Thứ ba, 16/04/2024 22:18 (GMT+7)

Bộ TN-MT: Thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi thứ 2 ĐNA là chưa đúng

MTĐT -  Thứ tư, 03/04/2019 10:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, ô nhiễm bụi ở Hà Nội là có thật và ở mức cao nhưng nếu nói ô nhiễm bụi ở Hà Nội cao thứ hai Đông Nam Á thì chưa có cơ sở.

Theo TTXVN đưa tin, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 diễn ra vào ngày 2/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, tại Hà Nội, qua các thông số đo đạc được, ô nhiễm môi trường thường tập trung trong mùa đông và mùa xuân, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2, tháng 3 năm sau.

Kết quả quan trắc từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường và 10 trạm quan trắc không khí tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cùng với tham chiếu số liệu quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho thấy, trong quý I/2019 hàm lượng bụi PM 2.5 đã vượt quy chuẩn cho phép trong một số ngày của tháng 1, 2, 3/2019.

"Việc ô nhiễm bụi vượt ngưỡng cho phép mang tính cục bộ ở Hà Nội là có thật. Nguyên nhân là do tập trung mật độ giao thông, nhiều công trình xây dựng, nhà máy sản xuất, hoạt động đốt rác của người dân… do đó mức độ ô nhiễm cao hơn. Nhưng thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi cao thứ hai Đông Nam Á xuất phát từ một báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh là chưa chính xác, vì trong bảng thống kê chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc 4/11 quốc gia Đông Nam Á, do đó không có cơ sở kết luận như vậy", Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, sự thật là không khí ở TP. Hà Nội có ô nhiễm và phải quyết tâm có giải pháp giảm thiểu.

TP. Hà Nội hiện rất quyết liệt trong xây dựng thêm 80 trạm quan trắc không khí để phủ hết địa bàn thành phố, làm cơ sở kết luận mức độ ô nhiễm của Hà Nội trong từng thời điểm cụ thể.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với thành phố Hà Nội và lãnh đạo thành phố cũng quyết tâm di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi thành phố.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô nhằm hạn chế tối đa mức độ xả thải của phương tiện giao thông.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các công trình xây dựng trong thành phố phải bảo đảm che chắn kỹ, giảm thiểu bụi, vật liệu xây dựng.

Theo kết quả quan trắc từ các trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động của Đại sứ quán Mỹ trong quý 1/2019, nồng độ bụi mịn trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh.

Thời gian nồng độ bụi mịn tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11-13/1, 19-20/1, 23-26/01, 11-14/3, 20-22/3 và 26-27/3.

Kết quả quan trắc từ các trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động của Đại sứ quán Mỹ trong quý 1/2019, nồng độ bụi mịn trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh.

Thời gian nồng độ bụi mịn tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11-13/1, 19-20/1, 23-26/01, 11-14/3, 20-22/3 và 26-27/3.

Tỷ lệ số ngày có nồng độ bụi mịn vượt QCVN 05:2013/BTNMT tại 12 trạm quan trắc không khí tự động tại thành phố Hà Nội có sự khác nhau giữa các khu vực. Các trạm có tỷ lệ số ngày nồng độ bụi mịn vượt chuẩn khá cao, chủ yếu tập trung tại các khu vực có các hoạt động xây dựng đang diễn ra hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); tại các khu vực khác, tỷ lệ số ngày nồng độ bụi mịn vượt chuẩn là tương đối thấp.

Tại TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa Đông và đầu Xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng Ba.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí cho thấy, trong ba tháng đầu năm 2019 phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo tại Hà Nội ở mức trung bình, các khu vực ngoại vi hoặc các khu vực có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao.

Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

Theo dõi diễn biến nồng độ bụi mịn qua các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ bụi mịn dao động trong khoảng từ 40-80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn.

Tuy vậy, số liệu quan trắc cũng cho thấy nồng độ bụi mịn cũng tăng cao vào một số khoảng thời gian khác như từ 23H - 5H  các ngày 19-20/1, 23-27/1, 11-14/3, 20-22/3 và 26-27/3, trùng với thời điểm gió mùa Đông Bắc tràn về Hà Nội.

Khi chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ trong không khí khá cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán.

Bên cạnh đó, vào những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ TN-MT: Thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi thứ 2 ĐNA là chưa đúng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.