Thứ sáu, 26/04/2024 08:24 (GMT+7)

Vì sao dự báo thời tiết cực đoan ở Việt Nam vẫn chưa chính xác?

MTĐT -  Thứ sáu, 02/03/2018 14:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thường xuyên phải đối mặt với nhiều hiểm họa thiên tai, thế nhưng đến nay việc dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan ở nước ta vẫn chỉ dừng lại ở mức cảnh báo mà vẫn chưa chính xác.

Nhớ lại trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng hồi tháng 8/2017, khiến gần 20 người chết và mất tích, anh Cà Văn Biên, Trưởng bản Hua Nậm, xã Nặm Păm, huyện Mường La, Sơn La cho biết: "Tối 2/8/2017 thông qua hệ thống phát thanh của địa phương, anh nghe được thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét tại khu vực Mường La. Tới khoảng 20h, trời bắt đầu mưa to. Càng về sau mưa càng to khác thường. Tôi vội xách chiếc loa chạy ra ngoài kêu gọi mọi người trong bản chạy lũ. Vừa lên tới khu vực cao thì nước tràn về, cuốn phăng tất cả”.

Sau trận thiên tai ấy, anh Biên bày tỏ: “Giá như bản tin dự báo chính xác hơn, dự báo dài hạn trước thời điểm xảy ra thì người dân sẽ kịp thời gian di chuyển tài sản, không thiệt hại nặng nề như thế”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm “Vai trò của ngành KTTV trong phát triển bền vững” diễn ra mới đây tại Việt Nam, ông Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới cho biết: “Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối các quốc gia thành viên của WMO hợp tác cùng hỗ trợ, chia sẻ dữ liệu khí hậu, thời tiết toàn cầu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những thông tin cảnh báo, dự báo với độ tin cậy cao sẽ trợ giúp đặc lực cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình ra quyết định”.

Trận lũ lịch sử ở Mường La, Sơn La khiến hàng chục người chết và mất tích - Ảnh: TTXVN.

Theo ông Talaas, WMO sẽ hỗ trợ 191 quốc gia thành viên nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đặc biệt là tăng cường các sản phẩm về cảnh báo sớm và phát triển dịch vụ khí tượng. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó thiên tai của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Trước đó, liên quan đến cơn bão số 10 lịch sử hồi tháng 10/2017 làm 72 người bị thiệt mạng, 30 người bị mất tích đã khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi, việc dự báo không chính xác là do thiết bị lạc hậu hay do trình độ con người?

Trước khi cơn bão số 10 bắt đầu hình thành, trong các cuộc họp của BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ban đầu nhận định bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Quảng Bình - Đà Nẵng.

Nhưng trên thực tế, ngoài Bắc Trung Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái mới là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Chưa hết, lượng mưa mà cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đưa ra cũng không chính xác. Một số nơi như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lượng mưa lên tới 400 - 500mm, hầu hết các hệ thống sông lớn từ Hà Tĩnh trở ra đều ở trên mức báo động 3, nhiều sông thậm chí đạt mức cao kỷ lục trong 30 năm trở lại đây.

Ngày 31/10/2017, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường liên quan đến công tác dự báo gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra trước đó.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng “một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong đợt thiên tai vừa qua trong đó có phần do dự báo chưa chủ động, chưa chính xác liên quan đến dự báo định lượng mưa, dự báo về lũ ống và lũ quét".

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, trên thực tế công tác dự báo định lượng mưa và công tác dự báo liên quan đến lũ quét, sạt lở đất thì khoa học hiện nay và trên các nước tiên tiến mới giải quyết được dự báo trên diện rộng. Dự báo trên điều kiện cực đoan cũng như dự báo trong khu vực cụ thể vẫn còn là điều còn khiếm khuyết.

Theo Bộ trưởng Hà, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác đầu tư, đang dần đưa các dự án này đồng bộ, phục vụ công tác dự báo. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới thì Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình, chúng ta cần phải huy động rất nhiều nhân lực.

Theo các chuyên gia, không những phải hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, Việt Nam còn xuất hiện khoảng 20 loại hình thời tiết cực đoan khác như: Lũ ống, lũ quét, dông lốc, vòi rồng, mưa đá… Tuy nhiên, việc dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan này vẫn đang là khó khăn, thách thức của cơ quan khí tượng thủy văn.

Cũng tại buổi tọa đàm “Vai trò của ngành KTTV trong phát triển bền vững”, ông Trần Hồng Thái - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia - Phó Chủ tịch Ủy ban Bão Quốc tế nhìn nhận, chất lượng dự báo của nước ta đã từng bước nâng lên và dần tiệm cận với các nước phát triển. Ngành KTTV của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, tăng dầy mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp… là những công nghệ giúp dự báo tốt hơn.

Công tác dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan tại nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa: Internet.

Theo ông, đến năm 2020, chúng ta có hệ thống ra đa hoàn thiên đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ tăng thời hạn dự báo thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng cực đoan.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn trong công tác dự báo mà nước ta đang gặp phải, đó là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20 -30 % mật độ so với khu vực, khoảng 50% trạm tự động, còn nhiều trạm đo thủ công.

Nguồn lực đầu tư cho mạng lưới quan trắc, truyền tin, dự báo còn hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chi tiết hóa các dự báo điểm…

Ông Thái cũng cho rằng “Thông thường các cơ quan khí tượng chỉ nhận diện cảnh báo được trước thời điểm xảy ra khoảng 15-20 phút, lâu nhất 30 phút. Các bản tin dự báo dài hạn của Việt Nam mới đang áp dụng cho nhiệt độ, lượng mưa, thủy văn với độ chính xác khoảng 80%”.

Để khắc phục, cải thiện chất lượng dự báo, ông Thái cho biết, ngành Khí tượng thủy văn đang tiếp cận các công nghệ mới dự báo tốt hơn như: Xây dựng mạng lưới radar, cảnh báo dông sét, tăng dày mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp…

P.V (tổng hợp theo báo Giao thông, Zing, LĐ)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao dự báo thời tiết cực đoan ở Việt Nam vẫn chưa chính xác?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.