Thứ ba, 19/03/2024 12:22 (GMT+7)

Trung Quốc: Lũ lên mức kỷ lục, thách thức cho đập Tam Hiệp

MTĐT -  Thứ ba, 14/07/2020 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các trận mưa lớn kể từ cuối tháng 6 đã gây ra lũ lụt, khiến 141 người thiệt mạng hoặc mất tích, ảnh hưởng tới gần 38 triệu người và phá hủy 28.000 nhà cửa.

Mực nước của 33 con sông đã dâng cao lên mức kỷ lục

Tình hình xấu đi từ tuần trước, khi mưa lớn khiến mực nước dâng cao và Chính phủ Trung Quốc đã phải nâng các mức cảnh báo.

Theo truyền thông Trung Quốc, TP. Vũ Hán nằm trong số những khu vực phải theo dõi tình hình nước dâng, khi mực nước sông Dương Tử (Trường Giang) dâng lên mức cao thứ ba trong lịch sử của thành phố 11 triệu dân này. Dự báo mực nước sông sẽ tiếp tục tăng trong tuần này.

Các video trên truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy nhiều thành phố và thị trấn đã chìm trong nước. Tại một số nơi, nước đã dâng lên nóc các ngôi nhà một tầng và lực lượng cứu hộ phải sơ tán người dân bằng xuồng. Nhiều ngôi nhà đã bị san phẳng do lở đất. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh Giang Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam ở miền Trung, An Huy, Chiết Giang và Giang Tô ở miền Đông, thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc.

Sông Trường Giang đoạn ở Nam Kinh vượt mức báo động 1,4 m. Ảnh: mw.cn

Trong đó, giới chức tỉnh Giang Tây đã đưa ra phản ứng kiểm soát lũ lên cấp 1 vào Chủ nhật, mức cao nhất của trong bảng phản ứng khẩn cấp bốn cấp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12/7 cũng đã kêu gọi chính quyền các khu vực bị ảnh hưởng huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân.

Những cơn mưa xối xả vốn thường xảy ra vào tháng Bảy và tháng Tám nhưng năm nay lại bắt đầu vào giữa tháng Sáu. Thiệt hại về tài sản ước tính tại 13 tỉnh thành ở Trung Quốc đã lên tới 25,7 tỷ NDT (3,6 tỷ USD) vào cuối tháng 6.

Nhân dân nhật báo ngày 14/7 đưa tin, giới chức Trung Quốc cảnh báo khả năng mưa lũ sẽ kéo tới các khu vực phía bắc sau khi gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền nam.

Cơ quan chống lũ của tỉnh Giang Tây cho biết có tới 2.439 km trong tổng số 2.545 km bờ kè sông và hồ của tỉnh là đang có mực nước trên mức báo động. Huyện Bà Dương, gần hồ Bà Dương, có ít nhất 14 đoạn đê bị vỡ, theo Tân Hoa xã.

Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, 109 con sông vượt quá mức an toàn, và 33 con sông ghi nhận mực nước cao nhất trong lịch sử. Điều này có nghĩa là nước sông có thể tràn bờ. Trong tình huống như vậy, chính quyền sẽ phải kích hoạt mức ứng phó cao nhất và các nhân sự phải túc trực suốt ngày đêm; đê sẽ được gia cố và tôn cao, và người dân được đưa đi sơ tán, theo Bộ Thủy lợi.

Bộ cho biết tình hình lũ lụt dọc theo nhánh chính của Dương Tử, trong đó có các thành phố lớn như Vũ Hán, là ổn định.

Lo ngại về độ an toàn của đập Tam Hiệp

Bất chấp sự trấn an của chính phủ, cư dân dọc theo các con sông của Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về khả năng đập Tam Hiệp có thể vỡ sau khi mưa lớn trút xuống các vùng của đất nước, dù chính quyền đã xả nước lũ từ đập thượng nguồn vào hôm 29/6.

Hôm 14/7, Reuters đưa tin độ an toàn của đập Tam Hiệp – công trình thuỷ điện lớn nhất Thế giới, một lần nữa lại được đặt vào diện nghi vấn trong bối cảnh Trung Quốc đang tính toán thiệt hại của đợt mưa lũ gây ra cho nền kinh tế.

Theo báo Công an TP.HCM, Reuters dẫn lời David Shankman - nhà địa lý học đến từ Đại học Alabama chuyên nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc nhận định: “Một trong những biện minh chính cho việc xây đập Tam Hiệp là để kiểm soát lũ, nhưng chưa đến 20 năm sau khi nó hoàn thành, chúng ta đã chứng kiến kỷ lục lũ cao nhất trong lịch sử. Thực tế là nó không thể ngăn chặn những sự việc nghiêm trọng như thế này”.

Cư dân dọc theo các con sông của Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về khả năng đập Tam Hiệp có thể vỡ sau khi mưa lớn trút xuống các vùng của đất nước (Ảnh: Xinhua)

Công ty điều hành Dự án đập Tam Hiệp cho biết tổng lượng nước lũ được trữ hiện đã đạt 88% tổng dung tích của hồ chứa đập này. Nhưng một phần của sông Dương Tử với các nhánh của nó và các hồ lớn như Dongting và Poyang đã đạt mức kỷ lục.

Fan Xiao, một nhà địa chất người Trung Quốc cho rằng đập Tam Hiệp chỉ có thể ngăn chặn một phần và tạm thời lũ lụt ở thượng nguồn nhưng bất lực trong việc hỗ trợ giảm thiểu tác hại của lũ lụt do mưa lớn ở khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử.

Fan cho biết Tam Hiệp và các dự án đập lớn khác thậm chí có thể khiến lũ lụt tồi tệ thêm bằng cách làm thay đổi dòng chảy của trầm tích lắng xuống sông Dương Tử. Dự án tạo ra điện cũng làm suy yếu vai trò kiểm soát lũ.

Khi mọi người chỉ xem xét việc sử dụng các hồ chứa để giải quyết vấn đề kiểm soát lũ lụt, họ thường bỏ qua hoặc cố ý giảm thiểu khả năng tự nhiên của các con sông và hồ của họ trong việc điều tiết lũ lụt.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Trung Quốc: Lũ lên mức kỷ lục, thách thức cho đập Tam Hiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới