Thứ tư, 24/04/2024 06:03 (GMT+7)

Triều cường phá kỷ lục, không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ năm, 03/10/2019 11:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói về nguyên nhân khiến triều cường tại Nam Bộ liên tục dâng cao bất thường trong những ngày qua, các chuyên gia cho rằng, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do tác động của con người.

Trong các ngày 29/9-1/10, triều cường tại Cần Thơ dâng cao gây ngập sâu ở nhiều tuyến đường trong thành phố. Nhà chức trách cho biết đỉnh triều cao nhất đo được trên sông Hậu là 2,25 m, cao hơn đỉnh triều cường lịch sử năm 2018 là 2,23 m. Cùng lúc, khu vực nội ô TP Vĩnh Long cũng bị ngập nặng với mực nước đo được là 2,18 m, cao nhất trong lịch sử.

Đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt mốc 1,77 m và 1,80 m tại trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền) chiều 30/9.

Triều cường liên tục phá kỷ kục trong những ngày qua. Ảnh: Internet.

Triều cường dân cao khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, giao thông đi lại khó khăn, nước ngập vào trong nhà đồng thời đối mặt với nguy cơ rò rỉ điện và hỏng hóc đồ đạc.

Không chỉ do biến đổi khí hậu

Chia sẻ với Zing về nguyên nhân khiến triều cường dân cao ở Nam Bộ, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra ngập lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Trong đó, một số yếu tố khiến đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày một sụt lún.

"Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng nghiêm trọng", TS Lê Anh Tuấn cho biết.

Vị chuyên gia này cho rằng không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu, mà cần thẳng thắn nhìn vào những tác động trực tiếp từ con người. Nguyên nhân lớn nhất gây ra sụt lún là do các đập thủy điện được xây trên lưu vực sông Mekong đã giữ lại hầu hết phù sa trên thượng nguồn, không cho lũ mang phù sa về bồi đắp cho khu vực đồng bằng.

Trong khi đó, khi nền đất yếu đi thì lũ hàng năm sẽ đem theo lượng phù sa về để bồi đắp cho phần đã bị lún. Nhưng việc xây các đập thủy điện khiến lượng phù sa đổ về khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm đi một nửa so với trước đây.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước tăng lên nhanh khiến tốc độ khai thác nước ngầm quá lớn. Khi nước ngầm rút xuống khiến lũ gia tăng, tràn về khu vực các tỉnh đồng bằng, kèm theo nhiều yếu tố gây ngập lụt nghiêm trọng trong khu vực thành phố.

"Biến đổi khí hậu chỉ là một trong những nguyên nhân rất nhỏ gây ra sụt lún và ngập lụt nghiêm trọng ở khu vực miền Tây", TS. Lê Anh Tuấn nhận định.

Chia sẻ với Vnexpress, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho rằng, hơn một tuần nay gió chướng hoạt động mạnh khiến mực nước tại các cửa sông dâng cao đúng lúc triều cường lên, nên đỉnh triều mới cao như vậy. Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng này là tình trạng nền đất Nam Bộ nói chung và TP HCM đang bị sụt lún do hệ quả của việc bêtông hóa và khai thác nước ngầm quá mức.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là lý do khiến mực nước biển dâng lên đáng kể, song đây là kết quả của thời gian dài chứ không ảnh hưởng trong một sớm một chiều. Cụ thể, từ năm 1999 đến nay, xu thế triều cường tăng cao liên tục, đỉnh triều lịch sử luôn bị phá vỡ, hầu như năm sau lại cao hơn năm trước. Việc này thể hiện rõ nhất từ năm 2013 là 1,68 m; năm 2014 là 1,70 m; sau hai năm hạ xuống một ít. Đến năm 2017 kỷ lục mới lại hình thành là 1,72 m và năm nay triều cường đã xác lập kỷ lục mới - 1,8 m.

"Nhưng đây có thể vẫn chưa là đợt triều cường cao nhất, bởi từ giờ đến cuối năm còn 5 lần triều cường lớn. Trong đó ít nhất 1-2 đợt đỉnh triều có thể chạm hoặc phá kỷ lục vừa thiết lập", bà Lan dự đoán.

Do quá trình đô thị hóa

Còn theo PGS TS Lê Trung Chơn (Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TP HCM), có nhiều nguyên nhân tác động đến đỉnh triều cường, trong đó có tình trạng sụt lún như quan điểm của bà Lan. Hiện tượng này sẽ kéo theo các mốc độ cao phục vụ cho việc quan trắc mực nước sẽ lún theo, ảnh hưởng đến kết quả quan trắc mực nước.

Triều cường dâng cao không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do tác động của con người.

Nguyên nhân của sụt lún đất chủ yếu do quy hoạch và phát triển đô thị không hợp lý, có sự tương quan rõ ràng giữa các khu vực tập trung xây dựng trên nền đất yếu. Ngoài ra, sụt lún còn do khai thác nước ngầm, hiện tượng tân địa kiến tạo (sự nâng lên, hạ xuống các đứt gãy địa chất) và ảnh hưởng của dòng chảy, sự suy giảm phù sa..

"Đây là nguyên nhân quan trọng, để có cơ sở kiểm chứng cho giả thiết này, cần phải đo và xác định lại độ cao các mốc. Nếu khu vực có tốc độ lún lớn, cỡ vài cm thì có thể giải thích lý do tại sao đỉnh triều tại TP HCM liên tục lập kỷ lục", ông Chơn phân tích.

Ngoài ra, theo ông Chơn, nguyên nhân tác động đến đỉnh triều cường còn là lực hút của Mặt Trăng, Mặt Trời lên trái đất thay đổi, ảnh hưởng theo chu kỳ và theo khoảng cách đến trái đất. Đỉnh triều cường cao nhất xảy ra khi Mặt Trăng và Mặt Trời cùng nằm một phía với tâm trái đất, Mặt trăng và Mặt trời nằm trên một đường thẳng. Đỉnh triều tăng còn do mực nước biển dâng, song nguyên nhân này ảnh hưởng không nhiều vì hàng năm nước biển dâng 2-3 mm...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Triều cường phá kỷ lục, không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới