Thứ sáu, 29/03/2024 09:24 (GMT+7)

Thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ sáu, 05/07/2019 14:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những đợt sóng nhiệt đang hoành hành ở Ấn Độ hay những đợt nắng nóng chưa từng có tại châu Âu trong những ngày qua… là một trong những biểu hiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Sóng nhiệt từ châu Á đến châu Âu

Sóng nhiệt đang hoành hành Ấn Độ khiến nhiều khu vực của nước này trở nên nóng quá sức chịu đựng của con người.

Những đợt nắng nóng gay gắt đã giết chết hơn 100 người Ấn Độ mùa hè này và dự đoán sẽ càng tồi tệ hơn trong những năm tới. Điều này có khả năng tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo khi phần lớn đất nước trở nên quá nóng để có thể ở.

Những đợt nắng nóng ở Ấn Độ thường diễn ra trong khoảng từ tháng 3 - 7 hàng năm. Nhưng trong những năm gần đây, các đợt nóng này trở nên cực đoan hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Ấn Độ là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu – theo Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Nắng nóng ở Ấn Độ quá sức chịu đựng của con người.

Giới chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusette (MIT) của Mỹ nói rằng ngay cả khi thế giới cắt giảm được lượng khí thải carbon, hạn chế được mức tăng tối thiểu nhiệt độ toàn cầu… thì nhiều khu vực của Ấn Độ vẫn sẽ trở nên quá nóng đe dọa môi trường để con người có thể sinh sống.

“Các đợt nóng trong tương lại thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu” – ông Elfatih Eltahir, Giáo sư chuyên ngành khí hậu tại MIT, nhận định.

Năm ngoái, có khoảng 484 đợt nóng được ghi nhận trên khắp Ấn Độ, tăng 21 đợt so với năm 2010. Trong giai đoạn đó, hơn 5.000 người đã thiệt mạng. Con số năm nay cũng cho thấy tình trạng nắng nóng không thuyên giảm. Tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở New Delhi có thời điểm lên tới 48 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận trong tháng đó. Trong khi nằm ở phía Tây thủ đô, thành phố Churu gần phá kỷ lục nhiệt độ khi có thời điểm nhiệt độ lên tới 50,6 độ C.

Nắng nóng khiến tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại Ấn Độ xảy ra trên diện rộng.

Bang nghèo nhất của Ấn Độ là Bihar, đã phải đóng cửa tất cả trường học, ĐH và trung tâm đào tạo trong vòng 5 ngày sau khi một đợt nóng khiến hơn 100 người thiệt mạng. Bang này cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên ở trong nhà trong những thời điểm nóng nhất trong ngày – điều được cho là không thực tế bởi có hàng triệu người vẫn phải làm việc ngoài trời để có thu nhập.

Không chỉ tại Ấn Độ, nhiều nơi trên thế giới cũng đang trải qua những đợt nóng cực đoan, trong đó có Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nepal và Zimbabwe.

Tháng 6 vừa qua, các nước châu Âu vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Trong đó, tại Pháp đã ghi nhận nhiệt độ cao hơn gần hai độ so với kỷ lục trước đó, trong khi các nhân viên cứu hỏa đang tiếp tục vật lộn vơi vụ cháy rừng lịch sử ở Tây Ban Nha, trong bối cảnh phần lớn Tây Âu vẫn "nằm trong vòng vây" của đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè này.

Trung tâm Dự báo Thời tiết Quốc gia Pháp Météo-France cho biết, nhiệt độ đo được ở Gallargues-le-Montueux vào lúc 4h20 chiều 28/6 (giờ địa phương) đã chạm ngưỡng 45,9°C.

"Đây là mức nhiệt lịch sử", nhà khí tượng học người Pháp Etienne Kapikian chia sẻ, cho biết đây là lần đầu tiên ngưỡng nhiệt độ vượt quá 45°C được ghi nhận tại Pháp.

Nắng nóng do biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người có thể là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu hồi tuần trước cũng như cả Tháng 6 vừa qua. Đây là kết luận do một nhóm nhà khoa học châu Âu công bố vào hôm 3/7. Qua đó, củng cố thêm khả năng sẽ xuất hiện các đợt thời tiết cực đoan với tần suất cao hơn do biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Theo báo cáo của tổ chức Liên minh thời tiết thế giới (World Weather Attribution), các quan sát cho thấy những đợt nắng nóng tháng 6 tương tự cách đây một thế kỷ có nền nhiệt thấp hơn những đợt nắng nóng tháng 6 ngày nay khoảng 4 độ C. Biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây. Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình máy tính trong 3 ngày từ ngày 26/6 đến ngày 28/6 vừa qua để tính toán các mức nhiệt độ mà họ dự báo.

Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy tác động của tình trạng Trái Đất ấm dần lên và các hình thái thời tiết khắc nghiệt này có khả năng sẽ trở nên ngày một thường xuyên hơn. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng ấm lên của Trái Đất có liên quan tới việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khiến các đợt nắng nóng thường xuyên xuất hiện hơn.

Nước Pháp trải qua đợt nắng nóng chưa từng có trong lịch sử.

Mưa lũ ở Nhật Bản

Trong khi Ấn Độ và châu Âu phải vật lộn với nắng nóng, thì tại Nhật Bản tại hứng chịu đợt mưa lớn kỷ lục. Mưa to khiến hơn 1 triệu người ở miền Nam Nhật Bản đã được lệnh sơ tán khi khu vực này bị mưa lớn với lượng mưa kỷ lục.

Đảo Kyushu của Nhật Bản, nơi có 13,3 triệu cư dân, có lượng mưa hơn 300mm tại nhiều địa điểm vào ngày 4-7. Đó là lượng mưa trung bình gần bằng lượng mưa của cả tháng 7 (319mm). Tại Kagoshima, ở tỉnh Kagoshima, trên đảo Kyushu, đã chứng kiến lượng mưa kỷ lục, với hơn 460mm chỉ trong 24 giờ. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết một số địa điểm trong tỉnh, nơi có dân số 1,6 triệu người, có nguy cơ sạt lở và lũ lụt. Các quan chức đang thúc giục cư dân rời khỏi khu vực, nhưng cho đến nay các nhà chức trách ước tính rằng chỉ có hơn 1.700 trong tổng số hơn 1 triệu người được khuyên sơ tán.

Sau cuộc họp nội các hôm 3/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tweet rằng thêm 14.000 nhân viên từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã được triển khai để hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra, lở đất đã vùi lấp một số ô tô và một ngôi nhà khiến 1 phụ nữ khoảng 80 tuổi mất tích tại tỉnh Kagoshima. Mưa lớn cũng làm gián đoạn hoạt động của tuyến tàu điện Kyushu và buộc hơn 150 trường học phải tạm đóng cửa.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hối thúc người dân luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, đồng thời cho biết có thể sẽ đưa ra cảnh báo khẩn cấp do mưa lũ tại những nơi bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tỉnh Kagoshima và Kumamoto. Từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, Nhật Bản bước vào cao điểm mùa mưa. Tại Trung Quốc, ngày 3/7, một cơn bão mạnh đã đổ bộ vào thành phố Khai Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc, khiến 6 người thiệt mạng và hơn 190 người bị thương.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.