Thứ năm, 18/04/2024 21:31 (GMT+7)

Vì sao nhiệt độ bên ngoài thường cao hơn nhiệt độ dự báo?

MTĐT -  Thứ năm, 05/07/2018 16:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội những ngày này đang trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp. Theo dự báo, nhiệt độ ngoài trời ở vào khoảng 39-40oC. Tuy nhiên, nhiều người lại lại đo được cao hơn nhiều so với dự báo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hôm nay (5/7), nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ lúc 13h chiều nay phổ biến trong khoảng 37-39 độ, có nơi trên 39 độ như: Hà Nam 39.2 độ, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 40.2 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 39.2 độ,...

Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày mai (5/7) nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ. Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Thế nhưng, trên thực tế, tại Hà Nội, nhiệt độ đo được ngoài trời cao hơn nhiều so với công bố, trên 45 độ C, thậm chí là 50 độ C. Trong khi đó, thông báo về nhiệt độ ngoài trời trên một số ôtô có thể lên đến 46 độ C, đo trong xe trên 50 độ C.

Nhiệt độ đo được ở ngoài trời cao hơn nhiệt độ dự báo. Ảnh minh họa.

Theo Vnexpress, sở dĩ có sự chênh lệch rất lớn giữa con số giữa cơ quan dự báo thời tiết và mức nhiệt người dân đo được là vì cách đo và môi trường đo khác nhau.

Cụ thể, con số mà cơ quan khí tượng công bố là mức nhiệt đo được tại lều khí tượng (chẳng hạn Stevenson Screen). Ở đây, nhiệt kế được đặt cách mặt đất khoảng 1,5 mét vì nếu đặt quá gần sẽ đo nhiệt của cả mặt đất, trong khi đặt quá cao thì bị sai lệch do nhiệt độ thay đổi bởi độ cao. Nền của nơi đặt phải là thảm cỏ xanh, không được là nền đường hay bê-tông.

Ngoài ra, thiết bị đo nhiệt còn phải đặt trong bóng râm. Lý do là nếu nhiệt kế tiếp xúc trực tiếp thì nó sẽ hấp thụ bức xạ mặt trời dẫn đến con số đo được cao hơn nhiệt độ không khí. Cũng cần có luồng không khí lưu thông quanh nhiệt kế, duy trì sự cân bằng với môi trường xung quanh.

Hơn nữa, cơ quan khí tượng còn phải sử dụng các loại nhiệt kế chuyên dụng với độ chính xác cao. Ngoài ra, số liệu công bố cũng được thu thập vào những khung giờ nhất định và thường là con số trung bình tại một số điểm đo khác nhau. Chẳng hạn, nhiệt độ đo được ở khu vực Cầu Giấy có thể sẽ cao hơn so với ở Phú Xuyên (cùng ở Hà Nội), trong đó có nguyên nhân do hiệu ứng đô thị.

Ngoài ra, theo cách thủ công thì thường không tuân thủ quy tắc kỹ thuật nghiêm ngặt trên, thời gian đo có thể là bất cứ lúc nào trong ngày, nhất là khi đo nhiệt độ cao nhất, mọi người thường đo từ 12h - 1h chiều.

Hơn nữa, việc đo với các dụng cụ không có độ chính xác cao, đo trên bề mặt bê tông, xi măng, kim loại, đo gần mặt đất, mặt sân hay mặt đường càng làm cho sai số này chênh lệch rất nhiều so với con số mà trung tâm khí tượng thông báo (cao hơn 3 - 4 độ C).

Đặc biệt với các ô tô hiện nay đều được lắp các nhiệt kế đo nhiệt độ thì con số này lại càng chênh lệch vì ngoài chịu tác động của nhiệt độ ngoài trời thì các dụng cụ đo còn chịu tác động của máy xe nổ ra (nhiệt độ chênh lệch có thể lên tới 10 độ C so với trạm).

Trao đổi với báo Tin tức về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng cho biết, nhiệt độ dự báo của khí tượng đo được là đo trong lều khí tượng, lều này được làm bằng gỗ, tương đương nhiệt độ dưới bóng mát, còn nhiệt độ đo ngoài trời phụ thuộc vào bề mặt đệm.

“Ví dụ đo ở lều khí tượng 40 độ, nhưng nếu đo dưới mái tôn thì lên tới 60 - 70 độ, nhiệt độ đo được hoàn toàn phụ thuộc mặt đệm, với những mặt đệm khác nhau cho nền nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiệt độ trong lều khí tượng chênh không khí cạnh đó 3 - 4 độ”, ông Hưởng cho hay.

Miền Bắc và miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt nhất trong năm, theo các chuyên gia khí tượng, nắng nóng diện rộng ở Hà Nội và các tỉnh Bắc, Trung Bộ có xu hướng không gay gắt như trong năm 2017. Dự kiến, năm nay có khoảng 14-15 đợt nắng nóng, các đợt nóng trung bình kéo dài khoảng 3-5 ngày.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nhiệt độ bên ngoài thường cao hơn nhiệt độ dự báo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.