Thứ sáu, 29/03/2024 13:39 (GMT+7)

Tôn K'Long giữa cao điểm mùa khô

MTĐT -  Thứ ba, 03/03/2020 14:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng người dân “khát” nước sinh hoạt, cây trồng thiếu nước tưới và nguy cơ cháy rừng là những vấn đề chưa có lời giải khi mùa khô đến ở Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh).

Năm nay, mùa khô đến sớm và đang tiếp tục khiến người dân ở Tôn K’Long phải gồng mình đối chọi với hạn hán.

Hàng trăm hecta cà phê của người dân ở Tôn K’Long đang “khát” nước cháy khô.

 Hàng trăm hecta cây trồng “khát” nước

 So với 3 năm về trước, giờ đây đường lên Tôn K’Long đã được bê tông “hóa” tới tận bản làng. Thế nhưng, nắng nóng, khô hạn ở Tôn K’Long có vẻ đang ngày càng khắc nghiệt hơn. Đúng 9 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở Tôn K’Long, khi những vườn điều đang vào mùa thu hái và hàng trăm hecta cà phê đang dần héo rũ, rụng lá và thậm chí có nhiều vườn cà phê đã “cháy” khô... 
 Giữa cái nắng hầm hập, chúng tôi ghé vào quán nước ven đường ở trung tâm Tôn K’Long. Tại đây, chúng tôi được nghe những câu chuyện mà nhiều người dân bản địa cùng than thở về tình trạng khan hiếm nước. Qua tìm hiểu về những vườn cà phê rũ héo nằm cheo leo trên các sườn đồi, một người đàn ông Châu Mạ cho biết, cà phê là một trong những loại cây trồng đã và đang giúp bà con ở Tôn K’Long thoát nghèo và vươn lên làm giàu trong những năm gần đây. Vì thế, cứ vào mùa khô, bà con ở Tôn K’Long trông mưa hơn cả trông vàng. Ngồi cạnh tôi, anh K’Thia bật cúc áo và liên tục phẩy phẩy chiếc nón tai bèo làm mát vầng trán. “Gia đình tôi có gần 4 ha cà phê, năm ngoái thu gần 12 tấn nhân, nhưng giờ đang cháy khô vì thiếu nước. Cách đây 10 ngày, tôi đã thuê người về khoan 3 giếng để tìm nước cứu cà phê, nhưng tất cả đành bó tay chịu thua. Giờ chỉ ngồi trông ông trời cho trận mưa, còn không chắc mùa cà phê năm nay sẽ thất thu” - anh K’Thia than thở.
 Còn theo anh K’Điệp, hơn 3 ha cà phê của gia đình anh đang chung cảnh ngộ “khát” nước với hàng trăm hecta cà phê của bà con ở Tôn K’Long. Nắng nóng kéo dài từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, đã khiến toàn bộ cà phê trong vườn của bà con héo rũ, rụng lá, khô bông. Anh K’Điệp ngao ngán. “Giếng tôi cũng đã khoan 2 cái, nhưng chẳng có giọt nước nào để tưới. Để chống “khát” cho cà phê, tôi và một hộ dân khác đang góp hơn 50 triệu đồng thuê máy múc đào 2 ao tìm nước tưới. Tuy nhiên, do mực nước trong ao quá cạn, vườn cà phê của gia đình lại ở trên đồi cao phải nối tới 20 cuộn ống dài hơn 1.000 m mới tới. Tôi đã sử dụng 2 máy bơm nước công suất lớn để tải nước, nhưng có vẻ không khả quan. Nước chưa bơm tới vườn, nhưng trong hồ đã trơ đáy. Cà phê thì ngày càng rụng lá, cháy khô”.
Theo bà Nguyễn Thị Chi - Trưởng thôn Tôn K’Long, hiện toàn thôn đang có khoảng 380 ha cà phê. Năm nay, do mùa khô đến sớm và nắng nóng diễn biến phức tạp khiến nguồn nước tưới chống hạn cho cà phê bị thiếu hụt nghiêm trọng. “Nếu đủ nguồn nước tưới, thời điểm này cà phê của bà con đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái. Thế nhưng, đến nay, toàn thôn chỉ có khoảng 50 ha cà phê được tưới nước, nhưng cũng chỉ đủ cứu cây nên không thể ra bông. Hơn 330 ha cà phê còn lại của bà con đã hơn 2 tháng chưa có giọt nước nào. Nắng hạn tiếp tục kéo dài, thì cà phê của bà con mất mùa rất rõ ràng. Thậm chí, nhiều diện tích cà phê có nguy cơ bị chết khô phải chặt bỏ” - bà Chi lo lắng.
Công trình nước sinh hoạt hàng tỷ đồng đang “đắp chiếu” ngày càng xuống cấp, hư hỏng do suối Đạ Cọ bị chặn dòng.

 Mỏi mòn tìm nước sinh hoạt

 Mùa khô năm nay đáng báo động không chỉ khiến hàng trăm hecta cà phê đang thiếu nước tưới, mà còn đẩy hơn 170 hộ dân, với gần 500 nhân khẩu ở Tôn K’Long lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Theo người dân nơi đây, từ năm 2016 trở về trước, nguồn nước sinh hoạt của bà con luôn dồi dào nhờ nguồn cung cấp từ công trình nước sinh hoạt nông thôn được Hiệp hội L’Appel (Cộng hòa Pháp) đầu tư xây dựng từ năm 2007 dẫn về từ suối Đạ Cọ. Thế nhưng, vào cuối năm 2016, thượng nguồn suối Đạ Cọ bị một số hộ dân ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) chặn dòng khiến hạ lưu con suối này cạn trơ đáy. Công trình nước sinh hoạt được đầu tư hàng tỷ đồng cũng “đắp chiếu” khiến trang thiết bị, máy móc ngày một xuống cấp, hư hỏng. Từ đó đến nay, người dân Tôn K’Long đã tìm mọi cách để kiếm nguồn nước sinh hoạt như đào, khoan giếng, dùng can đi lấy nước... nhưng tất cả đều không có hiệu quả. Hiện, đang vào cao điểm mùa khô nên tình trạng thiếu nước của bà con càng nghiêm trọng hơn.
 Theo ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, việc khan hiếm nguồn nước tưới chống hạn cho cây trồng và nguồn nước sinh hoạt đang là vấn đề nan giải đối với bà con ở Tôn K’Long. “Địa phương và bà con ở Tôn K’Long đã triển khai rất nhiều biện pháp chống hạn cho cây trồng, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Với tình hình nắng hạn đã và đang diễn ra thì chỉ có mưa mới cứu được cây trồng cho bà con. Còn đối với công trình nước sinh hoạt đang “đắp chiếu”, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các ngành chức năng và UBND huyện Đạ Tẻh, nhưng vẫn chưa có giải pháp. Vấn đề là thượng nguồn suối Đạ Cọ bị chặn dòng nằm ở địa giới hành chính huyện Bảo Lâm khiến việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng, các cơ quan chức năng của tỉnh sớm can thiệp và có biện pháp giải quyết trả lại dòng chảy cho suối Đạ Cọ để bà con có được nguồn nước sinh hoạt và chống hạn cho cây trồng” - ông Tuấn cho hay.
Theo Lâm Đồng Online
Bạn đang đọc bài viết Tôn K'Long giữa cao điểm mùa khô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới