Thứ tư, 17/04/2024 02:49 (GMT+7)

Vì sao nắng nóng, hạn hán kéo dài ở miền Trung?

MTĐT -  Chủ nhật, 28/07/2019 15:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nắng nóng kéo dài thời gian qua đã khiến mực nước trên các sông ở các tỉnh miền Trung xuống thấp, đồng ruộng khô cháy và thiếu nước sinh hoạt là thực trạng đang xảy ra tại nhiều địa phương.

Tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng và nhất là tại Quảng Nam đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay (năm 2005).

Tại Quảng Trị, theo Vnexpress, đại diện Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho hay, trên địa bàn đang có đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài 52 ngày, trong đó nhiều ngày nắng nóng gay gắt và dự kiến còn kéo dài. Nắng nóng kèm gió Tây Nam thổi mạnh làm cho mực nước sông, suối xuống thấp, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, lượng nước ở các hồ chứa cạn kiệt.

Trong đợt quan trắc độ mặn từ ngày 23 đến 24/7, độ mặn đo được trên sông Thạch Hãn, ở chân đập Trấm, cách cửa sông khoảng 30 km là 5,5 đến 6,9 ‰.

"Nhìn chung độ mặn tại các sông trên địa bàn năm nay đạt mức cao nhất trong các năm qua", ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Thủy lợi Quảng Trị nói.

Trải qua nhiều đợt nắng nóng, lượng nước ở các hồ chứa ở Quảng Trị dần cạn kiệt, trung bình chỉ đạt 23,3% so với dung tích thiết kế.

Tại Nghệ An, toàn tỉnh có 625 hồ đập, đến nay hơn 100 hồ loại nhỏ (dung tích từ 500 m3 trở xuống) đã xuống mực nước chết hoặc trơ đáy. Hạn hán khiến 3.000 ha hoa màu bị chết khô hoặc giảm năng suất; 6.000 ha lúa chuẩn bị làm đòng ở nhiều huyện thiếu nước ngả màu vàng, xơ xác; mặt ruộng nứt toác có nơi lọt lòng bàn chân.

Hạn hán khiến nhiều đồng ruộng ở Nghệ An khô héo. Ảnh: Internet.

Theo ông Hoàng Đức Chuyên (52 tuổi, xóm 3B, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên), hơn hai tháng trước gia đình cấy 5 sào lúa song cả chục ngày qua ruộng không được tưới nước. "Khoảng một tuần tới không có mưa thì coi như mất trắng", ông Chuyên nói.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Thủy lợi Nghệ An) cho biết, để chống hạn, tỉnh tập trung nạo vét kênh mương nội đồng để đưa nước từ các trạm bơm về ruộng; lắp đặt các trạm bơm dã chiến; đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn...

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện “hỏa tốc” yêu cầu UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Giám đốc các Công ty TNHH thủy lợi; các Nhà máy thủy điện; Công ty Điện lực Nghệ An tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn vụ hè thu – mùa 2019.

Theo đó, Công điện số 12/CĐ-UBND, ngày 26/7/2019 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Từ đầu vụ hè thu năm 2019, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức bất lợi, nắng nóng gay gắt xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày với nền nhiệt độ cao phổ biến từ 37 - 40oC, một số nơi cao hơn, gió Tây Nam thổi mạnh liên tục. Mực nước trên các sông, suối xuống rất thấp: Mực nước sông Cả tại thượng lưu cống Nam Đàn vào lúc 14 giờ ngày 23/7 xuống mức -0,6m/ thiết kế 1,15m. Hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ dung tích hữu ích chỉ còn 3,8%, các hồ chứa thủy lợi dung tích chỉ còn 20 - 50% dung tích thiết kế, nhiều hồ nhỏ đã cạn.

Trao đổi với báo SGGP, ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết: “Trong vòng 20 đến 30 năm nay, chưa có đợt hạn nào kinh khủng như năm nay. Hạn từ rừng xuống đồng bằng, ra tận các làng ven biển. Ruộng đồng thì cháy khô, bỏ hoang; cây trên rừng cũng khô quắp chực chờ cháy; người dân thì chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước…”.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 50.000 dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, tập trung ở các huyện, thị: Tuy Phước, Phù Mỹ, An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh… Trước tình trạng này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo công an tỉnh khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng đến tiếp nước cứu khát cho người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, thời gian tới, nắng nóng gay gắt có thể còn tiếp tục xảy ra, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, tình trạng hạn hán, thiếu nước tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu ở vùng cửa sông, ven biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các công ty TNHH thủy lợi, nông, lâm nghiệp, thủy điện, điện lực tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Công điện số 897/CĐ-TTg ngày 24/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thực hiện Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 21/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về phòng, chống hạn vụ hè thu - mùa năm 2019.

Tại Phú Yên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, vụ Hè thu năm nay ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng 24.523 hecta. Tuy nhiên qua thống kê của các địa phương trong tỉnh, đến tháng 7/2019 đã có hơn 4.000 hecta diện tích bị khô hạn, trong đó có nhiều diện tích nguy cơ mất trắng.

Theo nhiều nông dân, những ngày đầu tháng Bảy dương lịch nhiều chân ruộng nơi đây còn có nguồn nước tưới từ các kênh và suối trong núi chảy ra giúp lúa phát triển. Nhưng đến nay, nước đã không còn và lúa cứ thế chết dần… Vì thế, cả cánh đồng đang rất cần nguồn nước để chống hạn nhưng tất cả các nguồn nước trong khu vực đã cạn kiệt.

Trao đổi với báo Công lý về nguyên nhân đợt nắng nóng kéo dài ở miền Trung, ông Vũ Đức Long, PGĐ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, nguyên nhân chính là do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số lưu vực sông đã xuống thấp nhất lịch sử, mực nước một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết. Trong thời gian qua, các đợt mưa ở Trung Bộ thường ngắn và không lớn. Lượng mưa từ tháng 1-6/2019 ở Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng từ 20-90%.

Lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 35-60%, một số sông hụt trên 70% như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Ba (Phú Yên),... Một số sông mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc.  Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện ở Trung Bộ xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 15-20m như hồ A Vương (Quảng Nam), hồ Đăk Drinh, hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); hồ Cửa Đạt, Hủa Na (Thanh Hóa), Bản Vẽ (Nghệ An), Bình Điền (Thừa Thiên Huế), Ka Năk (Gia Lai). Đặc biệt, một số hồ đã xuống dưới mực nước chết như Trung Sơn (Thanh Hóa), Sông Tranh 2, Sông Bung 4A (Quảng Nam), Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom (Bình Định).

Theo dự báo, Dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C. Từ nay đến tháng 8/2019, nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở miền Trung, vùng núi phía Tây Trung Bộ còn có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt.Tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong tháng 8-9/2019 phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-30%; các tháng khác phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-25%.

Lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 40-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.

Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tập trung tại các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc và có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nắng nóng tại khu vực Trung Bộ diễn ra trong ngày 27/7 với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Từ 28-29/7, nắng nóng dịu dần, từ 30/7 nắng nóng sẽ kết thúc ở khu vực này, chiều và tối có mưa dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Khoảng đêm 2-4/8, mưa lớn có khả năng xuất hiện ở Bắc Trung Bộ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nắng nóng, hạn hán kéo dài ở miền Trung?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.