Thứ bảy, 20/04/2024 02:23 (GMT+7)

Vì sao ngày càng xuất hiện nhiều siêu bão như Mangkhut?

MTĐT -  Thứ hai, 17/09/2018 15:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như siêu bão, lũ lụt, nắng nóng… sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa trong tương lai do tác động của biến đổi khí hậu.

Sau khi càn quét qua Philippines hôm 15/9 khiến ít nhất 64 người thiệt mạng, bão Mangkhut đã đổ vào Hong Kong và được coi là cơn bão mạnh nhất lịch sử tàn phá Hong Kong, khiến nhiều địa phương ở nơi đây trở nên tan hoang, đổ nát.

Theo ước tính có tới 213 người bị thương vì siêu bão Mangkhut ở Hong Kong. Sau khi ảnh hưởng đến Hong Kong, siêu bão đã đổ bộ vào đất liền Trung Quốc, khiến khoảng 500.000 người ở Quảng Đông phải đi sơ tán.

Bão Mangkhut gây thiệt hại ở Hong Kong. Ảnh: AP. 

Trước đó, tại bờ Đông nước Mỹ, ngày 14/9 (giờ Mỹ) “quái vật” Florence đã đổ bộ vào đất liền vào hôm vào bang North Carolina gây mưa lớn trên diện rộng ở hầu hết bang này và phần phía Đông bang South Carolina.

Tính tới ngày 16/9 (giờ Mỹ), đã có ít nhất 16 người thiệt mạng vì bão Florence ở bờ Đông Mỹ. Trong đó có 10 người ở bang North Carolina và sáu người ở bang South Carolina - hai bang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão được cho là mạnh nhất trong 64 năm qua, Reuters dẫn số liệu từ nhà chức trách hai bang.

Bão Florence gây ngập nặng ở Mỹ. Ảnh: GETYY.

Nhà chức trách hai bang cảnh báo hậu quả xấu nhất vẫn còn ở phía trước, khi nước ở các con sông vẫn tiếp tục dâng. Vài con sông dự kiến sẽ dâng cao đỉnh điểm vào ngày 17/9 hoặc 18/9. Ông Henry McMaster - Thống đốc bang South Carolina đốc thúc những người dân sống trong khu vực có thể bị lũ nhanh chóng sơ tán.

Theo Trung tâm bão Quốc gia Mỹ (NHC), tâm bão Florence hiện ở phía Tây TP Raleigh, bang North Carolina và đang di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ 22 km/giờ. Sức gió gần tâm bão đã giảm còn 55 km/giờ. Dự kiến ngày 18-9 (giờ Mỹ) bão sẽ chuyển hướng Đông đi qua vùng New England.

Trong khi đó, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu tăng lên đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều siêu bão tương tự.

Do Trái đất nóng lên

Theo ĐSPL, mới đây, Cơ quan Khí tượng Hong Kong cho biết thời gian qua, siêu bão, thuộc cấp độ mạnh nhất trong thang đánh giá sức mạnh các cơn bão, đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn so với giai đoạn 1961 - 2000.

4 cơn bão, Jelawat, Maria, Jebi và Mangkhut đã đạt đến mức siêu bão, đe dọa khu vực trải dài từ phía bắc Thái Bình Dương đến Biển Đông trong năm nay.

Một cơn bão được gọi là siêu bão khi nó tạo ra sức gió lên tới hơn 200 km/giờ. Ông Xie Shang-ping, nhà nghiên cứu môi trường tại Đại học California ở San Diego lý giải, muốn biết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến những cơn bão thì phải đánh giá đến việc bão nhiệt đới hình thành ra sao.

Những cơn bão hình thành ban đầu từ lốc xoáy. Chúng là những cỗ máy khổng lồ sử dụng không khí nóng ẩm làm năng lượng và cứ thế lớn dần qua thời gian. Chính vì vậy, các cơn bão chỉ sinh ra từ vùng biển ấm gần đường xích đạo.

Không khí nóng ẩm bốc lên từ bề mặt đại dương, tạo ra một vùng áp suất không khí thấp (áp thấp nhiệt đới). Cơ chế này khiến không khí liên tục di chuyển xoay tròn, từ vùng áp suất cao hơn vào vùng áp suất thấp. Chỉ khoảng 10% các cơn lốc xoáy phát triển thành bão nhiệt đới, tức có sức gió đạt tốc độ 118 km/h.

Với việc nhiệt độ bề mặt đại dương ngày càng ấm hơn, những cơn lốc xoáy sẽ được tiếp thêm nhiều năng lượng, từ đó hình thành nên mây và gió mạnh, và khi đủ sức mạnh, trở thành bão nhiệt đới.

Những siêu bão sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trong những năm tới, Choy Chun-wing, nhà nghiên cứu ở Hong Kong nói. “Khí hậu ấm lên về mặt lý thuyết sẽ càng tạo ra năng lượng để các cơn bão mạnh hơn trong tương lai”.

Theo các chuyên gia, sẽ còn nhiều siêu bão đáng sợ như bão Mangkhut xảy ra trong tương lai. 

Xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt

Không chỉ tần suất xuất hiện những cơn bão ngày càng dày lên mà mùa hè vừa qua, Trái đất cũng chứng kiến những trận nắng nóng chưa từng có từ châu Âu sang châu Á.

Tháng 7 vừa qua, nhiệt độ cao kỷ lục cũng được ghi nhận khắp Bắc bán cầu, từ Na Uy tới Nhật Bản. Tại Hy Lạp, nắng nóng trong mùa hè là điều bình thường nhưng đợt nắng nóng vừa qua đã gây ra trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, khiến ít nhất 82 người thiệt mạng.

Còn ở Thụy Điển, tháng 7 vừa rồi có nhiệt độ nóng nhất trong tất cả các tháng 7 suốt 250 năm qua, dẫn đến khủng hoảng hạn hán và cháy rừng.

Bà Elena Manaenkova, Phó Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cho rằng nhiệt độ tăng cao bất thường là tác động của biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính gây ra. Trong báo cáo hồi năm 2012, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cảnh báo thời tiết khắc nghiệt sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên trong những thập kỷ tới.

Thậm chí, khi thế giới duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C như Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia dự đoán nhiều vụ lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và bão sẽ diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao ngày càng xuất hiện nhiều siêu bão như Mangkhut?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...