Thứ tư, 17/04/2024 04:49 (GMT+7)

Loay hoay giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê

Nhóm PV -  Thứ năm, 30/08/2018 11:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây, làng nghề sản xuất giấy ở Phong Khê phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc gia tăng các chất ô nhiễm và xả thải trực tiếp ra môi trường.

Mới đây, Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Ninh có báo cáo số 134/BC-UBND của UBND TP Bắc Ninh về vấn đề bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê.

Văn bản Báo cáo số 134/BC-UBND của UBND TP Bắc Ninh về vấn đề bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê.

Theo đó, hiện nay, trên địa bàn phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) có khoảng 212 cơ sở sản xuất giấy, chủ yếu sản xuất các loại sản phẩm giấy vệ sinh, khăn ăn, giấy Kraft, giấy vàng mã …với 254 dây chuyền sản xuất giấy, công suất ước đạt 250.000 tấn, đem lại giá trị ước đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Tại phường Phong Khê, ngoài các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư (Khu vực làng nghề 119 cơ sở: Dương Ổ, Đào Xá, Châm Khê), còn hình thành mới các cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II.

Trong những năm gần đây, làng nghề sản xuất giấy ở Phong Khê phát triển mạnh mẽ và gia tăng các chất ô nhiễm, xả thải trực tiếp ra các kênh, cống rãnh... Do đó, nước thải đã gây ô nhiễm trầm trọng các cống rãnh, kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng xung quanh và thải ra sông Ngũ Huyện Khê, chảy vào Sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Ninh.

Nước thải tại làng giấy Phong Khê đã xả trực tiếp gây ô nhiễm trầm trọng các cống rãnh, kênh rạch, ao hồ, đồng ruộng xung quanh.

Đặc biệt, tính chất nước thải sản xuất giấy tái chế rất phức tạp, khối lượng nước thải lớn và khó thu gom, chế độ thải nước không ổn định do rất ít cơ sở sản xuất tại làng nghề sản xuất giấy tái chế ở Phong Khê bảo đảm được các điều kiện về môi trường, nguy cơ cháy nổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất. Lưu lượng nước thải trung bình mà làng giấy Phong Khê thải ra là 11.261 m3/ngày đêm.

Trước thực trạng ô nhiễm như vậy, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê đã nằm trong danh sách phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Trong báo cáo của UBND TP Bắc Ninh nêu rõ, đối với các cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê, UBND thành phố không cấp Kế hoạch bảo vệ môi trường cho cơ sở sản xuất nào, các đối tượng này đều phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phê duyệt.

Dòng sông Ngũ Huyện Khê là nơi hứng chịu vô số những chất thải, nước thải của làng giấy Phong Khê, biến nơi đây thành con sông chết.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó chủ tịch UBND TP Bắc Ninh cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND phường Phong Khê) tiến hành kiểm tra, xử lý đối với 27 trường hợp có các hành vi xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn ra ngoài môi trường, tổng số tiền xử phạt gần 700 triệu đồng.

Trong thời gian qua, tại làng giấy Phong khê một số cơ sở đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở còn chưa nghiêm túc, tình trạng vi phạm còn diễn ra tại nhiều cơ sở sản xuất. Trên địa bàn phường Phong Khê còn phát sinh nhiều bãi rác tự phát với khối lượng lớn (chủ yếu là rác về thủy lực, tro, xỉ than…).

Việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở còn chưa nghiêm túc, tình trạng vi phạm còn diễn ra tại nhiều cơ sở sản xuất.

Phó chủ tịch UBND TP Bắc Ninh cũng chỉ rõ những tồn tại về vấn đề môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê. Thứ nhất là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn diễn biến phức tạp, chưa phát hiện và xử lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.

Hơn nữa, hầu hết các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đều chưa lập các thủ tục hành chính về môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường...). Việc quản lý, giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Các quy định của luật và văn bản hướng dẫn luật còn chưa cụ thể, chế tài chưa đủ mạnh và chưa được hiện thực hóa, hữu hiệu trong tình hình thực tế. Nhiều cơ sở không chấp hành Quyết định xử phạt. Hiện nay Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lại không có biện pháp cưỡng chế bằng hình thức cắt điện, phong tỏa tài khoản ngân hàng… nên chưa có các chế tài mạnh để xử lý, cưỡng chế đối với các cơ sở cố tình vi phạm pháp luật nhiều lần.

Mặc dù nằm trong danh sách phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", thế nhưng lãnh đạo và các cơ quan chức năng tỉnh, TP Bắc Ninh bao năm nay vẫn loay hoay không thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà làng giấy Phong Khê gây ra, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.

Bạn đang đọc bài viết Loay hoay giải quyết ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.