khí thải, thì có lẽ phải rất rất lâu nữa, chúng ta mới được chứng kiến một bức tranh làng nghề trong lành, không còn làn khói đen bao trùm, cũng không còn mùi oi khói khét lẹt trong không khí. 

Khói đen sẽ vẫn còn "án ngữ" từng mái nhà và gây ô nhiễm bầu không khí...

...nếu như các cơ sở sản xuất chưa thực sự nhận thức được tầm nguy hiểm!

 Từ trước tới nay, các lãnh đạo địa phương vẫn đưa ra sự kiên quyết, triệt để, nhưng chính lãnh đạo và nhân dân thì chỉ phần nào thực hiện sự kiên quyết đó.

Liệu rằng lời hứa của lãnh đạo các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế nói riêng và lãnh đạo huyện Hoài Đức nói chung có trở thành hiện thực? Sự kiên quyết của người cầm quyền sẽ thể hiện bằng những hành động cụ thể như thế nào.

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh làng nghề gây ô nhiễm ở Hà Nội: Thay đổi tư duy sản xuất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.